Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Hạnh phúc từ sự sẻ chia

08:05 - Thứ Năm, 15/07/2021 Lượt xem: 48986 In bài viết

ĐBP - Giữ gìn hạnh phúc gia đình luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong khi có khá nhiều gia đình loay hoay với bài toán gìn giữ hạnh phúc thì lại có những gia đình cùng nhau xây dựng tổ ấm sum vầy hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Từ sự nỗ lực, cố gắng của cả 2 phía, hôn nhân mới có thể bền chặt...

Chia sẻ và hỗ trợ trong cuộc sống là cách để các cặp vợ chồng xây dựng hôn nhân bền vững.

Gia tăng tình trạng ly hôn

Vợ chồng anh N.T.A. (sinh năm 1989) và chị N.T.N. (sinh năm 1990) chia tay nhau trong sự tiếc nuối của cả hai bên gia đình, bạn bè và bà con hàng xóm. Bởi cả hai được đánh giá là cặp đôi trai tài, gái sắc, đều có công việc ổn định. Từng rất yêu thương và có với nhau 1 cô con gái kháu khỉnh, dễ thương nhưng sau 3 năm về chung một nhà, cả hai đã quyết định “đường ai nấy đi”. Lý do đề nghị ly hôn đưa ra là do tính tình vợ chồng không hợp, bất đồng quan điểm sống, không chia sẻ được với nhau về mọi mặt trong cuộc sống. Thế là sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa án công nhận cho họ thuận tình ly hôn, đứa con gái thỏa thuận giao cho chị N. chăm sóc và hàng tháng anh T.A. cấp dưỡng nuôi con với mức 3 triệu đồng…

Hay như trường hợp anh P.V.K. (sinh năm 1995) và chị L.T.H. (sinh năm 1999), kết hôn được hơn 1 năm, con nhỏ mới vừa đầy tháng, nhưng chị H. và anh K. đã dẫn nhau ra tòa ly hôn trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè. Lý do hai người nêu ra chỉ đơn giản là không hợp nhau, nên không thể tiếp tục chung sống. Mặc dù đã được tòa án hòa giải nhiều lần, hai bên gia đình khuyên ngăn, nhưng hai người vẫn quyết tâm ly hôn.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở những cặp vợ chồng trẻ. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 793 vụ ly hôn, tập trung nhiều tại huyện Điện Biên với 218 vụ, TP. Điện Biên Phủ với 190 vụ, huyện Tuần Giáo với 145 vụ…

Từng thụ lý, hòa giải, xét xử nhiều vụ ly hôn, Thẩm phán Vũ Thị Nhung, Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hàng năm, TAND thành phố giải quyết nhiều vụ việc về hôn nhân gia đình, mỗi vụ có những tình tiết khác nhau, độ tuổi xin ly hôn cũng rất đa dạng, có cặp vợ chồng trẻ cưới nhau sau một vài năm đã xin ly hôn, các cặp trung tuổi, có cả những cặp vợ chồng tuổi cao cũng đưa nhau ra tòa. Về nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân như bạo lực gia đình, cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy, không có con chung thì rất nhiều cặp khi đến tòa án yêu cầu ly hôn chỉ trình bày lý do như tính tình không hợp, bất đồng quan điểm sống, không cùng chí hướng, nhưng đó chỉ là cách nói chung chung, nhất là đối với trường hợp là các cặp vợ chồng trẻ.

Mặc dù ly hôn là biện pháp cuối cùng để đảm bảo quyền tự do của mỗi người, cũng như bảo đảm thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Tuy nhiên, tình trạng ly hôn gia tăng không chỉ ảnh hưởng tới những người trong cuộc mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Thực tế cho thấy, khi các cặp vợ chồng ly hôn thì con nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất. Do thiếu vắng tình yêu thương, dạy dỗ của cha hoặc mẹ, hoặc của cả hai, dẫn đến trẻ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách; thậm chí phải rơi vào hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ, dễ sa vào các tệ nạn xã hội; từ đó dẫn tới việc gia tăng các loại tội phạm tuổi vị thành niên.

Để hôn nhân bền vững

“Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” chính là “kim chỉ nam” trong cuộc sống hôn nhân của gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng và chị Trần Thị Mai Anh, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Trải qua nhiều khó khăn, sau hơn 10 năm chung sống, đến nay kinh tế của anh chị đã ổn định, các con đều ngoan ngoãn, học giỏi.

Do cả hai vợ chồng đều là giáo viên nên công việc rất bận rộn. Tuy nhiên, cả anh Hùng và chị Mai Anh đều cùng nhau sắp xếp thời gian để chăm sóc con cái, gia đình. Không cần bắt buộc mà chỉ cần vợ hoặc chồng có thời gian thì sẽ chủ động đưa, đón các con đi học; buổi tối, khi vợ chuẩn bị cơm nước thì chồng sẽ giúp các con tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa... Theo anh Hùng, nhiều người cho rằng công việc nội trợ là của phụ nữ nhưng tôi thì lại nghĩ rằng hai người đều có trách nhiệm như nhau, không nên phân biệt là của ai.

Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, với anh Hùng, chị Mai Anh chính là sự thấu hiểu, cảm thông và đồng hành trong cuộc sống, công việc của nhau. Nhìn vào tấm ảnh chụp gia đình vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới, ánh mắt chị Mai Anh không giấu nổi niềm hạnh phúc. Khi mới kết hôn, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, kinh tế chưa ổn định. Dù vậy, vợ chồng hiểu nhau, biết yêu thương và vun đắp nên mọi trở ngại cũng dần qua đi. Từ sự chia sẻ tình cảm, chia sẻ trách nhiệm trong công việc xã hội cũng như gia đình đã trở thành “chất keo” làm nên sự bền vững cho gia đình tôi - chị Mai Anh chia sẻ.

Người xưa nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, điều ấy vẫn luôn đúng trong cuộc sống gia đình ngày nay. Trong khi cuộc sống hôn nhân không tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn thì mỗi người cần tự giảm bớt cái tôi cá nhân, đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của người còn lại để có thể thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn, trở ngại. Chính sự hợp tác, gắn kết, sự sẻ chia với tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình sẽ là nền tảng tạo nên một mái ấm vững bền.

Minh Thảo
Bình luận
Back To Top