Đến với bài thơ hay

Như một trang mỹ nữ tuyệt tác

14:51 - Thứ Năm, 23/06/2016 Lượt xem: 3195 In bài viết

Đêm rượu cần

Rượu cần trúc vít mềm tay

Người ơi uống cạn đêm nay với người

Uống cho tỉnh một say mười

Cho mắt có lửa, cho lời có men

Cho lòng như cửa lơi then

Rừng đêm trăng gọi tiếng khèn vào khuya...

                                                Lê Đình Cánh

Đọc bài thơ, ta như bị say theo với nhà thơ, không phải chỉ vì chất men, mà còn vì tình người, vì không gian của đêm rượu có trăng và điệu khèn khuya dìu dặt.

Cảm giác chung về bài thơ: Ta như được nhìn ngắm một mỹ vật xinh xắn, hoàn thiện. Đã là mỹ vật lại xinh nhỏ thì mọi đường nét đều phải chau chuốt, tinh tế. Một chữ sượng hay thô nếu có, đều bị phát hiện ra ngay.

Ta thử cân nhắc liều lượng chữ dùng của tác giả. Cả bài thơ như có một lớp sương mờ bao phủ thích hợp với hoàn cảnh “Rừng đêm trăng gọi tiếng khèn vào khuya”, mọi cái đều không cần xác định rõ ràng. Từ người đối thoại, không phải giữa anh và em. Gọi trắng ra danh phận, giới tính lại làm giảm độ “sương mờ” của bài thơ. Người ở đây đâu cần là tình nam nữ, tình cảm này mở rộng ra đến tri âm, tri kỷ thậm chí người cùng uống rượu với tác giả có thể là một già làng với tình giao lưu chủ khách! Đại từ người bao hàm rộng nghĩa, hẳn tác giả đã học ở lời ca quan họ “Người ơi người ở đừng về”, một đại từ thần diệu của tiếng Việt. Nó không “vụ lợi”, không “vơ vào” như anh với em… của tình yêu trai gái.

Sự hết lòng với nhau thì không giới hạn: “Người ơi uống cạn đêm nay với người”. Không phải cạn ly mà là cạn đêm, muốn cho tiếng cuối cùng sắc gọn không có âm thừa, đã dùng bàn tay trái xoa nhẹ mặt trống.

Uống rượu, nếu uống đến say mềm, say bí tỉ, mất cả tri giác thì cũng mất hết sức lâng lâng, chuếnh choáng của tình rượu, tình người đem lại. Phải “uống cho tỉnh một say mười”, giữ lại chút tỉnh thì mới đạt độ sương mờ của bài thơ như chủ ý tác giả.

“Cho mắt có lửa, cho lời có men”

Đến đó là tiên tửu! Quá chút nữa là không được! Tác giả đã dùng bàn tay trái xoa nhẹ mặt trống: “Cho lòng như cửa lơi then”. Chữ lơi đã đạt đến độ thần diệu, đáp ứng độ “sương mờ” của toàn bài.

Uống hết lòng với nhau thì không thể như cửa cài then, đã đành! Nhưng cũng không vì thế mà cửa không then! Phải như người con gái đẹp, choàng hờ chiếc khăn voan, cho vẻ đẹp chỉ thấp thoáng, người ta chỉ phỏng đoán, tưởng tượng ra vẻ hoàn mỹ ở cái phần bị che khuất! Sự khơi gợi nằm ở chỗ nửa kín nửa hở, giống như nụ cười bí ẩn, hàng trăm năm sau còn có thể giải mã. Ngược lại với vẻ đẹp kín đáo này có những chữ dùng mà chỉ các nhà thơ trào phúng mới dám lạm dụng: tênh hênh và toe toét.

Chữ “lơi” quý ở chỗ ít người dùng, nói được cảm giác giống như sự e ấp của người con gái: nàng đã thuận tình với chàng, nhưng không mở cửa. Cửa vẫn có then, nhưng để lơi ra, chỉ cần đẩy nhẹ… Chữ lơi ở đây đáng một vòng khuyên đậm. Nó hô ứng với độ “sương mờ” của “rừng đêm trăng gọi tiếng khèn vào khuya”... Do vậy, bài thơ giống như một trang mỹ nữ tuyệt tác...

Vân Long
Bình luận
Back To Top