Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Phát huy nét đẹp truyền thống gia đình Việt

09:10 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 49234 In bài viết

ĐBP - Trải qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã tạo dựng nền nếp gia phong như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung, anh em đoàn kết thuận hòa... Ðó là tinh hoa, nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, trước xu thế hội nhập, cuộc sống ngày càng hiện đại, một số truyền thống đã có sự thay đổi nhưng nhiều gia đình vẫn luôn biết cách tạo dựng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp.

Bữa cơm gia đình là nét văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt. Trong ảnh: Bữa cơm truyền thống của người Hà Nhì, huyện Mường Nhé.

Mỗi gia đình là “tế bào” của xã hội

Mỗi người luôn có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Ðặc biệt, gia đình luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để mỗi người vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống. Thấu hiểu chân lý đó, chúng tôi ngược ngàn gần 300km từ TP. Ðiện Biên Phủ về miền biên viễn cực Tây tìm gặp ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Gia đình cách mạng, cái “nôi” của nét đẹp văn hóa truyền thống gia đình. Từ lời răn dạy của cha ông, lớp lớp con cháu họ Pờ luôn gìn giữ nếp gia phong của truyền thống gia đình; xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy. Ðặc biệt, nhiều thế hệ con cháu họ Pờ đã nỗ lực học tập, rèn luyện trở thành những đảng viên kiên trung, cán bộ nòng cốt nơi địa đầu Tổ quốc. Ông Pờ Dần Sinh phấn khởi nói: Ðể gìn giữ gia phong, nét đẹp truyền thống bao đời nay của dòng họ Pờ, tôi thường răn dạy con cháu trong cuộc sống đạo đức lúc nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Trong gia đình thì “dưới nhìn lên, trên nhìn xuống”, con cháu phải biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em như chân với tay. Ðặc biệt, phát huy truyền thống gia đình cách mạng, mỗi người con họ Pờ luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện ý chí, bản lĩnh chính trị, không vi phạm pháp luật; ra sức học tập, trở thành tấm gương sáng về sự cần cù, lao động sáng tạo...

Là hình mẫu của gia đình hiện đại, đại diện cho thế hệ trẻ nhưng gia đình anh Tòng Văn Hiệp, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp của gia đình. Mặc dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng vợ chồng anh Hiệp vẫn luôn quan tâm vun đắp, gìn giữ hạnh phúc gia đình cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ con cái, chia sẻ công việc nhà, tôn trọng nhau. Anh Hiệp chia sẻ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Xây dựng gia đình hạnh phúc cũng là góp phần mang lại bình yên cho cộng đồng. Trong cuộc sống, vợ chồng tôi luôn tôn trọng, bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ và thông cảm cho nhau, biết nhường nhịn và giữ hòa khí gia đình. Vì thế gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc”.

Lan tỏa văn hóa ứng xử gia đình tốt đẹp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Ở tỉnh ta, những năm qua để giữ gìn và xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng địa phương, từng dân tộc: Mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Gia đình trẻ phát triển bền vững”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Gia đình trẻ không có bạo lực”… Từ năm 2019 tới nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch in và cấp phát 4.500 tờ gấp chủ đề về phòng, chống bạo lực gia đình; xâm hại trẻ em; triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 2 xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông); Búng Lao (huyện Mường Ảng)…

Ðể gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là “tế bào” lành mạnh của xã hội, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và xây dựng nếp sống văn hóa gia đình. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top