Chính trịXây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU, huyện Mường Nhé

Mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể

09:03 - Thứ Hai, 18/07/2016 Lượt xem: 2522 In bài viết
ĐBP - Ngay sau thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Mường Nhé lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết số 05-NQ/HU về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở kết quả thực hiện những năm vừa qua, Nghị quyết số 05-NQ/HU đã nêu rõ tình hình hiện tại, nguyên nhân và mục tiêu, giải pháp thực hiện Nghị quyết cụ thể.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng, cho biết: Thời gian qua, Mường Nhé đã giao khoán rừng cho hộ, nhóm hộ và bước đầu có những chuyển biến. Toàn huyện giao bảo vệ được gần 65.630ha rừng (trên 31.100ha rừng đặc dụng, gần 34.500ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất); giao gần 34.300ha rừng cho 82 nhóm hộ và 210,44ha rừng cho 9 hộ, diện tích rừng chưa giao cho cộng đồng là trên 6.900ha. Huyện cũng trồng mới 214,20ha rừng (theo Chương trình 661 là 65,3ha, rừng kinh tế theo Nghị quyết 30a trồng 148,90ha và 24.000 cây phân tán các loại); khoanh nuôi tái sinh 359,4ha rừng; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,1%.

 

Người dân xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé phát dọn thực bì phòng, chống cháy rừng mùa khô hanh. Ảnh: Tuấn Anh

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển rừng của huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là diện tích rừng mất trong những năm qua là trên 62.000ha, rừng giảm theo từng năm cả về số lượng và chất lượng; công tác giao đất giao rừng còn chậm, ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư thấp; việc trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế, khoanh nuôi tái sinh đạt hiệu quả thấp... Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến diện tích rừng giảm, trồng rừng kém hiệu quả là do: Dân di cư tự do ở các tỉnh, huyện khác vào Mường Nhé quá lớn, họ phá rừng làm nương, lấy gỗ làm nhà. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, lợi dụng sơ hở của các cấp chính quyền, một số tổ chức, cá nhân phá rừng lấy gỗ khiến rừng bị tàn phá nhanh. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc bảo vệ rừng chưa được chú trọng, thiếu sâu sát; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thường xuyên, tinh thần trách nhiệm chưa cao; cơ chế, chính sách hỗ trợ thấp, chưa thu hút người dân tham gia...

Ông Nguyễn Quang Sáng cũng cho biết, trên cơ sở phân tích kỹ những tồn tại và hạn chế, tình hình địa phương; để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết, Đảng bộ huyện đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho cả nhiệm kỳ. Theo đó, huyện Mường Nhé sẽ quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt 72.555,05ha rừng hiện có; tăng cường công tác khoanh nuôi, tái sinh đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng những nơi có khả năng khoanh nuôi được; từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng sinh học của rừng. Huyện phấn đấu đến năm 2020 trồng 8.000 - 10.000ha rừng, mỗi năm trồng bình quân 2.000ha; trồng 800.000 cây phân tán (tương đương khoảng 500ha), nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 46,1% (năm 2015) lên 51,5% (năm 2020). Huyện cũng sẽ tập trung trồng rừng sản xuất thành vùng tập trung nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo nguyên liệu gỗ cho việc mở nhà máy chế biến gỗ 30.000m3/năm; các hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất có thu nhập đạt bình quân từ 400 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trở lên, tương đương 80 triệu đồng/ha/năm trở lên...

Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, bản để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật, ưu tiên các bản mới thành lập theo Đề án 79. Huyện phấn đấu đến năm 2017 toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đều có chủ hợp pháp. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, chủ rừng và lực lượng chức năng ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch trước đây là rừng phòng hộ nhưng thực tế là đất nương luân canh sang trồng rừng sản xuất để tránh tình trạng quy hoạch rừng phòng hộ mà không có rừng; giao kế hoạch trồng rừng cụ thể hàng năm cho các xã để họ có trách nhiệm lãnh đạo nhân dân tổ chức thực hiện; xây dựng nhà máy chế biến gỗ liên hợp để sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng về gỗ...

Sín Thầu - xã làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc rừng, có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất huyện với 67%. Bà Pờ Mý Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, cho biết: Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã luôn phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng A Pa Chải xây dựng các phương án cụ thể để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện việc giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng chủ trương của Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, xã đã trồng 249ha rừng, kết hợp với chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại mà đời sống người dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41% (năm 2010) xuống còn 33,4% (năm 2015). Đảng bộ xã Sín Thầu phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 300ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn xã lên 70%...

Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể rõ ràng; có sự thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, hy vọng huyện Mường Nhé sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đã đề ra.

Vân Du
Bình luận
Back To Top