Thành công từ xã hội hóa

09:08 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 5486 In bài viết
Giờ đây, các chương trình giải trí, phim ảnh, gameshow truyền hình đình đám, được chú ý và đạt thành công nhất định về mặt doanh thu... chủ yếu đều do các công ty truyền thông tư nhân đứng ra đầu tư, tổ chức sản xuất. Đó là một tín hiệu mới trong bối cảnh “ma trận gameshow” đang dần bão hòa.

Hướng mở

Khi các đơn vị nhà nước còn đang loay hoay chống đỡ việc thiếu hụt các chương trình phát sóng, tìm nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho phim và các chương trình giải trí thì việc nhà nước đồng ý cho tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất các chương trình giải trí nói chung, truyền hình nói riêng, là một hướng mở cho các đơn vị nhà nước và các đài truyền hình.

 

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội do Cục Điện ảnh phối hợp cùng một đơn vị tư nhân tổ chức.

Cũng từ đây, nhiều đơn vị truyền thông tư nhân ra đời và tham gia vào hầu hết các chương trình phát sóng trên truyền hình, cũng như một vài chương trình văn hóa - giải trí lớn được tổ chức hàng năm. Một sự thay đổi rất rõ rệt, những chương trình giải trí, gameshow truyền hình thành công, đình đám trong mấy năm qua, chủ yếu đều do các công ty truyền thông tư nhân thực hiện và trở thành “thương hiệu” của chính các công ty này.

Có thể kể đến Thử thách cùng bước nhảy, Bước nhảy ngàn cân, Ơn giời cậu đây rồi, Người bí ẩn là những chương trình do Đông Tây Promotion thực hiện, được khán giả truyền hình yêu thích và luôn nằm trong tốp các chương trình truyền hình đạt tỷ suất người xem cao nhất.

Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol cả phiên bản dành cho người lớn và trẻ con, do BHD thực hiện, luôn thu hút đông đảo thí sinh trên cả nước tham gia. Người mẫu Việt Nam - Vietnam’s Next Top Model, Nhà thiết kế thời trang Việt Nam - Project Runway Viet Nam do Multi Media thực hiện, đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thời trang và người mẫu thời trang. Solo cùng Bolero của Khang Media đã làm “sống dậy” một dòng nhạc, vốn được xem là nhạc bình dân và tạo thành cơn sốt người hâm mộ cho riêng dòng nhạc này. Còn có thể kể thêm: Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ của Cát Tiên Sa; Gương mặt thân quen phiên bản người lớn và trẻ con của Công ty Sóng Vàng...

Với những chương trình văn hóa, giải trí được tổ chức theo chu kỳ hàng năm, như các lễ hội văn hóa, một số cuộc thi hoa hậu, các kỳ liên hoan phim trong nước, liên hoan phim quốc tế... từ khi có sự tham gia của các công ty truyền thông tư nhân, đã có những thay đổi tích cực về diện mạo, cách thức tổ chức, tiếp cận công chúng, khiến nhiều chương trình trở nên hấp dẫn, phong phú, đa màu sắc hơn.

Đơn cử như Công ty Sen Vàng - được xem là một trong số ít đơn vị đứng đầu trong việc tham gia cùng các đơn vị nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí hiện nay. Sen Vàng cùng với Báo Tiền Phong tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Việt Nam; cùng với Cục Điện ảnh tổ chức Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

Tìm chìa khóa cho thành công

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị, hầu hết người đứng đầu các công ty truyền thông làm ăn hiệu quả hiện nay, đều là phụ nữ.

Theo bà Phạm Kim Dung, Giám đốc Công ty Sen Vàng có lẽ vì phụ nữ  thường có sức chịu đựng bền bỉ, giỏi nhẫn nhịn, nên mới trụ được trong nghề này. Sở dĩ nói đến sự bền bỉ, nhẫn nhịn bởi để có một chương trình thành công là một hành trình gian nan của các cuộc đàm phán, thỏa thuận, tìm nguồn đầu tư, thống nhất ý tưởng, chọn giờ - đài truyền hình phát sóng.

Để tìm được “chìa khóa” cho sự thành công và trụ được với nghề, mỗi người, mỗi đơn vị có một cách đi riêng.

Với Bà Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Multi Media: “Vì truyền thông và thời trang hiện nay thay đổi chóng mặt, sự đào thải cũng khắc nghiệt, buộc chúng tôi không ngừng học hỏi để cập nhật cho phù hợp với thời đại. Chúng tôi phải luôn sáng tạo để có sản phẩm khác biệt, đó chính là lợi thế trong cạnh tranh”.

Với Khang Media, có được thành công nhờ vào những chương trình truyền hình thuần Việt. Còn Đông Tây Promotion, để thành công với những chương trình có format nổi tiếng thế giới, bà Thu Hương, Phó Giám đốc công ty cho rằng: “Phải có sự sáng tạo, hiểu văn hóa nước nhà”.

Trong khi đó, bà Kim Dung, Giám đốc Công ty Sen Vàng nhìn nhận: “Cần nhất là sự sáng tạo, nhưng cũng sợ nhất là áp lực của sự cạnh tranh và sau đó là sự thay đổi của đối tác”.

Môi trường hoạt động văn hóa, giải trí giờ đây ngày càng phong phú, sôi động, một phần chính là nhờ sự có mặt của khá nhiều các công ty tư nhân. Xu hướng xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, giải trí trước mắt đã gặt được những thành quả nhất định.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top