Âm vang nhịp rèn

14:24 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 5887 In bài viết
ĐBP - “Nghề thủ công được duy trì ở nhiều vùng khác nhau nhưng để hiểu rõ nghề rèn truyền thống thì hãy tìm đến người Mông ở huyện Tủa Chùa. Nếu không khéo tay, không cần cù, không có khiếu thẩm mỹ và tích lũy kinh nghiệm, thì người Mông ở đây khó có thể rèn được những vật dụng vừa bền vừa đẹp”. Câu nói như lời chỉ dẫn của ông Đào Ngọc Lượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thôi thúc chúng tôi đến với huyện vùng cao Tủa Chùa.

Thật may mắn khi tìm đến lò rèn của ông Phàn A Chùa, bản Giàng II, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, chúng tôi gặp ông ở nhà. Vừa khệ nệ kéo chiếc bễ, ông Chùa vừa kể: Nếu như người Kinh rèn bằng than đá thì người Mông rèn bằng than củi. Đây là công việc đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Những sản phẩm rèn như: dao, cuốc… sau khi định hình, thợ rèn cắm ngập vào thân cây chuối để tôi. Cách dùng than củi (có nhiệt độ thích hợp) và tôi bằng thân cây chuối là một trong những bí quyết khiến cho sản phẩm rèn của người Mông có chất lượng tốt. Trước đây, bà con thường lấy nhíp xe ô tô, lò xo, mảnh bom để làm nguyên liệu chế tác sản phẩm. Từ những vật bỏ đi, qua bàn tay tài hoa của thợ rèn đã trở thành những công cụ hết sức hữu dụng. Đó là những sản phẩm đa dạng nhỏ bé tinh xảo như con dao, lưỡi dao gặt lúa cho tới lưỡi cày…

 

Nghề rèn truyền thống đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm.

Lần đầu được thấy lò rèn thủ công, xem cách gia công, chúng tôi rất ấn tượng. Nhìn qua, lò rèn không cầu kỳ bởi được tạo thành từ một ụ đất, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Song lại rất lạ mắt, ấn tượng do cái bễ cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang được khoét ra từ thân cây đường kính khoảng 50cm. Trong đó, pít tông là một miếng gỗ tròn được gắn lông gà xung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ. Thay vì quay bễ xè xè như người Kinh, người Mông đẩy pít tông rất nhẹ nhàng và không tốn sức. Sau khi vung những nhịp rèn chắc nịch, ông Chua hồ hởi khoe: Chủ nhật, tôi lại mang các sản phẩm nông cụ xuống chợ phiên thị trấn để bán, hàng bày ra đến đâu hàng tuần bán hết đến đó vì sản phẩm có chất lượng tốt, dùng đến mòn vẹt mà vẫn sắc. So với sản xuất nông nghiệp, thì nghề rèn truyền thống mang lại thu nhập cao hơn. Giá một con dao dao động từ 100 - 200.000 đồng, lưỡi cày có giá khoảng 300.000 đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng tôi thu về hơn 3 triệu đồng. Thấy gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, nhiều người trong bản học làm theo rồi duy trì nghề. Nghề rèn truyền thống đã mang lại “miếng cơm manh áo” cho nhiều gia đình ở Sính Phình.

 

Người dân mua dụng cụ lao động được rèn thủ công tại chợ phiên Tả Sìn Thàng.

Người Mông quan niệm nếu không có con dao, cái cuốc tốt thì không thể trồng cấy gieo hái trên những dãy núi cao chủ yếu là sỏi đá. Do vậy, người Mông coi những vật dụng lao động ấy như người bạn. Còn với người chủ bếp rèn như ông Chùa thì sản phẩm làm ra cũng là vật có linh hồn. Vì thế họ rất trân trọng công việc của mình, đặc biệt là việc lưu truyền nghề từ đời này sang đời khác.

Khác với nhiều nghề thủ công, nghề rèn của đồng bào dân tộc nơi đây được lưu giữ theo cách cha truyền con nối. Chỉ có con trai mới được cha truyền nghề từ rất nhỏ. Khi ấy, người con đã theo cha vào rừng tìm cây gỗ cho than tốt để rèn. Lúc sản phẩm định hình, người cha chỉ cho con biết lúc nào có thể tôi để con dao cứng mà không giòn, dẻo dai mà sắc lẹm. Không chỉ dạy con cách “giữ nghề”, ông Chùa còn dạy con chữ “tâm” với nghề. Đấy chính là sự cảm thông, san sẻ của người làm nghề với bà con trong bản. Vật làm ra mới thì bán, còn đồ sửa thì để tùy tâm người đem sửa trả công.

Xế chiều Sính Phình lại vang lên nhịp rèn đều đều, chắc nịch. Bên bễ rèn, người thợ rèn lại miệt mài rèn, gõ với hy vọng làm ra sản phẩm tốt nhất phục vụ sản xuất nông nghiệp và cả tâm nguyện lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top