Chính trịXây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết TW9 (khóa XI) về Văn hóa

Tầm nhìn xa của Đảng

08:55 - Thứ Năm, 11/08/2016 Lượt xem: 2512 In bài viết
ĐBP - Để thấy hết tầm nhìn xa của Đảng ta trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, thiết nghĩ, hãy bắt đầu từ “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943”. Đó được xem là bản Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng, có tác dụng tập hợp, cổ vũ và động viên giới trí thức cùng các văn nghệ sỹ Việt Nam bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam...

Nếu trong “Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943”, quan niệm về văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thì đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), khái niệm về văn hóa có phần linh hoạt hơn và đương nhiên cũng rộng hơn khi được xác định là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Giã bánh dày dân tộc Mông - Một nét văn hóa ẩm thực được trình diễn tại nhiều cuộc thi văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Bắc.

Trong chúng ta, nhất là những ai ít nhiều nặng lòng với văn hóa các dân tộc thiểu số Điện Biên, hẳn chưa quên sự kiện diễn ra sáng ngày 28/12/2012 tại Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên, đó là Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thật mừng là sau đó không lâu, ngày 16/4/2013, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 900/KH-UBND về: “Thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Theo đánh giá của anh chị em trong ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch chúng tôi, đây là văn bản khung, tập hợp tất cả các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan và các địa phương cùng nhập cuộc. Thông thường, sau thời điểm kết thúc, từ những con số tổng kết bằng định lượng cụ thể, hy vọng sẽ có những bước chuyển vượt bậc, trong công tác bảo tồn, chấn hưng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Điện Biên...

Theo Báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên, sau gần hai thập niên thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), điều có thể thấy là lĩnh vực then chốt của nghị quyết (tư tưởng, đạo đức và lối sống) đã có những chuyển biến quan trọng. Mặt khác, nhiều giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức gia đình - xã hội từng bước được hình thành, ý thức tự lực, tự cường, tính chiến đấu và năng lực tổ chức thực hiện của nhân dân, cán bộ và đảng viên được nâng lên một bước thật căn bản. Khắp nơi trên địa bàn tỉnh, những việc làm hướng về cội nguồn, vinh danh các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các hoạt động tri ân những người có công, sẻ san giúp đỡ những người không may bị tật nguyền, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi... trở thành nét văn hóa không chỉ thường xuyên mà còn hào hứng và tự nguyện.

Cũng từ thực tiễn gần 20 năm qua, cho thấy chúng ta triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất thuận lợi bởi có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; ban hành các chương trình hành động thực hiện về văn hóa và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương về văn hóa nêu trong nghị quyết bằng luật pháp và đặt đúng vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia tổ chức thực hiện Nghị quyết. Với phương châm: “Làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”; công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng, từng bước được quan tâm.

 

Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào, tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Thuận lợi là thế song khó khăn cũng không hề nhỏ. Trước hết, việc đầu tư, hỗ trợ về kinh phí trong công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hoá truyền thống các dân tộc còn ít, dàn trải. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đến nay chưa triển khai thực hiện được do nguồn vốn ngưng trệ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc còn gặp nhiều trở ngại. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học. Một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiêu biểu của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Về con người, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong tỉnh hiện đang thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu, việc đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Công tác nghiên cứu khoa học chưa được triển khai tập trung và đồng bộ; ngân sách chi cho công tác này còn thấp; chưa có chính sách huy động nguồn lực tài chính khác. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng còn lớn, các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ đồng bào các dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu; đối tượng hưởng lợi từ chương trình sản xuất và cung cấp ấn phẩm cho địa bàn đặc biệt khó khăn hiện nay mới chỉ giới hạn đến xã, không đến các thôn, bản.

Phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa bàn thôn, bản chưa đồng đều cả về số lượng và chất lượng; việc gắn kết các chương trình, đề án phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường với văn hóa còn bất cập và không thường xuyên. Chưa có chính sách khuyến khích, động viên đối với các hoạt động đặc thù nên hiệu quả hoạt động thấp, ít có tác dụng thúc đẩy công tác bảo tồn, phát triển văn hoá ở vùng cao, vùng xa. Quá trình đổi mới đất nước tạo ra những tiền đề mới, rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hoá, làm cho xã hội nước ta biến đổi sâu sắc và toàn diện, đó chính là mảnh đất tốt cho sự tìm tòi, sáng tạo văn hoá, văn nghệ. Đô thị hoá làm cho kết cấu dân cư có bước thay đổi lớn, từ sự thay đổi này sẽ dẫn đến những thay đổi về nếp sống, lối sống, tập tục... đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của quê hương và di sản văn hoá, đồng thời phát triển đời sống văn hoá thích ứng với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã góp phần làm cho tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) có thêm sức lan tỏa trong cộng đồng. Trên đà thuận lợi đó, việc tiếp tục triển khai thật tốt Nghị quyết 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, là thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài của Đảng về văn hóa truyền thống, dùng văn hóa truyền thống để thúc đẩy sự phát triển bền vững mọi mặt của đất nước, như Nghị quyết đã đặt ra. Đó chính là tầm nhìn xa của Đảng về công tác bảo tồn, chấn hưng và phát huy toàn bộ vốn di sản văn hóa dân gian trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam...

Bài, ảnh: Trần văn Hoa
Bình luận
Back To Top