Vài suy nghĩ về phân loại truyện dân gian Thái

00:00 - Thứ Sáu, 03/06/2016 Lượt xem: 8226 In bài viết
ĐBP - Vấn đề phân loại truyện dân gian đã được các nhà nghiên cứu truyện cổ, truyện dân gian của nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới quan tâm. Trong văn học Việt Nam, dân tộc Kinh có số lượng truyện cổ to lớn, nên từ 500 năm trước đây đã có người nghĩ đến việc phân loại, đặc biệt vào thế kỷ này càng được nhiều người bàn đến. Nhiều tác giả đã đưa ra những phương pháp phân loại của mình...

Nhưng rõ ràng đã có những ý kiến khác nhau và thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp các tác phẩm cụ thể này hay khác vào khung phân loại đã được đưa ra, có xu hướng mở rộng sự phân loại thật chi tiết, loại có khuynh hướng coi nội dung truyện cổ chỉ thuộc hai loại: Truyện cổ lịch sử và Truyện cổ thế sự. Nhưng ngay khi chỉ có hai loại thôi, vấn đề sắp xếp các tác phẩm cụ thể vào loại này hay loại khác cũng chưa phải đã hết khó khăn. Phải chăng vấn đề phân loại là không làm được, là không thực tế?

Tạp chí “Văn nghệ Điện Biên” (Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên), nơi thường xuyên đăng tải các tác phẩm về văn hóa - văn nghệ dân gian cộng đồng các dân tộc Điện Biên, trong đó có truyện cổ dân tộc Thái.

Mặt khác, một số nền văn học khác, có khuynh hướng chia ra rạch ròi như: Trung Quốc đã khẳng định loại truyện Tiếu lâm là một loại riêng biệt của truyện dân gian, ấn Độ với khối lượng truyện dân gian to lớn cũng muốn phân loại rạch ròi, đặc biệt là ngụ ngôn và thần thoại. Thần thoại Hy Lạp đã định hình và có ý nghĩa tiêu biểu của văn học thế giới. Tại Pháp, truyện ngụ ngôn cũng là một thể loại phát triển mạnh, thậm chí đã xuất hiện cả tác giả chuyên nghiệp nổi tiếng như La Phông Ten.

Trong truyện dân gian Thái tình hình có khác. Thực tế, truyện dân gian Thái các yếu tố: Thần thoại, truyền thuyết, lịch sử, sự tích, thế sự, ngụ ngôn, truyện cười... đều có mặt. Có điều nó không tách bạch rạch ròi để ta có thể xếp loại dễ dàng chúng. Thông thường các yếu tố này đan vào nhau trong cùng một truyện cụ thể nào đó, có chăng trong từng truyện cụ thể, yếu tố này nổi bật hơn những yếu tố khác mà thôi. Phải chăng đấy là đặc điểm của nền văn học còn ít phát triển? Nhưng lại thấy tình hình ấy trong truyện cổ Việt Nam (dân tộc Kinh và vài dân tộc khác), mặc dù văn học dân gian Việt Nam đã có lịch sử hàng vài nghìn năm và cũng đã có số lượng to lớn! Chính sự xen kẽ các yếu tố khác nhau trong cùng một truyện cụ thể, đã làm khó khăn cho việc xếp loại chúng theo khung đã phân định. Thực tế với văn học Thái, theo chúng tôi, bước đầu không nhất thiết phải đặt ra vấn đề phân loại thật chi tiết các truyện cổ mà nên đặt ra vấn đề nhận chân được các yếu tố bao hàm trong nó. Các yếu tố đó là: Thần thoại, truyền thuyết, lịch sử; yếu tố nhân tình, thế thái, nhân sự; yếu tố ngụ ngôn, răn đời và yếu tố hài mà cũng có ý ngụ ngôn.

Trong các truyện dân gian Thái có những truyện nổi bật lên yếu tố thần thoại như: Truyện “ải Lậc Cậc”. Đó là truyện về người khổng lồ có công khai sơn phá thạch. Bằng sức lực phi thường, người khổng lồ đã làm nên những núi sông, đồng ruộng vùng Tây Bắc hiện nay. Sông Đà, sông Hồng là những lòng luống cày của ông. Các dãy núi là các mô luống cày chưa kịp bừa của ông. Ông đang bừa khai phá cánh đồng Mường Lò (Nghĩa Lộ), Mường Tấc (Quang Huy) để cấy lúa mở ruộng sau khi đã bừa xong Mường Thanh (Điện Biên) đủ làm ruộng mạ. Khi đang bừa ở Mường Lò, Mường Tấc và lúc nghỉ ăn sáng ông trông thấy trâu ăn mạ ở Mường Thanh, sẵn nắm xôi nướng (“Khẩu chí”) trong tay đang ăn, ông dùng luôn nắm xôi nướng đó ném đuổi trâu. Tại Mường Thanh hiện nay còn có quả đồi to, gọi là Pom khẩu chi (đồi xôi nướng). Chính là do nắm xôi nướng của ải Lậc Cậc tạo nên.

