Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững

09:02 - Thứ Tư, 28/06/2017 Lượt xem: 4687 In bài viết
ĐBP - Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình và không thể thiếu được vai trò của người phụ nữ. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu này, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiều phong trào, hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ “xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”.

Đến thăm mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” ở bản Lập, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), chị Cà Thị Xuân, Chủ nhiệm mô hình cung cấp cho chúng tôi khá nhiều thông tin, kinh nghiệm quý. Hiện nay, mô hình thu hút 34 hội viên, người nhiều tuổi nhất là anh Cà Văn Thanh gần 50 tuổi và người ít tuổi nhất là chị Lò Thị Tâm vừa mới qua tuổi 20. Sự chênh lệch tuổi tác không nhỏ giữa các thành viên không phải là hạn chế mà ngược lại còn giúp cho họ có nhiều kinh nghiệm, thông tin chia sẻ, trao đổi với nhau vì mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Cà Thị Xuân cho biết, mỗi tháng nhóm sinh hoạt 1 lần vừa là dịp để tuyên truyền, phổ biến đến mỗi thành viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời giúp nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, mỗi buổi sinh hoạt, nhóm sẽ chọn một chủ đề về kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình để phổ biến tới thành viên, như: Quản lý, phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt; ứng xử trong gia đình; nuôi dạy con; kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình... Nội dung sinh hoạt thiết thực, cụ thể này đã giúp cho thành viên mô hình gắn kết với nhau hơn và chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc và nói không với “bạo lực gia đình”.

 

Phụ nữ phường Him Lam chuẩn bị “Bữa cơm gia đình điểm 10” tại hội thi nấu ăn do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Điện Biên Phủ tổ chức. Ảnh: Minh Thùy

Theo chị Lò Thị Tâm - thành viên mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” bản Lập, việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững từ các thành viên, cán bộ hội viên phụ nữ trong mỗi buổi sinh hoạt rất thiết thực, ý nghĩa. Kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế ấy giúp tôi tổ chức cuộc sống gia đình tốt hơn từ việc sắp xếp việc nhà hợp lý, xây dựng kế hoạch chi tiêu tiết kiệm; chịu khó lao động để có tích luỹ mở rộng sản xuất. Vợ chồng tôi cùng bàn bạc, thống nhất trong kế hoạch nuôi dạy con cái, làm kinh tế cùng chăm lo cho tổ ấm của mình.

Được biết, mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” bản Lập là một trong nhiều mô hình được thành lập theo Kế hoạch triển khai Dự án 3 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” thuộc Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Mục tiêu, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng các mô hình hỗ trợ hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, bền vững. Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020 hầu hết các cuộc hôn nhân đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật; 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Hàng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% gia đình có bạo lực giữa chồng và vợ; giảm 15% (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn giảm 10%) người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định; 75% cha hoặc mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng về nuôi dạy, chăm sóc con cái. Phấn đấu, 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần; 85% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá...

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc; nhất là vai trò của phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện tốt kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình; vận động hội viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn do ngành Văn hóa tổ chức, thi tìm hiểu về giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của phụ nữ và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, củng cố, ổn định và phát triển gia đình hạnh phúc bền vững.

Thực tế cho thấy, phụ nữ nghèo khó đủ bề trong việc xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, các cấp hội xác định thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nữ để ổn định đời sống, góp phần hạn chế bạo lực gia đình do nguyên nhân từ kinh tế khó khăn. Nhiều phong trào, hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế trong thời gian qua được các cấp hội đẩy mạnh, như: Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; xây dựng các mô hình tiết kiệm, mô hình tạo việc làm sau học nghề; tuyên truyền và tư vấn về học nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; tăng cường tín chấp các nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác vốn vay ngân hàng chính sách xã hội… Đến nay, Hội đã vận động tiết kiệm cho vay hơn 22 tỷ đồng, duy trì tốt nguồn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 443 tỷ đồng, xây dựng nhiều mô hình tạo việc làm cho lao động nữ… Qua đó đã giúp hàng nghìn hội viên, phụ nữ có việc làm, đời sống ổn định, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top