Thư viện tỉnh, những chia sẻ đầu xuân

08:44 - Thứ Năm, 08/02/2018 Lượt xem: 5042 In bài viết
ĐBP - Thư viện tỉnh tham gia Hội báo Xuân Mậu Tuất 2018 tỉnh Ðiện Biên không phải với tư cách đơn vị có xuất bản phẩm, mà là một đơn vị quảng bá tác phẩm tới công chúng yêu văn học - báo chí. Thực tế cho thấy gian trưng bày của Thư viện tỉnh thu hút nhiều người xem bởi cách bài trí khéo léo, bắt mắt, không chỉ thể hiện kinh nghiệm trình diễn (nghệ thuật sắp đặt) mà còn nói lên lòng yêu nghề của những thủ thư, giữa vô vàn những sản phẩm trí tuệ của 16 đơn vị bạn cùng tham gia Hội báo Xuân Mậu Tuất 2018...

 

Ðộc giả tham quan gian trưng bày sách, tạp chí của Thư viện tỉnh tại Hội Báo Xuân Mậu Tuất năm 2018.

Tại tiền sảnh Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhanh bà Lê Thị Hồng Ngọc - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh - người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Thư viện tỉnh thông qua gian trưng bày Hội báo Xuân Mậu Tuất 2018. Thông tin bà Lê Thị Hồng Ngọc cung cấp, trước hết là niềm vui dành cho những ai quan tâm tới các hoạt động của Thư viện tỉnh nói riêng và toàn bộ hệ thống các thư viện tuyến huyện (thị xã, thành phố) trên địa bàn tỉnh nói chung. Theo bà Lê Thị Hồng Ngọc, trưng bày báo xuân hàng năm là một hoạt động phù hợp và rất đặc trưng so với chức năng của Thư viện tỉnh, do vậy, ngay từ khi nhận được công văn mời tham gia Hội báo Xuân của Hội Nhà báo tỉnh, Ban Giám đốc Thư viện tỉnh đã họp bàn và lên kế hoạch thực hiện. “Với chúng tôi - bà Lê Thị Hồng Ngọc chia sẻ - trưng bày những ấn phẩm gì và trưng bày với số lượng bao nhiêu... không có gì khó. Mà cái khó nhất là trưng bày làm sao để hấp dẫn, không lặp lại mình, thể hiện được sự khác biệt căn bản giữa một đơn vị chuyên ngành với những đơn vị không cùng hệ thống...”.

Ðược biết trong năm qua, gắn với phương hướng, nhiệm vụ của ngành, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao &và Du lịch cùng với sự nỗ lực của đơn vị, hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ, củng cố và duy trì mọi hoạt động đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển sự nghiệp thư viện trong thời kỳ mới. Công tác thư viện đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của ngành, hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ, phát huy các giá trị vốn tài liệu hiện có của thư viện nhằm phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển chung của tỉnh. Thành công ấy là nhờ ở việc đội ngũ cán bộ được tăng cường, đoàn kết, nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới phương thức làm việc, có khả năng đáp ứng và hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, công tác tuyên truyền được tăng cường, có nhiều đổi mới về phương thức phục vụ bạn đọc do đó đã thu hút ngày càng nhiều độc giả đến sử dụng thư viện.

