Văn hóa, qua góc nhìn chuyên môn

08:43 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 4315 In bài viết
ĐBP - Với nguồn kinh phí dự kiến là 54,3 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020), Quyết định số 2723/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, đặt nhiều kỳ vọng trong việc “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”, trên cơ sở Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011, của Thủ tướng Chính phủ...

Theo đó, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ, định hướng đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng chuỗi sản phẩm văn hóa gắn với phát triển du lịch; bảo tồn lễ hội, nghề thủ công truyền thống; tổ chức một số sự kiện văn hóa tiêu biểu; mở tour, tuyến kết nối các điểm du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số ở các vùng, miền. Dự kiến đến năm 2020, dự án góp phần xây dựng 15 mô hình phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát triển 20 nghề thủ công, 20 lễ hội truyền thống; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới... góp phần nâng cao mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án được kỳ vọng là một trong những giải pháp thiết thực để đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy vai trò chủ thể về văn hóa.

 

Điệu múa nón dân tộc Thái trắng Mường Lay từng có mặt trong chương trình Liên hoan Thanh niên thế giới năm 1952, tổ chức tại Béclin (Đức). Nhưng nay, ngay dân tộc Thái trắng, nhiều người trong lớp trẻ không mấy yêu thích.

Để làm rõ một số nội dung mà Quyết định số 2723/QĐ-BVHTTDL đề cập, chúng tôi tìm gặp ông Tẩn Quý Giao - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên - biên đạo múa đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Bằng kinh nghiệm của người trọn một đời công tác trong ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch, ông Tẩn Quý Giao cho biết: Điện Biên, nơi tụ hội của cộng đồng nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng biệt. Từ lễ giáo trong đời sống tâm linh đã hình thành những phong tục tập quán khác nhau, về làng nghề gồm có: Chế tác công cụ phục vụ lao động sản xuất như cày, cuốc, dụng cụ phát rẫy, tra hạt...; các loại dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như “coóng khẩu” (đựng xôi nếp), cái “clếp” (đồ đựng lúc đi hái rau)...; nghệ thuật thêu dệt thổ cẩm; cách thức chế biến ẩm thực; kiến trúc nhà ở và cách bài trí nội thất trong một không gian sống...

Ngoài ra, mỗi dân tộc đều có các lễ hội được tổ chức hàng năm như: “Xên bản xên mường” của dân tộc Thái; “kin lẩu nó”, “ược bui zaac” của dân tộc Khơ Mú...; tập tục làm lễ ăn hỏi và cưới xin; cách thức tổ chức tang ma, đặc biệt là sự phong phú về văn nghệ truyền thống dân gian của 18 dân tộc thiểu số trong tỉnh. Những vấn đề trên đây gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, song rất tiếc là vẫn chưa phát triển như mong muốn của mọi người nói chung, của các nhà quản lý nói riêng. Cách đây hơn chục năm, chúng ta đầu tư một cơ sở thêu dệt thổ cẩm cho xã Núa Ngam của huyện Điện Biên. Đó được coi là một làng nghề truyền thống, vậy mà mới chỉ thành lập một cơ sở là quá ít. Về nghề truyền thống còn phải kể đến như chế tác nhạc cụ dân tộc, xây dựng đội văn nghệ quần chúng cơ sở... Ví dụ như ở Núa Ngam hiện có 5 dân tộc cùng chung sống gồm: Khơ Mú, Lào, Thái, Mông và Kinh, nếu có một không gian vừa đủ để sản xuất và trưng bày, chẳng mấy chốc sẽ tạo nên sự đa dạng về các loại sản phẩm. Đồng thời, xây dựng tốt đội văn nghệ quần chúng mang đủ sắc thái của 5 dân tộc anh em là hoàn thiện được bộ máy hoạt động văn hóa ở địa phương. Được như vậy mới có đủ sức thu hút, tạo sự hấp dẫn cho khách tham quan, từ đó du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn, đa dạng hơn về bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa.

Theo ông Tẩn Quý Giao, việc xây dựng chương trình văn nghệ truyền thống dân gian dân tộc ở các địa phương hiện nay, cũng còn nhiều điều cần bàn. “Dùng cụm từ: “Văn nghệ truyền thống dân gian dân tộc” thì tính bao hàm của nó quá rộng, gồm cả: Văn học, thơ ca, lễ hội, truyện cổ, truyền thuyết... Là một biên đạo múa, tôi chỉ xin đề cập một chuyên đề về biểu diễn ca - múa - nhạc truyền thống dân gian dân tộc, nên thống nhất dùng cụm từ “Nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc” cho sát thực hơn. Hiện nay, nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc đang tồn tại song song với hai hình thức. Hình thức thứ nhất là nghệ thuật truyền thống dân tộc phát triển và nâng cao, mang tính sáng tạo. Biên đạo múa hay nhạc sỹ dựa trên các yếu tố cơ bản về chất liệu ngôn ngữ (động tác) cho múa, chất liệu các làn điệu dân ca dân tộc cho âm nhạc hay ca khúc, dựa theo phong cách của mỗi dân tộc phát triển và nâng cao để thể hiện ý đồ sáng tác cho một chủ đề nhất định. Loại hình nghệ thuật này mang tính chuyên nghiệp, hoặc không thì cũng phải là những diễn viên bán chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản mới đủ khả năng để thể hiện.

