Đến với bài thơ hay

Một bài thơ mang màu hạnh phúc

09:31 - Thứ Năm, 27/07/2017 Lượt xem: 8063 In bài viết
1. Đó là bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ quá cố Nguyễn Mỹ. Câu thơ mở đầu vang lên như một phát hiện đầy ấn tượng: “Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”. Cả ý thơ, hơi thơ tràn xuống câu dưới cho người đọc biết đó là màu đỏ tươi của cánh nhạn lai hồng. Rồi sau đó, khung cảnh một vườn hoa (công viên) chan hoà màu sắc được mở ra. Ở trung tâm điểm của khu vườn ấy là đôi vợ chồng trẻ đang có những giây phút cuối cùng trước lúc xa nhau: người chồng ấy sắp ra mặt trận.

Vâng, đó là một vườn hoa. Nổi bật lên một loài cây lạ: nhạn lai hồng. Còn nắng thì vàng rực rỡ. Cây thì xanh. Nón thì trắng. Và người phụ nữ ấy với chiếc áo đỏ rực như than lửa. Đúng là một khung cảnh chan chứa màu sắc. Mà màu nào cũng lên hết tông, cũng tột cùng, cũng bừng bừng, ngùn ngụt, không kìm giữ. Như thể một bức họa lớn của một hoạ sĩ dùng cây cọ ngôn từ với những nhát cọ táo bạo, dứt khoát, khoẻ khoắn. Đây là một khu vườn đang trưa của một ngày thu muộn. Và màu chủ đạo của bức tranh này chính là màu đỏ, một màu đỏ tươi tắn, pha ánh lấp lánh, gợi lên những nét ấm, sáng. Màu đỏ được khởi lên từ cánh nhạn lai hồng. Đó cũng là cái tứ của bài thơ được khuôn vào một thi đề duyên dáng: Cuộc chia ly màu đỏ.

Về sau, vào cái lúc xế chiều, đôi vợ chồng trẻ chia tay, khu vườn ấy cũng vẫn cứ chan hoà ánh sáng và màu sắc. Nắng vẫn còn ngời trên mắt lá si/ Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế/ Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ. Khung cảnh khuôn viên rực rỡ không chịu tắt. Những cánh hoa mẫn cảm như vẫn đang còn run rẩy. Bởi vì nó đã chứng kiến, đã hoan ca trước một tình yêu lớn và cao đẹp.

2. Hiện lên giữa bức tranh tràn trề ánh sáng và rực rỡ sắc màu ấy là đôi người yêu nhau đang trong lúc chia tay. Tâm hồn của đôi chồng vợ này cũng như thể một đám cháy vậy, cũng ngùn ngụt, mãnh liệt. Nhất là người vợ, tình yêu cô rực cháy/ nước mắt cô đã chảy, những giọt nước mắt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời. Một cuộc chia tay với nhiều nước mắt.

Cảm xúc của đôi người yêu nhau thật mãnh liệt. Nó hoà hợp trong khung cảnh của một vườn hoa ngút ngát sắc màu như thế. Thực sự, đó là khu vườn tình yêu. Những gam màu cao độ ấy chỉ có thể là gam màu của tình yêu, của người mang lòng yêu trong lúc chia ly. Những gam màu chất chứa tình yêu đã nhất loạt rực cháy hết cỡ. Đó là một trạng thái thăng hoa tột cùng của trời đất, khung cảnh, con người. Để biểu đạt trạng thái này, nhà thơ không tiếc lời dùng những hình dung từ mạnh, biểu đạt trạng thái cao trào, bùng vỡ, xối xả, với nhịp điệu đắm đuối, mê man: chói ngời, rực rỡ, đỏ rực, than lửa, long lanh, nóng bỏng, sáng ngời, rực cháy, bừng, ngời, ngập tràn, xanh, hồng ngọc... Một ngày hội của ngôn từ chỉ sắc màu. Nhà thơ đã hoá thân vào nhân vật, hoan ca tình yêu của đôi người.

3. Nếu hình dung theo diễn biến của cuộc chia tay, bài thơ triển khai trên hai bước: bước 1, trong cuộc chia ly - Chồng của cô sắp sửa đi xa; và bước 2, sau cuộc chia ly - Và người chồng ấy đã đi xa. Nếu ở bước một - nhà thơ triển khai cái màu đỏ đang là thì ở bước hai là cái màu đỏ sẽ là.

