Chính trịXây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng

Bài học do buông lỏng kiểm tra, giám sát

08:45 - Thứ Ba, 12/03/2019 Lượt xem: 6572 In bài viết

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh Ðác Nông bị kỷ luật do những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến quản lý đất đai; bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tay phá rừng... Ðiều đáng nói là hầu hết các sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước, nhiệm kỳ trước, nay mới được đưa ra xem xét, xử lý.

Hậu quả nặng nề về công tác cán bộ

Hơn mười năm qua, trên địa bàn tỉnh Ðác Nông xảy ra nhiều vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn. Ðây cũng là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về số vụ, diện tích và quy mô phá rừng. Ngoài ra, đất, rừng còn bị cho thuê tràn lan, thiếu kiểm soát, thậm chí trái với quy định của pháp luật dẫn đến nhiều diện tích đất, rừng bị phá trắng, đất lâm nghiệp bị xâm chiếm. Lại có cả tình trạng mua bán trái phép đất lâm nghiệp, đất rừng giữa người dân với doanh nghiệp, giữa người dân với cán bộ quản lý bảo vệ rừng; đã xảy ra tranh chấp giữa người dân địa phương với doanh nghiệp, khiếu kiện kéo dài, nhiều vụ, người tranh chấp dùng đến hung khí, súng tự chế làm chết người, dẫn đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương rất phức tạp. Tất cả những sự việc nêu trên đều là hậu quả do buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, nhận khoán, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ), mua bán đất rừng, bảo kê phá rừng tại các địa phương và công ty lâm nghiệp. Ðiều đáng nói là trong số các đối tượng vi phạm có hàng trăm cán bộ, đảng viên, lãnh đạo địa phương các cấp, các cá nhân trong cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn vị quản lý rừng. Nhiều đối tượng vi phạm là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, người đứng đầu đảng bộ, chính quyền địa phương. Với quan điểm kiên quyết xử lý sai phạm, dù phải đụng chạm đến nhiều cán bộ, năm 2018 và đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, UBKT Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðác Nông đã xem xét, thi hành xử lý kỷ luật hơn 200 cán bộ, đảng viên, trong đó có hàng chục cán bộ lãnh đạo các cấp, bao gồm một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để điều tra xử lý.

Tại kỳ họp thứ 32, UBKT Trung ương kết luận, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Ðác Nông (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, quản lý, bảo vệ rừng và bồi thường rừng, gây thiệt hại và thất thu ngân sách nhà nước, để mất rừng, rừng bị phá, lấn chiếm với diện tích lớn, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật khiển trách. Ðồng chí Trương Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật cảnh cáo. UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðác Nông xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Ðác Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo thẩm quyền. Vừa qua, Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy Ðác Nông xem xét trách nhiệm người đứng đầu, thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với một số tỉnh ủy viên, giám đốc, phó giám đốc sở.

Huyện Tuy Ðức có số lượng cán bộ lãnh đạo vi phạm cao nhất tỉnh. Hàng loạt cán bộ đã nhận các hình thức kỷ luật vì liên quan đến sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, sai phạm trong quản lý đất và rừng. Riêng Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Huân không chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo mà còn bị cách chức huyện ủy viên ba nhiệm kỳ (2008 - 2013, 2013- 2015 và 2015 - 2020), điều xuống làm chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Ðức. Vừa qua, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Huân. Cùng thời điểm, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một số cán bộ khác của huyện Tuy Ðức để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Theo báo cáo của Công an tỉnh Ðác Nông, thời gian gần đây, trong Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Tuy Ðức, một số cán bộ lãnh đạo còn có biểu hiện tiêu cực trong quan hệ công vụ và các quan hệ xã hội khác, như: thiếu gương mẫu; mất đoàn kết nội bộ; "chạy tội", "chạy chức", "chạy quyền"; để người thân trong gia đình vay vốn với giá trị lớn, có nguy cơ vỡ nợ; lối sống không trong sáng…

Không để lặp lại "vết xe đổ"

Những vi phạm diễn ra trên địa bàn tỉnh Ðác Nông đã nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ (sai phạm nhiều nhất trong giai đoạn 2005 - 2015). Một số nơi, sai phạm diễn ra có tổ chức, có hệ thống, nhưng không được các cơ quan kiểm tra của Ðảng và thanh tra của chính quyền phát hiện, xử lý, vai trò công tác kiểm tra Ðảng lu mờ, thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tâm trạng trước việc hàng loạt cán bộ chủ chốt các thời kỳ của huyện bị kỷ luật, có người đang bị điều tra, nhiều người bị khởi tố, Bí thư Huyện ủy Tuy Ðức K’Bốt giãi bày: Kết quả xử lý hôm nay là bài học kinh nghiệm xương máu đối với huyện Tuy Ðức. Rõ ràng khi công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng bị buông lỏng, sẽ dẫn đến vụ việc vượt tầm kiểm soát. Sau kỷ luật, huyện Tuy Ðức thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ chủ chốt. Tỉnh đã phải điều chuyển hàng loạt cán bộ về tăng cường cho huyện nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần việc trước mắt. Ðể chuẩn bị tốt nhân sự cho Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ tới, Huyện ủy đang tập trung rà soát các đối tượng trong diện quy hoạch để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng. Huyện sẽ không nóng vội bổ sung cho đủ số lượng, mà sẽ siết chặt các điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ theo quy định, tránh lặp lại "vết xe đổ" thời gian qua.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quang Dần, trong số 41 dự án cho thuê đất lâm nghiệp và rừng với diện tích hàng chục nghìn héc-ta, chỉ có 12 dự án hoạt động tương đối hiệu quả. Số dự án còn lại triển khai không đúng phương án được thẩm định, phê duyệt. Nhiều dự án bị buông lỏng quản lý, dẫn đến phần lớn diện tích đất, rừng được giao bị lấn chiếm tràn lan và xảy ra tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, làm mất an ninh trật tự tại địa phương… Ðể chấn chỉnh tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án kém hiệu quả, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đồng thời ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm của các doanh nghiệp trong thực hiện dự án.

Nhìn lại một năm làm việc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Ðác Nông nhận định: Năm 2018 có thể nói là năm vất vả nhất đối với ngành kiểm tra; đã xử lý dứt điểm nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài; quyết liệt chấn chỉnh đội ngũ cán bộ; loại bỏ được nhiều phần tử cơ hội, độc quyền, lợi ích nhóm trong bộ máy nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu. Thời gian tới, UBKT các cấp trong tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Ðảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát về trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống…

Tỉnh Ðác Nông còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục những hậu quả, nhất là thiệt hại về tài nguyên, môi trường, củng cố đội ngũ cán bộ; đồng thời nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói chung trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top