“Mùa biển động” trong làng văn

16:36 - Thứ Hai, 29/01/2018 Lượt xem: 4724 In bài viết
Làng văn Việt Nam giống thời tiết ở biển Đông, quanh năm im vắng thì cuối năm “sóng gió” nổi lên.

Cuối năm cũng là mùa giải thưởng của các Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM. Mùa giải thưởng cũng là “mùa biển động” với cả thí sinh lẫn ban giám khảo. Ước gì mùa nào trong năm các nhà văn nước ta cũng có tác phẩm đỉnh cao vang dội như đội U.23 tranh Cúp châu Á thì văn đàn bớt tẻ nhạt.

Từ hội nhỏ

Bắt đầu từ giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn TPHCM khi Hội đồng thơ của hội này lên tiếng phản ứng quyết liệt kết quả giải thưởng không như những gì đã đề xuất. Phản ứng quyết liệt đến độ nhà thơ Trần Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ, đã làm đơn từ chức gửi lên ban chấp hành hội này. Kết quả cuối cùng, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, phải đứng ra nhận lỗi về quy trình xét giải chưa đúng. Nhưng sau các lùm xùm đó, tác giả La Mai Thi Gia, Nguyễn Thị Thanh Long đã từ chối giải thưởng nhằm bảo tồn danh dự.

 

Lâu nay, các nhà thơ đem thơ in thành sách không ngoài mục đích nào khác là tặng nhau, nói vui là thơ in “bốn triệu” tức đem “biếu trọn”. Thỉnh thoảng có người mua thơ cũng trên tinh thần ủng hộ, ví như Quỹ tình thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi, mua thơ của nhà thơ vậy. Thơ đẹp và buồn một cách tội nghiệp nếu không đem đi dự giải. Tập thơ của Nguyễn Thị Thanh Long nếu không được giải của Hội Nhà văn TPHCM cũng rơi vào khung cảnh chung như thế. Nhưng khi Hội Nhà văn TPHCM vừa xướng danh, lập tức tập thơ này và các bài thơ khác của Nguyễn Thị Thanh Long bị đưa lên… bàn mổ.

Những người quan tâm đến giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM phát hiện một bài thơ trong tập đoạt giải của Nguyễn Thị Thanh Long giống thơ của tác giả Lê Huy Mậu. Qua kiểm tra, đối chiếu, so sánh hai bài thơ, Hội Nhà văn TPHCM kết luận, tác phẩm của Nguyễn Thị Thanh Long chỉ ảnh hưởng thơ Lê Huy Mậu chứ không có… đạo thơ. Những người quan tâm đến giải thưởng này quyết tâm tìm ra “tiền án tiền sự” khi khui tiếp một bài thơ khác của Nguyễn Thị Thanh Long không có trong tập đoạt giải nhưng lại đạo thơ của tác giả Thy Minh. Kết quả thật bất ngờ, cả “hai bài thơ” của Thy Minh và Nguyễn Thị Thanh Long đều của một ông nhà thơ khác làm tặng hai nàng. Ông nhà thơ này làm một bài thơ “tán gái” nhưng “thả thính” cùng lúc hai cô, khiến cô nào cũng tưởng anh ấy chỉ làm thơ cho duy nhất mình thôi.

Đến hội lớn

Về chuyện các hội đồng chuyên môn đề cử tác phẩm để ban chấp hành xét giải, không phải chỉ mỗi Hội đồng thơ của Hội Nhà văn TPHCM là nảy sinh bất mãn khiến nhà thơ Trần Hữu Dũng phải từ chức, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng có chuyện tương tự. Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất các tác phẩm Con chim joong bay từ A đến Z (NXB Trẻ) - tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy, 6 ngày (NXB Trẻ) - tiểu thuyết của Tô Hải Vân, Con chim phụng cuối cùng (Nhã Nam - NXB Hội Nhà văn) - tập truyện ngắn của Nguyễn Kim Hòa, Rong chơi miền ký ức (NXB Trẻ) - tiểu thuyết của Đỗ Phấn, trình lên ban chấp hành của hội xét giải, nhưng cuối cùng “không hiểu vì sao” giải thưởng năm nay không có tác phẩm nào thuộc lĩnh vực sáng tác được gọi tên.

Nhà văn Trần Nhã Thụy, Ủy viên Hội đồng văn xuôi (Hội Nhà văn Việt Nam), thảng thốt kêu lên: “Nhưng cũng hiểu phần nào nỗi hãi hùng của các vị Hội Nhà văn Việt Nam khi nhìn vào giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM vừa rồi. Cứ trao cho một ai đó thì y như rằng sẽ có một đám đông bay vào “cắn xé dã man”. Có quá nhiều chuyện nằm ngoài văn chương. Có quá nhiều trò bẩn. Nghe đồn nội tình giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam cũng bị… đánh ghê lắm. Đánh trực diện. Đánh lén. Đơn công khai. Đơn nặc danh đủ cả. Thôi thì không trao cho ông bà nào cả cho nó lành”.