 

Do thiếu không gian bảo quản và trưng bày, nên nhiều loại hình văn hóa (dạng vật chất) đang được “cất giữ” chung thế này tại Bảo tàng tỉnh.

Hình thức thứ hai là nghệ thuật truyền thống dân gian nguyên bản, tồn tại lâu đời trong đời sống. Có thể nói, đó là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chủ trương của Đảng đã đề ra là chúng ta phải bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vì chính nó là cội nguồn, là nền tảng cho quá trình phát triển của dân tộc ta. Khách du lịch đến Điện Biên ngoài việc tham quan các điểm di tích lịch sử, họ còn có mong muốn được tiếp cận với người dân để tìm hiểu về phong tục, tập quán truyền thống. Thực tế đặt ra cho chúng ta hiện nay chính là sự thiếu hụt về biểu trưng cho các làng nghề như phần trên đã nêu, thì việc xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống cho các đội văn nghệ quần chúng cũng chưa bài bản. Du khách muốn được tiếp cận với những gì là tinh hoa của cội nguồn, là truyền thống dân gian thì đang diễn ra cái thứ gọi là tạp nham, hỗn độn, mới thì chưa đủ để hình thành cái mới, mà nguyên bản thì cũng đã bị bóp méo chằng còn nhận ra cái gốc ở chỗ nào. Nguyên nhân do đâu? Xin được bày tỏ đôi điều như sau:

Hiện nay ở tỉnh ta, điều kiện hoạt động văn nghệ quần chúng còn gặp nhiều khó khăn. Sở dĩ vì không có nguồn lực, cụ thể là không có nơi tổ chức đào tạo để cung cấp lực lượng cán bộ làm phong trào và cả diễn viên quần chúng cơ sở, dẫn đến chính một số cán bộ làm phong trào ở địa phương cũng không phân biệt được đâu là nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc nguyên bản, đâu là nghệ thuật truyền thống dân tộc phát triển và nâng cao. Thế nên cứ việc cài cắm lung tung, chắp vá, bạ đâu làm đấy. Thậm chí còn vay mượn chất liệu của dân tộc khác đưa vào nội dung, để rồi cuối cùng trở thành một thứ tác phẩm văn hóa hỗn hợp. Ví dụ: Làn điệu múa quạt của dân tộc Thái trắng, nhưng lại thấy xuất hiện cả động tác múa quạt của dân tộc Tày và cả dân tộc Chăm. Có trường hợp còn đưa cả động tác cơ bản múa Balet, nghệ thuật bê đỡ... tạo thành một mớ “tạp pí lù”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Thử đặt một câu hỏi: Vậy thì khi khách du lịch tiếp cận, họ sẽ hiểu về nền văn hóa chính thống của người Điện Biên như thế nào? Còn việc cứ đi săn tìm những bản nhạc múa chuyên nghiệp ở trình độ cao và hiện đại, không phù hợp với các điệu múa dân gian, hiện tượng này đã và đang tồn tại ở ta hàng chục năm qua và hiện tại vẫn đang xảy ra, với tỷ lệ 70% - 80% trong các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở làng bản, nhất là vùng sâu, biên giới.

Cùng cả nước, tỉnh ta cũng đang từng bước phát triển về mọi mặt; trong đó, lĩnh vực văn hóa cũng phát triển trên bình diện rộng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa và biên giới đều có những hoạt động nổi bật và đó là một tín hiệu vui. Nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất và con người cho lĩnh vực văn hóa, ở nơi này nơi khác còn chưa thực sự hiệu quả. Cho nên, nhìn bề ngoài (bề nổi) thì rầm rộ, hoành tráng nhưng thực chất của vấn đề nhiều khi chúng ta thấy được điều ngược lại như trên đã nêu. Người xưa có câu “tre già măng mọc”, rất nhiều nhà hoạt động văn hóa tâm huyết với nghề, được đông đảo công chúng ủng hộ, thì nay hầu hết họ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Nếu chúng ta chậm triển khai kế hoạch bổ sung nguồn lực (vật chất và con người) cho phong trào, thì những mục tiêu đặt ra như QĐ số 2723/QĐ-BVHTTDL, e rằng sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top