Kinh tếMôi trường rừng

Công bố bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm

Trào dâng niềm xúc động

00:00 - Thứ Sáu, 08/05/2015 Lượt xem: 1018 In bài viết
ĐBP - Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm là minh chứng hùng hồn thể hiện tinh thần đoàn kết, sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành công trình. Với giá trị to lớn ấy, hôm nay Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng bắt đầu khởi công xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, ông Trần Công Chính hiện là Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh – một trong những TNXP tham gia xây dựng công trình từ những ngày đầu tiên cho biết: Những ngày gian khó khi khởi công công trình vào năm 1963, tôi cùng hơn 2.000 cán bộ, đội viên TNXP từ các tỉnh, thành miền xuôi xung phong lên Tây Bắc và cùng đồng bào các dân tộc địa phương làm ngày làm đêm trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Ngày ấy, thi công trong điều kiện phương tiện, máy móc thô sơ, thiếu thốn, nhưng với sự cố gắng, lực lượng TNXP đã đào đắp được hàng ngàn mét khối đất, đá, khẩn trương hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng.

Cựu TNXP trong buổi gặp gỡ.

Trong những năm tháng giặc Mỹ ngày đêm bắn phá, lực lượng tham gia xây dựng công trình vừa đảm bảo tiến độ thi công vừa phải chiến đấu chống lại các đợt ném bom đánh phá ác liệt. Trong điều kiện như vậy đã có 18 TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ông Chính đau xót nhớ lại những người đồng đội đã hy sinh, trong đó có nữ TNXP mới 18 tuổi, Nguyễn Thị Ngọ (quê ở Hà Nội), hy sinh trong khi đang đào móng đập dâng nước thì mìn nổ. Có ngày, tổng đội đau xót đưa tiễn cùng lúc 5 đồng chí hy sinh khi tận dụng nhặt cốt pha đã trúng bom… bay ra nhiều hướng. Sau gần 7 năm, đổ bao mồ hôi và cả xương máu, đến năm 1969 công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được hoàn thành. Với công lao to lớn và hy sinh xương máu của Tổng Đội thanh niên xung phong Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1963 – 1969). Ai cũng phấn khởi, vui mừng bởi từ khi đưa vào khai thác sử dụng, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã giúp nông dân vùng lòng chảo thâm canh từ 1 lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ đông; năng suất lúa ruộng tăng từ 20tạ/ha lên trên 60tạ/ha; diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên cũng mở rộng từ 2.000ha lên đến gần 6.000ha. Điều đáng nói, từ khi có công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, cánh đồng vùng lòng chảo không bao giờ khô hạn dẫn tới mất mùa. Kênh phía bờ hữu và bờ tả Đại thủy nông Nậm Rốm như hai cánh tay ôm trọn vùng lòng chảo, hàng ngày đưa nước mát tưới đồng ruộng. Gạo Điện Biên dẻo thơm nức tiếng gần xa một phần cũng là nhờ công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng là vinh dự với tập thể cán bộ CNVC Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên và hơn hết là những cựu TNXP từng tham gia thi công công trình Đại thủy nông Nậm Rố, ngày đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh trùng đúng ngày 7/5, ngày kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ sáng sớm đại biểu  và các cựu TNXP đến dự rất đông đủ. Trải qua bao tháng năm, giờ các cựu TNXP đều đã tuổi cao, sức yếu nhưng ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.

Có mặt từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1945), ở phường Him Lam, T.P Điện Biên Phủ – một trong các nữ cựu TNXP từng tham gia xây dựng Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm không giấu được niềm xúc động. Gặp lại những đồng đội từng tham gia xây dựng công trình, bà Phượng càng nhớ hơn về những người đã hy sinh và cả những người nay vì tuổi cao, sức yếu không thể tới dự lễ trao bằng di tích. Còn đối với ông Trần Công Chính thì đây là dịp để gặp các đồng đội và ôn lại kỷ niệm những ngày sơ tán vào các bìa rừng, đêm đến lại ra công trường tiếp tục thi công dưới ánh trăng. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn ấy, mọi người vừa đảm bảo tiến độ nhưng cũng phải chiến đấu chống lại các đợt ném bom đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Bị vắt, muỗi cắn khắp người nhưng không ai nản lòng. Đáng nói là trong số đó có những TNXP là người thành phố, không quen với công việc lao động chân tay nặng nhọc nhưng cũng năng nổ, nhiệt tình quấn áo vào đòn gánh, phăm phăm gánh đất. Vì thế mà nhiều người được gọi bằng cái tên thân mật, gần gũi như: Lộc tồ, Chính trâu…

Trải qua nhiều năm, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa nước về tưới cho cánh đồng Mường Thanh. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, công trình còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, giúp đỡ giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu trước đây. Bởi thế nên dễ hiểu vì sao lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh lần này không chỉ bởi những lợi ích, hiệu quả mà nó đem lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mà còn là sự bù đắp phần nào cho sự hy sinh của lớp người đi trước.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top