Tạm gác qua chuyện giải thưởng, thật ngẫu nhiên những sóng gió làng văn cuối năm nay lại gắn liền với những tác giả đã hoặc đang làm nghề dạy học. Hai tác giả Nguyễn Thị Thanh Long, La Mai Thi Gia đều là cô giáo và tác giả truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc ồn ã mấy tuần nay. Trần Quỳnh Nga cũng đang là cô giáo. Truyện ngắn này của Trần Quỳnh Nga in trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nội dung truyện ngợi ca Trần Ích Tắc là người yêu nước, phải hy sinh cả tiền tài và danh vọng… Rồi công chúa An Tư hợp tác với kẻ thù, che chở cho Thoát Hoan khỏi bị quân ta bắt sống và cùng y trong cuộc chạy trốn đẹp như mơ. Nội dung truyện như vậy khiến người đọc phẫn nộ khi tác giả “lộn trái” những giá trị lịch sử đã được cả ta và địch thừa nhận trong gần một thế kỷ nay. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của nhiều đầu sách viết về triều Trần, cho rằng: “Đành rằng nhà văn viết truyện lịch sử chứ không phải nhà chép sử, nhưng tất cả đều không thể vượt qua cái ngưỡng là sự thật. Giới hạn của hư cấu chính là đạt tới chân thực chứ không phải xuyên tạc sự thật hiển nhiên. Thực ra, truyện này viết với bút pháp nghệ thuật rất bình thường, kết cấu lủng củng, kiến thức non kém. Nhưng nếu không có việc nó gây ra tác hại khôn lường thì cũng chẳng ai quan tâm làm gì. Tác hại này có thể nằm ngoài ý muốn của tác giả”.

Lỗ hổng kiến thức lịch sử

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đau đáu: “Thảm họa này ở lớp trẻ không phải ngày một ngày hai mà có. Nó tích lũy từ việc coi nhẹ đến coi thường giáo dục môn lịch sử trong nhà trường. Cách đây đúng 25 năm, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM đã làm một cuộc thử nghiệm về kiến thức lịch sử với sinh viên. Kết quả, trong số hơn 600 sinh viên được khảo sát, chỉ vài chục phần trăm biết vua Hùng là Tổ nước ta. Trần Quốc Toản thì sinh viên trả lời hình như là nhân vật thời chống Mỹ. Còn anh hùng dân tộc nổi tiếng nhất lại là Quan Vân Trường. Thi tốt nghiệp, cả một trường trung học chỉ có một em đăng ký thi môn lịch sử. Những cảnh báo trên, dường như chẳng có ai để ý”.

Nhà phê bình văn học trẻ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ: “Lịch sử luôn tồn tại dưới hai dạng thức chính sử và huyền sử. Văn học viết về lịch sử là một dạng huyền sử. Biên độ sáng tạo của nhà văn hoàn toàn không giống cơ sở tư liệu của nhà viết sử. Thế nhưng, khi chọn đề tài lịch sử làm cảm hứng, nhà văn buộc phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản nhất - xu hướng “giải thiêng” không đồng nghĩa đánh tráo sự thật và đảo ngược quá khứ. Hầu hết những tác phẩm khai thác yếu tố lịch sử nhưng gây phản cảm cho độc giả, đều mắc phải sai lầm trên. Truyện ngắn lịch sử hoặc tiểu thuyết lịch sử chắc chắn sẽ thuyết phục công chúng nếu trí tưởng tượng của nhà văn có thể bồi đắp những khoảng trống trong lịch sử, về số phận của nhân vật nào đó hoặc về góc khuất của sự kiện nào đó. Sự hư cấu của văn chương phải dựa trên nền tảng lịch sử, chứ không thể nhân danh minh định lịch sử để bôi nhọ lịch sử!”.

Dư luận phản ứng nóng đến độ ngày 19-1, Ban sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam phải tổ chức tọa đàm về truyện ngắn này. Và Báo Văn nghệ đã chính thức xin lỗi: “Ban biên tập Báo Văn nghệ đã tiếp thu ý kiến của cuộc thảo luận một cách cầu thị, chân thành và nhận thấy rằng: Việc cho in truyện ngắn này là một khuyết điểm gây ra những bất lợi về nhiều mặt. Nguyên nhân chủ yếu của sự cố đáng tiếc này là do nhận thức và trình độ của biên tập viên còn bất cập, cách làm việc vội vã, cân nhắc thiếu thận trọng, thiếu nhạy bén, để lại những hậu quả ngoài mong muốn. Sự phê bình, nhắc nhở của dư luận là cần thiết, không những cho công tác biên tập mà cả cho tác giả. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét lại quy trình làm báo để tránh những sai sót đáng tiếc lặp lại trong tương lai”.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top