Những sự kiện lịch sử gắn liền với năm Tuất

15:56 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 7614 In bài viết
ĐBP - Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, có biết bao những trang lịch sử oai hùng. Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018 chúng ta hãy cùng điểm lại một vài sự kiện nổi bật nhất gắn liền với năm Tuất trong lịch sử đất nước, để cảm thấy tự hào hơn với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

1. Năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn và chiếu dời Ðô

Lý Công Uẩn là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Xuất thân là một võ quan cao cấp dưới triều nhà Tiền Lê, năm 1009, khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Long Ðĩnh qua đời, Lý Công Uẩn được lực lượng của Ðào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh tôn lên làm Hoàng Ðế. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông dành nhiều thời gian để củng cố đất nước, thu phục lòng tin của nhân dân, dẹp yên các nơi phản loạn.

 

Khu di tích cố Ðô Hoa Lư ở Ninh Bình.

Nét nổi bật nhất trong giai đoạn lịch sử này chính là chiếu dời kinh đô Từ Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) về Thành Ðại La (Hà Nội ngày nay) vào tháng 7/1010. Nơi định đô mới này đã đáp ứng được vai trò là đầu mối trung tâm của kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước, mở đầu cho phát triển, thịnh vượng lâu dài giúp nhà Lý tồn tại hơn 200 năm.

2. Năm Canh Tuất 1070, xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của TP. Hà Nội, nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long. Theo chính sử, Văn Miếu lần đầu tiên được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070 và Quốc Tử Giám lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông.

 

Khu trưng bày các Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Nơi đây đã được đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: Cổng Văn Miếu, Ðại Trung, Ðại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.

Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước; là nơi khen tặng học sinh xuất sắc, tổ chức hội nhà thơ hàng năm. Ðặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.

3. Năm Bính Tuất 1226, sự kiện chiếu nhường ngôi, kết thúc Triều đại nhà Lý, lập nên nhà Trần

Sự kiện chiếu nhường ngôi bắt nguồn từ vị vua cuối cùng của Triều Lý là Lý Chiêu Hoàng. Bà tên thật là Lý Phật Kim là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông. Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất, đặc biệt hơn là được chính vua Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi dù bên trong còn nhiều ẩn tình, khuất tất.

Cuối năm 1225 đến đầu năm 1226, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Ðộ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Thái Tông - Trần Cảnh, sự chuyển nhượng quyền lực giữa hai triều đại chỉ bằng Chiếu chỉ nhường ngôi, chính thức khép lại sự cai trị của triều đại nhà Lý hơn 200 năm. Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông. Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm, có nhiều danh nhân nổi tiếng như: Trần Hưng Ðạo, Trần Quang Khải, Trần Khát Chân; danh nhân văn hóa Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Biểu... mở ra giai đoạn hưng thịnh nhất lúc bấy giờ của đất nước.

4. Năm Canh Tuất 1802, vua Nguyễn Ánh lên ngôi

Nguyễn Phúc Ánh (thường gọi là Nguyễn Ánh) tức vua Gia Long, là người đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trong 18 năm trị vì đất nước (1802 - 1820), dù có nhiều công việc phải làm để củng cố vương triều nhưng Vua Gia Long cũng không quên việc phái quân ra biển, đảo để khẳng định chủ quyền trên biển mà nổi bật là những việc làm của ông tại quần đảo Hoàng Sa. Triều Nguyễn nói chung và Vua Gia Long nói riêng đã thấy được sự cần thiết việc hành trình ra Hoàng Sa bởi đây là nơi ở xa đất liền. Ðây là việc làm thể hiện tầm nhìn xa, vì Hoàng Sa là một quần đảo tiền tiêu nằm ở phía đông có liên quan đến chủ quyền của đất nước. Gia Long xem Hoàng Sa như một tấm bình phong che chắn những cuộc tấn công của các thế lực từ phía biển. Trong thời gian giữ ngôi, Vua Gia Long đã 3 lần phái quân ra Hoàng Sa thực hiện việc đo đạc thủy trình. Những việc làm của ông khẳng định tính thống nhất toàn vẹn của vương triều và phần biển đảo không thể tách rời với đất liền. Ngoài ra, ông còn là người mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời họ giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Cơ đốc. Dưới triều đại của ông, Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Ðông Dương, cùng Xiêm La phân chia ảnh hưởng đối với Chân Lạp.

5. Năm Bính Tuất 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Nếu như sự kiện ngày 2/9/1945 tại Quảng Trường Ba Ðình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì ngày 6/1/1946, cũng được xem là mốc son quan trọng trong lịch sử của đất nước, vì đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Như vậy chỉ hơn 4 tháng sau ngày Ðộc Lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử. Dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ. Cách mạng tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Quang cảnh phiên họp Quốc hội khóa I.

Quốc hội khóa I (nhiệm kỳ 1946 - 1960) với tên gọi lúc đó là: Nghị viện nhân dân, là khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Là nhiệm kỳ đầu tiên của cơ quan lập pháp tối cao, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua hai bản Hiến Pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và 3 Chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ðây thật sự là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top