Một số truyện khác có dáng dấp như vậy Pú ả - Già nhá cũng là khổng lồ khai thiên lập địa. Thần thoại đang dừng lại ở truyện người khổng lồ. Người khổng lồ được hình dung như người hiện nay, cũng sinh hoạt như người, chưa có phép bùa gì đặc biệt. Công lao chính của người khổng lồ là khai sơn, phá thạch. Sau này hình tượng người khổng lồ đã cộng thêm phép biến hoá, nói cách khác người thường có thể hoá khổng lồ nhờ phép biến hoá nào đó. Đó là hình tượng Chết hay (bảy trõ) hoặc Cẩu hay (chín trõ). Vì ăn hết một lúc cả bảy hoặc chín trõ xôi mà có tên như vậy, ăn xong hoá thành khổng lồ, người khổng lồ lúc này không phải chỉ khai sơn phá thạch nữa, sức người khổng lồ đã giúp con người trừ khử ác thú và ma quỉ.

Xã hội tiến hoá, con người dần dần hiểu được các hiện tượng của thiên nhiên. Nhưng trong tư duy và tình cảm, con người thường gắn các hiện tượng kỳ vĩ của vũ trụ các hành động và đức tính của người khổng lồ vào các anh hùng cổ cộng với đời sông xã hội. Đó là thời kỳ một dân tộc đang đứng trước tai hoạ khủng khiếp; sự tàn phá của thiên nhiên, hay sự huỷ diệt, cướp bóc của đội quân xâm lược. Người khổng lồ đã trở thành hình tượng đầy chất lãng mạn, nhưng không vì thế mà nó xa lạ với đời sống con người. Con người còn mơ ước có được những phép thần thông (công cụ đặc biệt) để giúp mình chinh phục và làm chủ được cả ba cõi: Đất - Nước - Trời (theo quan niệm của Thái xưa, thế giới được chia thành ba cõi: Đất - Nước - Trời; không thấy nói đến khái niệm địa ngục, chết là vào cõi ma, lơ lửng ở đâu đó trong gầm trời).

Truyện “Chín ếch” hoặc còn gọi là ý Ưởi - ý Nọng là truyện về quan hệ người và người, quan hệ chị em, cha con, vợ chồng theo đúng nghĩa hiện đại. Nhưng giải quyết các mối quan hệ này lại phải nhờ đến cả pháp lực siêu nhiên (Con đỉa to bằng bó lá dong), cả các phép thần thông biến hoá của thần thoại (Người hoá hổ, thịt người hoá chim, chim lại hoá người, phân giải hoá thành trang phục và đồ trang sức). Truyện còn pha lịch sử (Tạo Khun Chương) và pha yếu tố hài (khi tả người em gái độc ác, làm sang mà hết sức ngu ngốc); cả loại truyện con người và muôn loài vật nghe hiểu tiếng nhau.

Truyện Khun Tỡng - Khun Tĩnh - Năng Nĩ xen lẫn văn xuôi và thơ, thể hiện mơ ước của con người muốn làm chủ cả ba cõi: Trời - Đất - Nước. Nhiều truyện khác nhau như “Thi Thốn”, “Tạo Nộc Pháy”... cũng nói lên cái mong ước đó. Các truyện loại này cho rằng con người có thể đi đến và chinh phục các cõi xa lạ bởi lòng kiên trì và tình yêu mãnh liệt của mình. Nhờ đó, sẽ có những phép thần thông giúp đỡ để tiến tới chiến thắng (vòng hoa biết báo chuyện lành dữ; đôi cánh bay được lên trời; cây cầu được bắc cho đom đóm đưa đường; gió bão, chim chóc biết giúp con người...). Những điều huyền bí đó còn được xây dựng vào nhiều truyện khác nữa.

Như vậy, yếu tố thần thoại, truyền thuyết hoang đường đã khá vững bền và phổ biến trong truyện cổ dân gian Thái. Những yếu tố này đã góp phần tạo ra một ý niệm khá rõ ràng trong quan niệm Thái về thế giới và vũ trụ cũng như bản thân xã hội của mình. Và cũng có thể, chính những quan niệm này đã sản sinh ra các tác phẩm văn học đó...

Cầm Cường
Bình luận
Back To Top