Chợ phiên Tủa Chùa ngày xuân

08:36 - Thứ Năm, 08/02/2018 Lượt xem: 6620 In bài viết
ĐBP - Dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trở lại chợ phiên ngay tại trung tâm thị trấn huyện Tủa Chùa, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng khác hẳn mỗi dịp chợ phiên đơn thuần. Chợ phiên giáp tết đông đúc, tấp nập người mua, kẻ bán với những mặt hàng đa dạng, phong phú chỉ bán vào dịp tết. Chợ họp từ sáng sớm tới nhá nhem tối, đa số là người dân các dân tộc: Mông, Thái, Dao, Phù Lá... ở các xã: Mường Báng, Mường Ðun, Tủa Thàng, Tả Sìn Thàng, Sính Phình... mang hàng hóa và nông sản địa phương xuống trao đổi, mua bán. Bên cạnh đó, khá nhiều người dân, khách du lịch thập phương biết đến chợ phiên Tủa Chùa cũng đến tận nơi để đi chơi chợ và mua sắm hàng hóa.

Dẫn chúng tôi đi thăm chợ phiên, bà Bùi Thị Liên, Tổ trưởng tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tủa Chùa cho biết: Chợ phiên thị trấn Tủa Chùa họp vào chủ nhật hàng tuần, cứ mỗi phiên chợ thì khu trung tâm lại đông vui, nhộn nhịp lắm, nhưng dịp giáp tết âm lịch, chợ họp còn đông gấp 3 - 4 lần bình thường vì nhu cầu sắm tết của người dân; cũng vì thế mà bà con các xã trong huyện đều tập trung về đây, mang hàng hóa, vải vóc, trang phục dân tộc, thực phẩm, nông sản... xuống bày bán.

 

Người dân chọn mua váy truyền thống dân tộc Mông tại chợ phiên Tủa Chùa.

Hòa vào dòng người đi chợ phiên, chúng tôi như choáng ngợp bởi màu sắc sặc sỡ, đa dạng của những hàng bán vải, khăn và trang phục dân tộc tại chợ. Ở một gian hàng bán trang phục truyền thống dân tộc Mông, có những bộ váy Mông thêu tay đủ màu tươi tắn, khiến chị em phụ nữ tụ tập chọn mua khá đông. Chị Giàng Thị Hảy là người bán hàng, chia sẻ: “Dịp giáp tết hàng năm bà con dân tộc Mông thường sắm trang phục mới để diện tết, vì thế tôi mang khá nhiều hàng hóa từ xã Sính Phình xuống để bán. Trung bình mỗi chợ phiên giáp tết thế này tôi bán được từ 10 - 15 bộ áo, váy dân tộc Mông, đây đều là những sản phẩm do bà con trong xã tôi tự làm để bán vào dịp tết”.

Chị Giàng Thị Vinh, du khách tới từ TP. Ðiện Biên Phủ đã chọn mua được 1 bộ váy truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông ưng ý; chị phấn khởi cho biết: “Tôi đi 150km từ TP. Ðiện Biên Phủ lên đây để đi chợ phiên giáp tết. Chỉ có dịp này lên đây mới mua váy Mông truyền thống đẹp để diện tết và làm quà tặng cho người thân trong gia đình”.

Nếu như mỗi dịp chợ phiên thông thường, bà con họp chợ chủ yếu bán các nông sản địa phương, thực phẩm, vật dụng lao động... thì ở dịp chợ phiên giáp tết, chúng tôi thấy khá nhiều các sản phẩm “chỉ bán vào dịp tết” như: Hương, kẹo kéo ngô, mứt bí của dân tộc Xạ Phang; rượu Mông Pê, bánh dày, xôi nếp cẩm của dân tộc Mông... Cũng có những người dân xuống chợ chỉ mang theo vài cành đào rừng để bày bán hoặc vài chiếc khèn vừa đi vừa thổi nhưng cũng khiến không khí chợ phiên thêm phần nhộn nhịp, tươi vui và báo hiệu tết mới sắp đến gần. 

Ăn thử một miếng kẹo kéo ngô của người dân tộc Xạ Phang được bán tại chợ phiên, chúng tôi thấy có vị thơm ngậy, béo ngọt của ngô hòa quyện với mật ong. Ðây là món ăn khá lạ miệng, độc đáo của dân tộc Xạ Phang tại xã Lao Xả Phình. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hồ Thị Ngại - người bán kẹo, cho biết: “Kẹo kéo ngô là món ăn truyền thống của dân tộc chúng tôi. Hàng năm tôi chỉ làm vào dịp này để bán ở các phiên chợ giáp tết và hội xuân. Mỗi phiên chợ tôi bán từ 2 - 3 mẻ kẹo, thu lãi từ 300 - 400 nghìn đồng. Trẻ em và thanh thiếu niên thích món ăn này, đặc biệt du khách đến chợ phiên cũng mua nhiều để làm quà tết nên khá đắt hàng”.

Ðiều khiến chúng tôi ấn tượng tại chợ phiên giáp tết Tủa Chùa là dù mật độ người mua bán khá đông đúc, nhưng bà con trao đổi mua bán hàng hóa với giá cả phải chăng, không nói thách nhiều và không đề cao tính thương mại hay lợi nhuận. Dù bán được hay không ai nấy cũng vui vẻ, phấn khởi vì chợ phiên này đối với họ vốn là dịp gặp gỡ, thăm hỏi bà con, bạn bè gần xa sau những ngày lao động mệt nhọc. Ông Vừ A Ngài, gánh lu cở đi bộ từ xã Sính Phình xuống chợ phiên để bán thực phẩm, chia sẻ: “Thường ngày dân bản tôi đi làm nương hết. Phải đến khi có chợ phiên giáp tết, bà con bản tôi mới xuống chợ mua bán hàng hóa, vì thế chúng tôi mới có dịp gặp gỡ nhau. Tôi vui lắm, cả gia đình tôi ai nấy đã sắm được nhiều đồ mới để mặc vào dịp tết và đi du xuân”.

Xế chiều chợ phiên mới vãn người. Khi những gánh hàng, lu cở của người bán vơi đi nhiều cũng là lúc bao người dân khác đã sắm được những đồ dùng, trang phục, thực phẩm dành cho dịp tết. Ai nấy ra về trên những con đường mòn rời xa trung tâm thị trấn cũng với tâm trạng phấn khởi, lâng lâng sau một ngày chợ phiên vui tươi. Họ hẹn nhau phiên chợ xuân mới sẽ lại xuống, trao đổi mua bán thực phẩm, đồ dùng rồi gặp gỡ, giao lưu trong mối quan hệ cộng đồng thân thiện.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top