Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng (Sở VH-TT&DL)

Vững vàng thời công nghệ thông tin bùng nổ

11:16 - Thứ Hai, 22/05/2017 Lượt xem: 7238 In bài viết

ĐBP - Ngày nay, khi công nghệ thông tin có bước phát triển vượt bậc; những chiếc điện thoại thông minh ra đời, cùng với mạng internet được phủ rộng tới mọi địa bàn, người dân có thể xem phim ảnh, giải trí ở mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó, các nhà mạng đã cung cấp và mở rộng phủ sóng các gói dịch vụ truyền hình, với một kho tàng văn hóa, phim ảnh “khổng lồ”, nên mỗi người dân, mỗi gia đình đều có nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu giải trí cho riêng mình. Điều này là tín hiệu tốt đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Thế nhưng, đối với các rạp chiếu bóng và chiếu bóng lưu động, thì đây lại là rào cản trong việc thu hút khán giả.

Để duy trì sự phát triển của rạp chiếu bóng và các đội chiếu bóng lưu động, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên) đã có những nỗ lực đổi mới, sáng tạo để thu hút người xem; mang văn hóa, thông tin đến với người dân, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới; qua đó kết hợp lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh một cách có hiệu quả.

 

Một buổi chiếu bóng tại rạp (thuộc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng) trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. 

Chúng tôi có mặt tại rạp chiếu bóng (thuộc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng) trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ vào một buổi tối thứ bảy. Mặc dù chưa đến giờ chiếu phim, nhưng rất đông khán giả đã đến mua vé, chọn trước cho mình một vị trí ngồi xem thích hợp. Em Tuấn Anh - một khán giả trẻ tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: “Em là khán giả thường xuyên của rạp này. Vào những ngày cuối tuần được nghỉ học, em và các bạn thường rủ nhau đến đây xem phim. Chỉ có 20 nghìn đồng/vé, nhưng mỗi khán giả đều được phục vụ miễn phí 1 ly nước giải khát và 1 túi bỏng ngô. Vừa được xem phim màn ảnh rộng, chất lượng hình ảnh HD rõ nét, chúng em lại được phục vụ chu đáo. Hơn nữa, ở đây có điều hòa không khí nên mặc dù đông người xem nhưng không gian vẫn mát mẻ, dễ chịu”.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Khoảng, cán bộ quản lý rạp chiếu bóng, thường vào những ngày nghỉ cuối tuần, bao giờ lượng khán giả cũng đông hơn ngày thường; bởi khán giả xem phim chiếu rạp hiện nay chủ yếu là các đối tượng học sinh. Sau những ngày học hành căng thẳng, các em thường rủ nhau đi xem phim; vừa an toàn, lành mạnh, bổ ích mà các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn khi con em mình chọn loại hình giải trí này. “Lượng khán giả ở đây cũng khá ổn định. Thỉnh thoảng có những hôm chiếu phim hay, như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Tấm cám”, “Em là bà nội của anh”..., chúng tôi phải chiếu 2 ca/buổi tối. Khán giả ngồi kín 200 ghế trong rạp, còn phải kê thêm ghế nhựa để phục vụ người xem” - ông Nguyễn Đình Khoảng chia sẻ.

Được biết, đối với chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, ngoài chương trình phim theo kế hoạch, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng còn chỉ đạo các đội chiếu bóng lưu động ở cơ sở, lồng ghép các chương trình tuyên truyền khác, như: tuyên truyền ATGT, phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người qua biên giới… Anh Hồ A Thào, cán bộ văn hóa xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ - người trực tiếp tham gia cùng đội chiếu bóng lưu động trong suốt thời gian phục vụ bà con tại các bản trên địa bàn xã, cho biết: “Mặc dù hiện nay, đồng bào vùng cao đã được tiếp cận nhiều phương tiện nghe, nhìn, nhưng bà con vẫn thích xem chiếu bóng. Bởi những bộ phim được chiếu đều gắn với nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân; hơn nữa phim được lồng tiếng địa phương nên bà con xem dễ hiểu, học hỏi được nhiều điều. Tối nào có chiếu bóng, bà con đều đi xem rất đông. Đây là cơ hội tốt để tuyên truyền lồng ghép chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào vùng cao”. Thông tin chúng tôi có được: Năm qua (2016) trên địa bàn huyện Nậm Pồ, Đội chiếu bóng số 8 thuộc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng của tỉnh, đã chiếu phim phục vụ nhân dân được 170 buổi, tại 85 bản trên địa bàn 15/15 xã, thu hút 82.462 lượt người xem. Tại huyện Mường Nhé, chỉ riêng quý I/2017, Phòng Văn hóa Thông tin đã phối hợp với Đội chiếu bóng số 1 thuộc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng của tỉnh, chiếu phục vụ bà con đ­ược 34 buổi, tại 18 điểm bản, xã trên địa bàn, thu hút đ­ược 7.622ượt ng­ười xem (đạt 17,7% chỉ tiêu giao cả năm).

