Nỗ lực để văn hóa là nền tảng tinh thần của nhân dân

15:44 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 6586 In bài viết
ĐBP - Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình, thôn, bản, tổ dân phố và cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa… được huyện Điện Biên Đông triển khai đồng bộ, rộng khắp, tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 14 xã, thị trấn thực hiện tốt các phong trào với nhiều giải pháp đồng bộ, bình xét các danh hiệu văn hóa đảm bảo công bằng, khách quan; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đưa nội dung các phong trào vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố… Các cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên chăm lo khuôn viên xanh - sạch - đẹp, xây dựng tập thể đoàn kết tốt.

Ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, cho biết: Với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của nhân dân và xã hội, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần được quán triệt và thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Điên Biên Đông, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

 

Đoàn viên thanh niên xã Mường Luân nghe người cao niên trong vùng truyền lại câu chuyện về tháp Mường Luân. Ảnh: C.T.V

Cùng với đó, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, đầu tư và phát huy văn hóa vật thể, chính quyền các cấp huyện đã và đang tích cực đẩy mạnh tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn; bố trí nguồn vốn đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, như: Tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung triển khai công tác sưu tầm hiến tặng hiện vật, tài liệu. Đặc biệt là các hiện vật, tài liệu liên quan đến quá trình phát triển của huyện, hiện vật liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ để trưng bày. Cùng với việc bảo tồn văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Hiện huyện đang trong quá trình kiểm kê, phục dựng và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh đối với một số loại hình tiêu biểu, như: Lễ hội Kin Pang của dân tộc Thái; Lễ hội Nào Pê Chầu của dân tộc Mông. Phục dựng và tổ chức duy trì hoạt động các trò chơi dân gian (tung còn, ném pao, đẩy gậy, tù lu, tó má lẹ); điệu múa truyền thống (múa xòe, múa khèn, đánh trống mừng nhà mới) và ẩm thực văn hóa dân tộc Thái; thực hiện tốt kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Lào; tăng cường bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người, chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, tập trung vào dạy và học chữ cho người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tiếp tục sưu tầm âm nhạc dân gian truyền thống; xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu phục vụ các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh và của huyện…

Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ở Điện Biên Đông thời gian qua  góp phần duy trì, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, đi đôi với bài trừ các hủ tục. Do đó, phát triển văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Điện Biên Đông phấn đấu đến năm 2020 có 8.728 hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa, đạt 73,17%; 100% bản, tổ dân cư đăng ký danh hiệu “Tổ dân cư văn hóa”, “Bản văn hóa”; phấn đấu 232/243 bản, tổ dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. 60% xã có nhà văn hóa; 25% thôn, bản có nhà văn hóa; 100% bản, tổ dân cư có quy ước được UBND huyện phê duyệt… đồng thời thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Quang Long
Bình luận
Back To Top