Nói về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong những năm gần đây, bà Lò Thị Thanh Hằng - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Thư viện tỉnh - cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách; bổ sung vốn sách báo với nội dung đa dạng phong phú, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, sở thích của bạn đọc, thời gian qua Thư viện tỉnh đã chủ động hướng dẫn bạn đọc khai thác và sử dụng vốn tài liệu hiện có, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc có thể sử dụng thư viện và tìm kiếm thông tin có hiệu quả nhất. Bên cạnh việc duy trì hình thức mượn, đọc cá nhân, thư viện khuyến khích cho mượn sách theo hình thức mượn tập thể cho cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, các trường học. Tổ chức tặng sách cho thư viện các đồn biên phòng, cấp thẻ đọc miễn phí cho bạn đọc có hoàn cảnh khó khăn, bạn đọc có thành tích xuất sắc trong học tập... nhằm thu hút đông đảo bạn đọc đến thư viện. Góp phần hình thành thói quen đọc sách và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Tại phòng đọc của Thư viện, em Trần Khắc Cường, học sinh Trường Trung học Cơ sở Mường Thanh (Thành phố Ðiện Biên Phủ), nói: “Nhóm bạn chúng cháu mỗi tuần đến đây 2 - 3 lần. Chúng cháu bạn nào cũng có thẻ đọc cá nhân, ngoài đọc tại chỗ chúng cháu còn mượn sách mang về nhà đọc. Chúng cháu thấy các cô thủ thư rất nhiệt tình và việc sắp xếp sách rất khoa học, tìm rất nhanh”. Ðược biết mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thư viện tỉnh tăng cường tập trung chỉ đạo khâu phục vụ bạn đọc; tăng đội ngũ thủ thư, tăng thời gian mở cửa phục vụ kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Theo đó, dịp Lễ hội Hoa ban, Thư viện tỉnh đã tiến hành mở cửa phục vụ bạn đọc vào cả các buổi tối thứ 7, chủ nhật (từ 19 giờ đến 21 giờ); thay đổi thời gian phục vụ cho phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của bạn đọc, hàng tuần mở cửa phục vụ từ thứ 3 đến chủ nhật.

Trong nỗ lực của mình, năm 2017 Thư viện tỉnh đã tổ chức “Ngày Hội sách và văn hóa đọc năm 2017”, Triển lãm tranh ảnh, sách báo chào mừng Ngày sách Việt Nam 21/4 và hưởng ứng ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, tại đơn vị thu hút hàng nghìn lượt độc giả ở mọi lứa tuổi tới dự, tham quan và đọc sách, báo. Bên cạnh đó, tổ chức trưng bày 8 cuộc triển lãm theo chuyên đề và giới thiệu sách mới tại Thư viện tỉnh, mỗi tháng phát hành trên 100 cuốn điểm báo “Ðiện Biên qua báo chí Trung ương” phục vụ lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh và đăng tải bản điện tử lên website của Thư viện tỉnh và Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðiện Biên, tạo nên một cơ sở dữ liệu địa chí dưới dạng toàn văn; xây dựng và giới thiệu 24 số video trong Chuyên mục “Sách và cuộc sống” đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Số truy cập của bạn đọc vào Trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh năm 2017 khoảng trên 130.000 lượt. Ðặc biệt, năm 2017, Thư viện tỉnh Ðiện Biên đã đoạt giải xuất sắc tại “Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách năm 2017”, tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi cái đều thuận lợi, ngược lại, như chia sẻ của Giám đốc Lò Thị Thanh Hằng, cho thấy ngân sách đầu tư cho hoạt động ngành thư viện còn rất hạn chế. Ðặc biệt là đối với thư viện cấp huyện ngoài vốn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia, hầu như hệ thống thư viện cấp huyện không có kinh phí để bổ sung nguồn sách, báo. Mặt khác, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh đã tác động không nhỏ đến hoạt động truyền thống của thư viện, lượng bạn đọc đến sử dụng thư viện có phần hạn chế chút ít so với các năm trước. Do thực hiện tiết kiệm nguồn kinh phí đầu tư, nên đã hạn chế đến một số hoạt động của thư viện tỉnh như: mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho cán bộ làm việc, quy mô của hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, báo chưa lớn; việc kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ cho thư viện cấp huyện và cơ sở hạn chế; đặc biệt là đầu tư cho công nghệ thông tin không kịp đáp ứng.

“Thông điệp” cuối cùng và cũng là chia sẻ đầu xuân mà bà Lò Thị Thanh Hằng muốn nhắn gửi, là nhiều năm qua hoạt động của thư viện cấp huyện chưa đồng đều, đội ngũ cán bộ thư viện chưa thực sự năng động, công tác tham mưu chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số thư viện và tủ sách trong hệ thống, cán bộ thư viện (thủ thư) phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác, lại thường xuyên bị thay đổi theo chủ trương luân chuyển cán bộ. Tại một số thư viện cấp huyện, tủ sách cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, bổ sung vốn sách và tổ chức các hoạt động thư viện còn hạn chế, do đó đã ảnh hưởng đến các hoạt động trong hệ thống thư viện nói chung trên địa bàn toàn tỉnh...

Bài, ảnh: Dương Thanh
Bình luận
Back To Top