Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Một số điểm mới về cấp, bán ấn chỉ tại cơ quan Thuế

08:23 - Thứ Tư, 11/08/2021 Lượt xem: 18844 In bài viết

ĐBP - Ấn chỉ thuế là loại ấn phẩm được in theo chỉ định tại các Luật thuế, Pháp lệnh thuế và các văn bản pháp quy dùng để quản lý thu thuế, thu phí, lệ phí cho Ngân sách Nhà nước. Ấn chỉ thuế bao gồm: Các loại hóa đơn, các loại biên lai thuế, các loại biên lai phí, lệ phí, các loại ấn chỉ khác (gọi tắt là ấn chỉ); Các loại hoá đơn gồm: Hóa đơn giá trị gia tăng, Hóa đơn bán hàng (bao gồm cả Hóa đơn bán hàng dùng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan), Hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế GTGT, Hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia, Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý được quản lý như hóa đơn, Các loại hóa đơn khác (tem, vé, thẻ, ...); Biên lai thuế gồm: Biên lai thu thuế, biên lai thu tiền phạt (có mệnh giá, không có mệnh giá), chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; biên lai thu tiền, Tem thuốc lá sản xuất trong nước được quản lý trong ứng dụng Quản lý ấn chỉ như biên lai thuế; Biên lai phí, lệ phí gồm: Các loại biên lai phí, lệ phí không mệnh giá; các loại biên lai phí, lệ phí có mệnh giá; Tem rượu sản xuất trong nước được quản lý trong ứng dụng Quản lý ấn chỉ như biên lai phí, lệ phí; Ấn chỉ khác gồm: Các loại tờ khai, sổ sách, báo cáo...

Ngày 30/12/2020, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 2262/QĐ-TCT về việc ban hành Quy trình Quản lý ấn chỉ. Quy trình mới đã phân định rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong cơ quan Thuế đối với công tác quản lý ấn chỉ, đồng thời quy định các bước công việc cụ thể trong quy trình Quản lý ấn chỉ để công chức thuế thực hiện thống nhất, đúng trách nhiệm, quyền hạn. Theo đó có một số điểm mới thay đổi trong thủ tục mua hóa đơn quyển và xin cấp ấn chỉ mà các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng cần nắm bắt được đó là:

Thủ tục về mua ấn chỉ: Ấn chỉ các tổ chức, cá nhân mua tại Cơ quan Thuế bao gồm: Hóa đơn; biên lai phí, lệ phí; tem rượu.

Căn cứ điểm 14.1 Mục I, Chương I, Phần II của quy trình mới quy định các bước thực hiện như sau: Khi tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được mua ấn chỉ, có nhu cầu sử dụng ấn chỉ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định đến Cục Thuế liên hệ bộ phận một cửa để nộp hồ sơ.

Đối với hồ sơ mua hóa đơn, sau khi kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ mua hóa đơn thì bộ phận một cửa sẽ chuyển hồ sơ đến các bộ phận Kê khai và kế toán thuế, bộ phận Quản lý nợ phối hợp kiểm tra về tình trạng MST, tình trạng nợ thuế, kê khai thuế để bán hóa đơn cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Sau khi hồ sơ đáp ứng yêu cầu sẽ được đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi sổ nhận hồ sơ tại phân hệ quản lý hồ sơ của ứng dụng TMS ngay đối với hồ sơ đầy đủ theo quy định. Hồ sơ sau khi được chuyển đến bộ phận ấn chỉ thì cán bộ ấn chỉ lập tờ trình đề nghị bán ấn chỉ trình lãnh đạo phụ trách phê duyệt (kèm theo hồ sơ của tổ chức, cá nhân và xác nhận của các bộ phận có liên quan). Ấn chỉ được bán ngay sau khi tờ trình được lãnh đạo phê duyệt.

Để không gây ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng ấn chỉ và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân thì các tổ chức, cá nhân cần chủ động trong kế hoạch mua, sử dụng ấn chỉ, hoàn thành nghĩa vụ báo cáo sử dụng ấn chỉ, kê khai thuế, nộp thuế trước khi liên hệ mua ấn chỉ.

Về thủ tục cấp ấn chỉ: Ấn chỉ cấp cho các tổ chức, cá nhân tại cơ quan Thuế là: các loại Biên lai thuế, Chứng từ khấu trừ thuế, tem thuốc lá...

Căn cứ điểm 13.3 Mục I, Chương I, Phần II của quy trình mới quy định các bước thực hiện như sau: Khi tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ấn chỉ nêu trên, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đến cơ quan thuế liên hệ bộ phận “một cửa” để nộp hồ sơ. Trong văn bản đề nghị cấp ấn chỉ của tổ chức, cá nhân phải nêu rõ tên, địa chỉ, mã số thuế, loại, số lượng ấn chỉ tổ chức, cá nhân cần nhận để sử dụng và tên, số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu của người đến nhận ấn chỉ.

Bộ phận “một cửa” sẽ thực hiện các bước kiểm tra văn bản thể hiện tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu (đối với biên lai thuế) và thời hạn, sản lượng thuốc lá được phép sản xuất theo Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực theo quy định (đối với tem thuốc lá sản xuất trong nước). Photo và lưu trữ văn bản thể hiện tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu hoặc Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá để kiểm tra, đối chiếu cho các lần tiếp theo. Sau đó đóng dấu tiếp nhận hồ sơ theo quy định và ghi sổ nhận hồ sơ tại phân hệ quản lý hồ sơ của ứng dụng TMS đối với hồ sơ đầy đủ theo quy định. Hồ sơ sau khi được chuyển đến bộ phận ấn chỉ, căn cứ các giấy tờ nêu trên, bộ phận ấn chỉ thực hiện cấp ấn chỉ theo quy định.

TTHT
Bình luận
Back To Top