Cái màu đỏ của thì hiện tại ấy không chỉ là màu đỏ trực diện của cánh nhạn lai hồng, của chiếc áo đỏ rực như than lửa, mà còn phối hợp với màu đỏ trong tưởng tượng, màu của của bình minh, của một rạng đông với màu hồng ngọc. Các câu thơ đã bắt đầu chuyển từ tả thực sang ẩn dụ. Nhờ thế, gương mặt đầm đìa nước mắt kia trong lúc chia tay không mảy may một sắc màu u ám, hoặc xót thương, mà ấm áp, tin cậy, hy vọng. Nhà thơ đặc biệt tinh tế ở chỗ này. Nếu nói quá lên về phía cứng cỏi, lạc quan sẽ thành giả tạo. Nếu chỉ dừng ở nước mắt không thôi, dễ chuyển sang bi luỵ. Tác giả đã làm nhoè, sử dụng thủ pháp nhoè mờ để nói được nhiều trạng thái phức tạp của cuộc chia tay, vừa không né tránh, không lên gân, mà vẫn đủ độ chân thành, vẫn ánh lên hy vọng về một ngày gặp lại. Trong những năm tháng hào hùng của đất nước đánh giặc, các chiến sĩ lên đường ra mặt trận mang trong mình đầy hào khí, mạnh mẽ và cứng cỏi lắm. E rằng những người trẻ tuổi thời nay khó lòng cảm nhận một cách thật sâu, thật chân thực cái tư thế ra trận của một thời màu đỏ này, thời mà “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.

Đến lượt, cái màu đỏ sẽ là được thể hiện về phần cuối thi phẩm. Lúc này nhà thơ mới lộ diện trực tiếp: Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy. Cụm từ cái màu đỏ ấy được điệp lại đến ba lần. Câu thơ “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” thoạt đọc tưởng như không có gì, ấy thế mà lại ám người đọc nhiều thế hệ. Câu thơ được xây dựng trên một tương quan so sánh. Cái màu đỏ ở vế thứ nhất đang có khuynh hướng trườn sang phía tượng trưng. Nhưng ngay lập tức cái màu đỏ ấy ở vế thứ hai lại chuyển về nghĩa biểu hiện xác thực, nghĩa là trở về cái màu đỏ của buổi chiều chia ly đó. Nên câu thơ cứ chập chờn giữa nghĩa cụ thể và khái quát, dẫn cảm xúc người đọc không dừng lại ở một tình cảm yêu thương lứa đôi đẹp đẽ và cảm động mà còn hướng về phía những tình cảm lớn đối với đất nước. Các nhà thơ cùng thời, nhiều người trầm trồ thán phục câu thơ này. Nhà thơ Trinh Đường cho biết: “Tôi mang bài thơ (Cuộc chia ly màu đỏ - VG) đi hỏi thêm nhiều bạn nữa và hầu hết là đám trẻ đã sợ hãi đường mòn đều không tiếc lời tán thưởng với tôi, hạ nổi một câu “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy” là đương thời khó có ai viết được”. Câu thơ giản dị đến không ngờ. Và cái màu đỏ ấy một lần nữa lại hoá thân vào những hình ảnh ấm nồng cuộc sống khi cả nước cùng ra trận: bông hoa chuối đỏ tươi, ánh lửa hồng trên bếp... Mỗi màu đỏ hiện lên theo bước chân người ra trận như thể cái màu đỏ rực rỡ của buổi chiều chia tay âý đang nhịp bước theo cùng. Bài thơ kết thúc bằng những hình ảnh thân thuộc mà ấm áp, lại mang không khí của những cuộc hành quân trên khắp nẻo đường đất nước.

Như thế, trên toàn thi phẩm, cái màu đỏ đã đi hết hành trình của một tứ thơ vận động từ tả thực sang ẩn dụ, rồi lại từ hiện thực sang tưởng tượng, từ cụ thể sang khái quát, từ đang là tới sẽ là... ý nghĩa của bài thơ cứ bay lượn, đập vỗ từ những đối cực ấy.

4. Có ai đó cho rằng Nguyễn Mỹ là thi sĩ của sắc màu quả không sai. Bởi những bài thơ hay nhất của anh đều khởi lên từ màu sắc cả. Theo nhà thơ Trúc Cương cho biết, thời đó bạn bè của Nguyễn Mỹ thích thú đặt tên cho ba bài Cuộc chia ly màu đỏ, Hoa cúc tím, Giấc mơ xanh là “Chùm thơ màu ba khúc”. Trong những bài thơ này, các câu thơ hay nhất toàn dành để nói đến sắc màu:

- Đâu cũng tím một trời thương nhớ/ Biết mấy màu tím ở trong hoa/ Sao anh gọi em là Hoa cúc tím/ Mà em vẫn lặng thầm sâu kín/ Ơi nỗi ưu tư của đất lành/ Anh đã đến rồi. Em hãy trả lời anh” (Hoa cúc tím).

- Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi/ Là Ô Loan đầm nước trong ngời... (Giấc mơ xanh).

Nguyễn Mỹ bắt đầu có thơ đăng trên Văn nghệ Quân đội từ năm 1957. Anh hy sinh năm 1971, lúc mới ba nhăm tuổi. Một đời ngắn ngủi vừa làm người lính, vừa làm thi sĩ. Thơ anh để lại không nhiều. Nhưng nhắc đến Nguyễn Mỹ lập tức người ta nhớ ngay đến “Cuộc chia ly màu đỏ”... Nhờ thế, cái tên Nguyễn Mỹ đã đi vào bất tử với bài thơ mang màu hạnh phúc. Nghệ thuật đích thực là như vậy, nó làm được cái việc ghê gớm là vượt qua cả những giới hạn của thời gian...

Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội - 10/2016

Văn Giá
Bình luận
Back To Top