Văn hóa phi vật thể

Nỗ lực trong khát vọng bảo tồn, truyền trao

10:20 - Thứ Tư, 22/11/2017 Lượt xem: 5120 In bài viết

ĐBP - Cùng với những di sản văn hóa vật thể, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta còn sở hữu cả kho tàng di sản văn hoá phi vật thể (VHPVT) đa dạng, phong phú. Và giữa tháng 9 vừa qua, Ðiện Biên vô cùng vinh dự và tự hào khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Tết té nước (Bun huột nặm) của dân tộc Lào ở xã Na Sang (huyện Ðiện Biên) và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa ở xã Sa Lông (huyện Mường Chà) là di sản VHPVT quốc gia…

Theo đánh giá của bà Dương Thị Chung, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), so với tiềm năng VHPVT Ðiện Biên đang sở hữu thì số di sản được công nhận di sản VHPVT quốc gia còn khiêm tốn; song đó là sự ghi nhận bước đầu cho những cố gắng, nỗ lực của những người làm văn hóa và cho cả cộng đồng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc. Ðặc biệt trước thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản VHPVT, thì việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản VHPVT đã bước đầu xây dựng diện mạo về đời sống văn hóa phong phú, khơi dậy tinh thần bảo tồn, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

 

Tết té nước (Bun huột nặm) của dân tộc Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên được công nhận di sản VHPVT quốc gia. Ảnh: Gia Kiệt

Trong năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tập trung kiểm kê văn hóa 6 dân tộc: Tày, Nùng, Mường, Thổ, Hà Nhì và Cống trên các phương diện về tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Ðến nay, toàn tỉnh đã kiểm kê 18 dân tộc, trong đó có 6 dân tộc có di sản tiêu biểu được bảo tồn, đó là: Dân tộc Cống (lễ cúng tổ tiên), dân tộc Hà Nhì (lễ cúng bản), dân tộc Xinh Mun (lễ mừng cơm mới), dân tộc Kháng (Lễ Pang Phoóng - lễ cúng dòng họ), dân tộc Si La (lễ cúng bản, lễ cúng cơm mới). Nghiên cứu, lập hồ sơ di sản VHPVT đối với 2 di sản lễ cúng bản (Gạ ma thú) của dân tộc Hà Nhì tại huyện Mường Nhé và Tết hoa (Mền loóng phạt ái) của người Cống đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản VHPVT quốc gia. Sở cũng đã hoàn thành công tác phối hợp với Viện Âm nhạc lập hồ sơ Then Thái tỉnh Ðiện Biên; phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật triển khai xây dựng hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái tỉnh Ðiện Biên trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Công tác bảo tồn số loại hình di sản VHPVTcủa các dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện khi đến nay đã có 2 loại hình di sản VHPVT được bảo tồn, đó là: loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian thông qua truyền dạy để bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Cống tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè; truyền dạy để bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé); loại hình lễ hội truyền thống (bảo tồn lễ cầu mùa của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin (xã Chung Chải).

Trong những nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản VHPVT, trên tinh thần Quyết định số 1430 đã được UBND tỉnh phê duyệt về thực hiện Ðề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu Ðề án đề ra đến năm 2020, 100% số các dân tộc được kiểm kê, đánh giá; 50% số các dân tộc có các giá trị di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy. Toàn tỉnh sẽ có 15 di sản VHPVT tiêu biểu trở lên được lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản VHPVT quốc gia và 1 di sản VHPVT đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản VHPVT đại diện nhân loại. Triển khai bảo tồn di sản văn hóa những dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La và Cống) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa... Ðiện Biên đã và đang tập trung thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản VHPVT đề nghị đưa vào danh mục di sản VHPVT quốc gia. Xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia đối với các di sản “Then, Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, di sản Kéo co, nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách di sản VHPVT đại diện nhân loại. Nghiên cứu và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản VHPVT thuộc danh mục di sản VHPVT quốc gia (tập trung truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá, giới thiệu giá trị). Tăng cường công tác bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, tập trung vào dạy và học cho chính người dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư, phát huy giá trị VHPVT, góp phần nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc trên địa bàn thông qua việc bảo tồn, phục dựng và tổ chức duy trì hoạt động thường xuyên một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số...

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top