Thổ cẩm Mông trong thời đại hội nhập

09:32 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 5851 In bài viết
ĐBP - Xuất phát từ nền sản xuất “khép kín” với phương thức “tự cung tự cấp”, hàng nghìn đời nay nhiều dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên biết sản xuất thổ cẩm và sử dụng thổ cẩm, một trong những dân tộc điển hình là dân tộc Mông. Trong môi trường sống miền núi với những công việc nương rẫy bụi bặm và nhọc nhằn, thì cùng với kiểu dáng trang phục, vải chàm (xanh - đen) sẽ trở nên tiện lợi, thích hợp hơn trong lao động, sinh hoạt cũng như các dịp lễ tiết. Từ những bộ váy áo trên nền chàm dân dã, thêm một số hoạ tiết trang điểm bởi các loại vải màu hoặc đường thêu móc cầu kỳ, các dân tộc thiểu số đã mặc nhiên gửi đi những “thông điệp” mang tính xác nhận bản ngã một tộc người. Tất nhiên, trong sự thống nhất có sự khu biệt, rạch ròi - trên cái nền chàm chung có những nét hoa văn đặc trưng của một dân tộc đặc trưng.

 

Thiếu nữ Mông trắng xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) trong trang phục truyền thống.

Nhìn chung, hầu hết trang phục vải chàm hình thành từ chất liệu bông sợi, trừ số ít từ giống cây lanh hoặc một số loại cây khác. Trải qua hàng loạt các công đoạn, người phụ nữ đổ vào đấy không biết bao nhiêu công sức và tất nhiên cả phần trí tuệ, để tạo nên những đường nét hoa văn tinh xảo, tao nhã, độc đáo, cầu kỳ... Thế hệ trước truyền lại thế hệ sau, trên cơ sở vừa kế thừa vừa sáng tạo, để làm nên những bộ váy áo rực rỡ màu sắc, uyển chuyển bởi mũi chỉ đường thêu. Ðiều đặc biệt là người ta không dành hẳn vài ngày, một tuần hay một tháng để chuyên tâm vào công việc dệt vải, mà thường chỉ làm vào thời gian rảnh rỗi. Bởi vậy mà có những gia đình nếu điều kiện không gian rộng rãi, người ta lập hẳn vài bộ khung dệt, trên đó lúc nào cũng mắc sẵn sợi, người phụ nữ rỗi lúc nào là ngồi vào khung dệt lúc đó và có thể dệt vải được ngay. Có dân tộc khi cô dâu về nhà chồng, trong hành trang hồi môn thiếu gì thì thiếu nhưng nhất thiết phải có một cái áo để biếu bố chồng, một cái váy để biếu mẹ chồng. Thông qua cái áo và váy này, bố mẹ chồng có thể đoán biết được sự khéo léo, tính kiên trì và chăm chỉ lao động của nàng dâu. Lại có dân tộc người ta lúc sống muốn mặc gì tuỳ ý, nhưng khi chết nhất thiết phải được liệm trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình (ở đây, tiêu biểu phải kể đến người phụ nữ Mông trắng). Ðó chính là một cách để bảo tồn văn hóa dân tộc, thông qua văn hóa mặc.

Hàng ngày, nhìn vào bộ nữ phục dân tộc Mông, chúng ta ai cũng thấy đẹp, cho dù lời khen có nói ra hay không nói ra. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng biết những nét hoa văn truyền thống ấy, là kết quả của quá trình sàng lọc vừa vô thức vừa chủ tâm, thể hiện khả năng tư duy qua rất nhiều thế hệ người Mông. Trước hết, trong tập quán người Mông, dẫu không gò ép cứng nhắc người phụ nữ vào các công việc canh cửi hay vẽ sáp, thêu thùa. Song về mặt tín ngưỡng, người ta cho rằng các cô gái lúc ở nhà với bố mẹ phải mặc đúng bộ váy áo của mình, nếu không “con ma nhà” sẽ không chấp nhận. Khi các cô về nhà chồng phải mang theo những bộ váy áo tự tay dệt vải, tự tay vẽ sáp và thêu móc... nếu không sẽ bị chê cười là vụng về và lười nhác. Ðiều đó, có thể hiểu như một cách giáo dục về lòng tự hào dân tộc, nhất là giáo dục đức tính chăm chỉ cho người phụ nữ, trước lúc có cuộc sống tự lập sau khi kết hôn.

Về sự cầu kỳ qua những đường thêu tinh xảo, đa dạng và khéo léo trên bộ nữ phục Mông (đặc biệt qua những chiếc váy với nhiều nếp gấp dọc), hẳn bạn đọc đều đã hơn một lần mục kích. Tuy vậy, chỉ những ai từng đến và từng có thời gian nhất định sống ở bản người Mông, mới hiểu “cái giá” mà người phụ nữ Mông phải bỏ ra để có được những sản phẩm như vậy. Vào lúc nông nhàn, những hôm mưa gió không đi nương được và nhất là dịp cuối năm âm lịch, khi những cơn gió heo may xào xạc trên đỉnh núi, người phụ nữ Mông lại cắm cúi trên tấm thổ cẩm để tạo ra những đường thêu hài hoà, công phu và tuyệt mỹ. Một nhóm các bà, các chị, các cô tụ nhau lại tại gia đình một người nào đấy. ở một chái nhà nơi có cửa mở về phía đầu hồi, họ ngồi vừa kiên nhẫn bên tấm thổ cẩm vừa nói chuyện râm ran. Chính họ là những nghệ nhân một mình đảm nhiệm mọi công đoạn: Dệt vải, vẽ mẫu, thêu và cuối cùng là cắt may. Một cái váy của người phụ nữ Mông, không thể nào tính hết bao nhiêu công sức, bao nhiêu lòng kiên trì và nhất là bao nhiêu trí tuệ trong việc kế thừa và sáng tạo qua nhiều thế hệ...

Là người gắn bó nhiều năm với địa bàn có rất đông đồng bào Mông sinh sống (huyện Mường Tè trước đây và huyện Mường Nhé hiện nay), ông Lê Hồng Nam, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Bản sắc văn hóa và sự biến đổi một hay nhiều nét văn hóa của một tộc người hay một vùng văn hóa bao gồm nhiều tộc người, điều đó không đơn giản là sự đo đếm khô khan hay con số thống kê những di sản truyền thống còn lưu giữ được. Không ít trường hợp, với nhiều vùng đất hoặc với những sắc tộc cụ thể, văn hóa chính là sự cảm nhận, sẻ chia và ai có sự cảm nhận tinh túy nhất, sự sẻ chia sâu sắc nhất, người đó sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ, đa chiều và tinh tế hơn... Trong một xã hội đa văn hóa và ở vào thời đại hội nhập, con người - đối tượng vừa thụ hưởng thành quả của văn hóa vừa là người sáng tạo ra sản phẩm văn hóa - là những chủ thể chịu sự va đập và những tác động qua lại của quy luật sinh tồn, trong đó có bản sắc văn hóa vật thể cũng như phi vật thể và văn hóa Mông cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.

Thu Loan
Bình luận
Back To Top