Phim truyền hình năm 2018: Những tín hiệu tích cực

14:49 - Thứ Ba, 16/01/2018 Lượt xem: 4466 In bài viết
Sau một năm với nhiều thành công bất ngờ và tín hiệu tích cực, phim truyền hình Việt đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Năm 2018 được dự báo và kỳ vọng sẽ tiếp tục vực dậy niềm tin của khán giả với phim nội. 

Đề tài đa dạng

Lên sóng từ ngày 1-1, Những khúc sông dậy sóng (đạo diễn Nhâm Minh Hiền) đưa ra vấn đề khá nhức nhối của xã hội - nạn khai thác cát lậu. Bộ phim tập trung vào hai gia đình sống ở miền Tây Nam bộ với hai hoàn cảnh khác nhau: một bên có người cha liêm chính nhưng con trai lại là “cát tặc” và ngược lại một gia đình kinh doanh cát trái phép nhưng cậu con trai lại ra sức chống lại nạn khai thác cát trái phép. Câu chuyện thời sự trong phim còn là vấn nạn bạo hành trong gia đình, nơi những người đàn ông say xỉn, cờ bạc, sẵn sàng có những hành động vũ phu đối với vợ con. Từ câu chuyện thời sự xã hội đến những câu chuyện trong mỗi mái ấm, bộ phim đã nhận được khá nhiều phản hồi tích cực sau khi lên sóng.  

 

Về quê ăn Tết dự kiến lên sóng đúng dịp Tết Nguyên đán 2018 trên HTV.

Thể loại hành động - hình sự vốn không còn xa lạ trên màn ảnh và từng là “đặc sản” của giờ vàng phim Việt trên VTV, nhưng Đánh tráo số phận lại có rất nhiều điểm khác biệt. Đáng chú ý nhất đó là tuyến nhân vật chính toàn bộ đều do các nữ diễn viên đảm nhận. Lý giải điều này, biên kịch Trương Ngọc chia sẻ, ban đầu tuyến chính được giao cho nam, nhưng sau đó, anh quyết định thay đổi vì muốn xây dựng những hình tượng nhân vật nữ mạnh mẽ và cá tính. Đánh tráo số phận xoay quanh Hà Linh - một cô gái chăm ngoan, học giỏi nhưng cuộc đời xô đẩy trở thành nữ quái giang hồ khét tiếng. Cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác trong Hà Linh diễn ra quyết liệt, nhất là mối tình với chàng trung úy cảnh sát.

 Chưa chính thức ấn định ngày phát sóng, nhưng Mộng phù hoa đã gây chú ý bởi sự đầu tư bài bản của nhà sản xuất cho một dự án phim truyền hình mang màu sắc xưa. Bộ phim của bộ đôi đạo diễn Bùi Nam Yên - Trần Quế Ngọc, xoay quanh câu chuyện về người đàn bà nhan sắc Ba Trang, trải biết bao nhiêu đắng cay, tủi nhục cuộc đời của kiếp “hồng nhan đa truân”. 

Một dự án vừa mới, vừa không mới, là Về quê ăn Tết (đạo diễn Trần Đức Long) do TFS sản xuất, dự kiến sẽ lên sóng HTV trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Vẫn là cuộc hành hương của những người xa quê về với cội nguồn, nhưng câu chuyện trong phim đan cài những tình huống bi - hài mới mẻ. Khán giả sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mình trong bộ phim bởi sự dung dị, gần gũi qua diễn xuất của các diễn viên. 

Đầu tư bài bản

Theo ê kíp sản xuất bộ phim Mộng phù hoa, để tái hiện chân thực không gian xưa trong phim, đoàn phim phải lặn lội đến Đà Lạt, Đồng Nai, Gò Công… để chọn được bối cảnh phù hợp, thậm chí dựng hẳn cả một khu phố nhỏ. Việc thực hiện phục trang, chọn lựa đạo cụ... cũng tiêu tốn của đoàn phim số tiền không nhỏ. Theo tiết lộ của người làm nghề, thời gian và kinh phí sản xuất phim xưa thường gấp 2-3 lần so với các phim hiện đại, nên đa phần các nhà sản xuất đều e ngại. Đặc biệt, trong bối cảnh phim truyền hình vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, điều đó cho thấy sự cố gắng rất lớn của nhà sản xuất dám mạo hiểm bước vào cuộc chơi này.  

Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay khi dòng phim về xã hội hiện đại đang dần rơi vào lối mòn bởi những bối cảnh, câu chuyện na ná nhau, thì các phim xưa lại nhận được hiệu ứng tích cực. Sau những Người đẹp Tây Đô, Vó ngựa trời Nam, Cô Thắm về làng, Đò dọc, Lều chõng, Trò đời..., bộ phim đang phát sóng Thương nhớ ở ai với bối cảnh nông thôn Bắc bộ thời kỳ bao cấp cũng tạo nên những tranh luận sôi nổi. Điều đó khiến khán giả rất chờ đợi Mộng phù hoa đến ngày lên sóng chính thức, đồng thời củng cố thêm niềm tin cho nhà sản xuất. 

Thêm vào đó là sự liên kết để tạo tiềm lực thực hiện đề tài khó. Lần đầu tiên, một dự án truyền hình như Những khúc sông dậy sóng có sự hợp sức của 8 đài ở Khánh Hòa, An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Nẵng và kênh truyền hình MyTV. Theo ê kíp sản xuất, để dựng lại cảnh hoạt động của những chiếc thuyền khai thác cát lậu trên phim, nếu không có sự giúp đỡ của phía cơ quan công an, Đài PT-TH An Giang sẽ rất khó thực hiện cảnh này và thậm chí là bất khả thi. Hay như trường hợp của Đánh tráo số phận, để giải quyết bài toán khó về hành động, đặc biệt cho các diễn viên nữ, ê kíp phải nhờ cố vấn võ thuật tính toán kỹ lưỡng cho từng cảnh quay.

Phim truyền hình đang lấy lại niềm tin nơi khán giả. Liệu niềm tin ấy sẽ được củng cố như thế nào, tất cả phụ thuộc vào mỗi ê kíp làm phim, bởi giá trị cuối cùng vẫn nằm ở chính chất lượng tác phẩm.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top