Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Khi im lặng không phải là “vàng”

09:59 - Thứ Hai, 27/07/2020 Lượt xem: 21393 In bài viết

ĐBP - Thực tế không phải khi nào im lặng cũng là “vàng”. Đó là khi sự im lặng đồng nghĩa với dung túng cho sai trái, e sợ đấu tranh, thờ ơ vô cảm với nỗi đau, sự bất hạnh của người khác... Chúng tôi đang nói đến sự im lặng trước bạo lực gia đình.

Câu lạc bộ Vì hạnh phúc gia đình đội 3 Thanh Trường, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) trong một buổi sinh hoạt.

Chị Lò Thị L., đội 14, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) lấy chồng đã hơn 20 năm. Cũng chừng ấy thời gian chị phải sống trong cảnh bạo lực gia đình. Chị L. chia sẻ, lấy nhau chưa được bao lâu thì phát hiện chồng nghiện rượu, nghiện ma túy. Mỗi khi say xỉn, thiếu tiền mua ma túy lại đập phá nhà cửa, đánh vợ con. Không ít lần chị phải ôm con chạy trốn, phải lấy thân che cho con khi chồng bạo hành; có cả khi bị chồng đánh dúi người xuống bãi phân gia súc dưới gầm sàn... Nhiều lần nửa đêm chồng chị còn say xỉn, cầm dao đuổi vợ khắp nơi đòi chém. Dẫu chứng kiến nhưng cũng chẳng ai dám vào can vì sợ vạ lây. Mỗi lần như thế chị chỉ muốn li dị cho xong, nhưng vì thương con nên cứ chịu đựng rồi lại cố bỏ qua.

Vậy còn chính quyền, đoàn thể thì sao? Chị L. nói: Nhiều năm trước thì đó là chuyện riêng trong nhà, trong họ thôi. Nhưng những năm gần đây, khi có các câu lạc bộ “Vì hạnh phúc gia đình”, tổ hòa giải, có sự can thiệp của cán bộ bản... số lần bị đánh đã ít đi nhiều. Song vì vẫn nghiện rượu và lén uống “viên hồng” dù đã dùng methadone nên nhà chị L. hiện không có thứ gì đáng giá để bán. Ngay cả cái nồi cơm điện, bếp ga cũng bị chồng “quy ra” rượu từ khi mới mua về. Con gái đã lấy chồng, con trai đi làm xa, nhà chỉ còn 2 vợ chồng nhưng không khi nào chị dám để nhiều gạo trong nhà và tiền trong người. Cấy ruộng nhà thì gặt chưa xong chồng đã gọi người để bán. Cấy thuê, gặt thuê, chưa làm xong chồng đã chờ sẵn trên bờ để nhận công... “Hàng xóm thương lắm nhưng cũng đành chịu, vì nó là chồng mình mà!”. Nhiều lần chị em trong Hội Phụ nữ xã, đội đến động viên chia sẻ. Chị em bảo nhau, có thóc lúa gì thì gửi người thân, ăn đến đâu mang về đến đó; tiền cũng gửi đi, để khi ốm đau còn có mà mua thuốc. Khi chồng say rượu thì không tranh luận, cãi vã mà tránh đi cho yên cửa nhà...

Cuộc sống gia đình chị Hà Thị H. ở phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ trong suy nghĩ của bạn bè, đồng nghiệp là êm thuận. Song một vài hộ kế bên thì ít nhiều biết gia đình có tình trạng bạo lực. Bất đồng chuyện tiền bạc, con mắc lỗi ở trường, thậm chí khi bàn chuyện họ hàng, làng xóm cũng có thể dẫn đến to tiếng, hất mâm đá bát... Nhiều lần bị chồng đánh thâm tím mặt mày, sợ người ngoài biết, chị báo cáo việc gia đình rồi xin nghỉ phép. Con bị bố đánh đau, chị cũng chỉ biết đỡ thay chứ không dám một lần lên tiếng quyết liệt cho rõ ràng quan điểm. Chị H. cho rằng, nói ra để cả phường, cả cơ quan đều biết thì còn giấu mặt vào đâu được nữa. Vợ chồng đều là cán bộ công chức Nhà nước, là đảng viên chứ có phải thiếu hiểu biết đâu... Có người thực sự thân thiết mang ý định đến khuyên chị H. lên tiếng để chồng phải thay đổi; nhưng rốt cuộc lại bị chị thuyết phục ngược lại rằng, giữ bí mật giúp, vì danh dự gia đình...

Vấn đề phòng chống bạo lực gia đình đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; có sự vào cuộc của toàn xã hội. Điện Biên có rất nhiều tổ hòa giải; các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Các chương trình, dự án, nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới được triển khai rộng khắp. Bằng nhiều hình thức, nhiều mô hình hoạt động; vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, trẻ em gái được quan tâm. Con số cụ thể trong nhiều báo cáo, đã được báo chí thông tin cho thấy tình trạng bạo lực trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Song thực tế vẫn còn không ít, với những nguyên nhân, hình thức bạo lực gia đình khác nhau (bạo hành thể xác, xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành tinh thần...). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến điều này chính là do chúng ta lựa chọn im lặng.

Nạn nhân chọn im lặng, che giấu vì sợ bị xã hội đánh giá, dò xét, sợ bị kỷ luật; sợ lên tiếng sẽ bị bạo hành nặng hơn; thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, trong nhiều trường hợp nạn nhân còn chưa nhận diện được mình bị bạo hành. Trường hợp gần đây ở huyện Điện Biên - người mẹ biết con bị bố dượng xâm hại tình dục, nhưng cố tình im lặng trong thời gian dài là một ví dụ đau lòng. Sự im lặng của cộng đồng cũng góp phần không nhỏ khiến bạo lực gia đình trở nên nghiêm trọng hơn. Có khi im lặng vì đáp ứng đề nghị của người trong cuộc; im lặng vì cho rằng đó không phải việc của mình; im lặng vì hi vọng, ai đó phù hợp hơn sẽ lên tiếng... Ở cấp thôn bản, việc tham gia bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình vẫn còn những hạn chế, hay nói cách khác là hệ thống bảo vệ chưa đủ “cứng”. Có bản đã xây dựng được hương ước, đã thực hiện khá nghiêm việc phạt lao động công ích đối với trường hợp bạo lực gia đình. Từ khi có hương ước, tình trạng đánh vợ, đánh con đến thương tích; gây mất an ninh trật tự khu dân cư gần như không còn. Nhưng vấn đề là chỗ, bạo lực gia đình không phải chỉ có bạo lực thể xác, hay là cãi vã làm làng xóm không ngủ được... Những trường hợp như trên, nguyên nhân dẫn đến bỏ qua vụ việc là do chưa nhận diện được đầy đủ vấn đề, nên chưa can thiệp phù hợp...

Dù lí do là gì, thì im lặng, thờ ơ, nhượng bộ trước bạo lực gia đình cũng dẫn đến hậu quả dai dẳng, nặng nề hơn; các trường hợp vi phạm phổ biến và nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, với bạo lực gia đình, im lặng không phải là “vàng”. Song để phá vỡ được sự im lặng này, cần xây dựng được một cộng đồng sẵn sàng lên tiếng; mỗi cá nhân dám đấu tranh bảo vệ mình và người thân trước bạo lực. Và tất nhiên, cùng với đó phải có một “lá chắn” đủ mạnh, chế tài xử phạt đủ sức răn đe để mỗi chúng ta có được niềm tin vững chắc.

Bài, ảnh: Mai Thủy
Bình luận
Back To Top