Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc ở Điện Biên Đông

10:01 - Thứ Hai, 06/03/2017 Lượt xem: 8175 In bài viết

ĐBP - Huyện Điện Biên Đông có 6 dân tộc anh em: Mông, Thái, Khơ Mú, Lào, Xinh Mun, Kinh cùng sinh sống ở 243 tổ dân cư, bản thuộc 14 xã, thị trấn. Mỗi dân tộc có tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, trang phục riêng. Với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông đã xây dựng Nghị quyết số 05/-NQHU về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, cụ thể hóa nghị quyết, toàn huyện đã có 8.728 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phấn đấu có 232/243 tổ dân cư, bản đạt danh hiệu văn hóa.

 

Trang phục phụ nữ dân tộc Mông được người dân xã Keo Lôm duy trì.

Huyện Điện Biên Đông  có nhiều di tích lịch sử văn hóa, như: Tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, di tích lịch sử quốc gia hang Mường Tỉnh. Văn hóa phi vật thể phải kể đến hát, xòe dân tộc Thái, múa khèn dân tộc Mông, múa lăm vông dân tộc Lào, múa tăm đao dân tộc Khơ Mú. Lễ hội xên bản, Kin Pang của dân tộc Thái; Nào Pê Chầu dân tộc Mông, Khẩu hó dân tộc Lào, Ma ma hmê dân tộc Khơ Mú. Cùng với đó là nhiều trò chơi dân gian: Tung còn, đẩy gậy, tó má lẹ, tù lu...

 Để duy trì phát triển văn hóa các dân tộc, hàng năm vào dịp lễ, tết, xã và huyện tổ chức nhiều trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ. MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện phối hợp với chính quyền xã, bản tuyên truyền vận động người dân duy trì trang phục truyền thống dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động tiếp tục thực hiện Đề án số 01-ĐA/BCĐ ngày 10/7/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Điện Biên Đông cũng huy động nguồn ngân sách của huyện và xã hội hóa khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, khôi phục làng nghề truyền thống dân tộc; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở. Thực hiện chính sách chế độ và khuyến khích nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia tích cực vào hoạt động văn hóa dân tộc, tuyên truyền bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông Lò Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhi, cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nên bản sắc văn hóa các dân tộc trong xã được người dân gìn giữ và phát huy. Cụ thể, hàng năm vào dịp tết cổ truyền dân tộc Mông, Thái tại các bản tổ chức: Ném pao, tù lu, giã bánh dày; múa xòe, đẩy gậy, đấu bò... Ngoài ra, tại nhiều thôn, bản cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, thưởng thức ẩm thực dân tộc trong dịp tết nguyên đán.

Có thể nói, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đang được huyện Điện Biên Đông quan tâm thực hiện, bước đầu góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Các sự kiện văn hóa, lễ hội cũng thu hút được sự đầu tư các dịch vụ, phục vụ nhu cầu vui chơi tiêu dùng của bà con. Đây cũng là nền tảng thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; phát triển dịch vụ du lịch lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Bảo Khánh
Bình luận
Back To Top