 

Đội chiếu bóng số 6 (Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng) phục vụ bà con bản Ca Dính Nhè, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà. 

Bà Dương Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh, chia sẻ: Hiện đơn vị có 1 rạp chiếu bóng tại TP. Điện Biên Phủ và 8 đội chiếu bóng lưu động nằm ở địa bàn của 8/10 huyện, thị (trừ TP. Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay). Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, đang đặt ra cho đơn vị một thách thức lớn. Bên cạnh các hoạt động tổ chức chiếu phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đơn vị tiếp tục duy trì chiếu phim tại rạp, giữ lượng khán giả ổn định để tạo nguồn thu, đảm bảo cho các hoạt động khác. Để thu hút được người xem chiếu bóng, ngoài việc đầu tư, trang bị công nghệ mới, như chiếu phim bằng máy chiếu kỹ thuật số HD, đơn vị còn phát triển, đổi mới hình thức tiếp thị, cách phục vụ khán giả; tìm, chọn những bộ phim có nội dung hay, phù hợp với thị hiếu của người xem. Đối với chiếu bóng lưu động, việc bùng nổ công nghệ thông tin ít nhiều cũng khiến một bộ phận đồng bào ở một số địa bàn vùng cao không còn hào hứng, mặn mà với chiếu bóng như trước đây. Bởi vậy, cách thức và địa bàn mà các đội chiếu bóng lưu động hướng tới hiện nay là phục vụ bà con đến tận bản, vùng đồng bào dân tộc ít người, những nơi vùng cao, biên giới xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là những khu vực chưa có điện lưới quốc gia. Bởi ở đây người dân chưa có điều kiện để tiếp xúc nhiều với các hoạt động văn hóa - xã hội.

Song song với đó là phải lựa chọn nội dung phim phù hợp với phong tục tập quán của bà con, các bộ phim phải được lồng 2 thứ tiếng (tiếng Mông và tiếng Thái). Để lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách có hiệu quả, đơn vị đã lên kế hoạch một buổi tối ít nhất phải chiếu 4 thể loại phim: phim thiếu nhi; phim tài liệu hoặc phóng sự ngắn về đồng bào vùng cao; phim tuyên truyền; phim truyện. Thông thường, phim văn hóa, văn nghệ được chiếu trước, khi bà con đến đông đủ mới chiếu phim tuyên truyền; phim truyện được chiếu sau cùng. Trước đây, mục tiêu của đơn vị là xóa xã, phường thiếu thông tin, thì nay mục tiêu hướng tới là xóa bản trắng thiếu thông tin. Hiện đơn vị đang giao chỉ tiêu bình quân mỗi đội chiếu bóng lưu động phải đạt 180 buổi chiếu/năm. Và mỗi đội được trang bị một smartphone 4G để quay phim, chụp ảnh hoạt động các buổi chiếu bóng gửi về Trung tâm để theo dõi. Nếu thấy ít bà con đến xem phim, đơn vị sẽ tìm nguyên nhân để có hướng điều chỉnh, khắc phục…

Từ năm 2009, với việc hợp nhất của ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Trung tâm Điện ảnh tỉnh được đổi thành Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh; thực hiện nhiệm vụ vừa phục vụ vừa tuyên truyền, kinh doanh. Phương châm hiện nay của Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh, là hướng các hoạt động về cơ sở; lấy địa bàn cơ sở làm nơi hoạt động thường xuyên và căn bản. Tuy vậy, vấn đề giao thông đi lại, vận chuyển thiết bị máy móc vẫn là những khó khăn, thách thức lâu dài đối với các đội chiếu bóng lưu động khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng cao, biên giới... nơi hạ tầng giao thông chưa thật sự phát triển. Nhưng với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn của cán bộ, viên chức chiếu bóng lưu động; tin tưởng rằng, những buổi chiếu bóng tiếp tục sẽ được lan tỏa sâu rộng tới từng người dân vùng cao, và mỗi đội chiếu bóng lưu động tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước...

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top