Lễ hội Đền Hùng - Nơi hội tụ tín ngưỡng cầu mùa

15:22 - Thứ Tư, 07/03/2018 Lượt xem: 4695 In bài viết
Theo ý kiến của nhiều nhà Nhân học văn hóa, tín ngưỡng phồn thực thường phát triển mạnh mẽ hơn trong các nền văn minh nông nghiệp, trong đó có các nền văn minh nông nghiệp châu Á, mà nền văn minh nông nghiệp Việt Nam là một ví dụ.

Trên cơ sở địa - khí hậu Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á nói chung, tín ngưỡng phồn thực, có lẽ ra đời từ thời kì “Cách mạng đá mới”, có thể từ trước đó nữa. Bởi vì, từ thời kì Hậu Băng Hà, trái đất đã khô ráo, ấm áp, con người đã rời khỏi hang động ẩm thấp ra sống ngoài trời thoáng đãng với nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi xung quanh nơi ở. Đến lúc này, khi con người biết trồng trọt và chăn nuôi thì ước mong và lí tưởng nhân nhanh vật nuôi, cây trồng mới hình thành, kể cả bản thân con người, chủ thể của mọi hoạt động cũng cần được phát triển. Từ thời đó, ước mong sinh sôi, phát triển vật nuôi, cây trồng cũng đã nảy nở trong tâm trí con người. Vì vậy có thể từ thời đó, ước mơ sinh sôi, nảy nở đã được tôn sùng trở thành tín ngưỡng nguyên thủy mà sau này được đúc rút thành thuật ngữ mang tính chất bao quát: Sinh, thực, khí. Cho nên, sùng bái sinh, thực, khí chính là hạt nhân của tín ngưỡng phồn thực.

 

Để duy trì sự sống và nòi giống,con người đã có những ước mong, sao cho có nhiều “cái ăn” để tồn tại và có những “khí cụ” để duy trì nòi giống. Từ đó đã sing ra hạt nhân của sinh sôi, nảy nở và phát triển mà ngày nay gọi là tín ngưỡng phồn thực. Về phạm vi của thuật ngữ này có thể còn nhiều yếu tố khác, như đối với cư dân nông nghiệp thì sinh, thực, khí chính là những yếu tố cơ bản nhất cho việc sinh sôi, nảy nở. Cũng vì thế ba thành tố này trở thành hạt nhân của tín ngưỡng phồn thực.

Thứ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp này đã coi ba thành tố hạt nhân trên làm nên sự sống của mình. Muốn cho những SỰ SỐNG đó được duy trì và phát triển, những sự sống đó phải được linh thiêng hóa. Sự sùng bái sự sống đó chính là sự sùng bái những năng lượng THIÊNG, những năng lượng tạo nên sự sinh sôi, nảy nở. Cho nên, nói đến tín ngưỡng phồn thực phải thấy được mối quan hệ biện chứng, đan quyện vào nhau là phồn thực - tính dục - tôn giáo.

Những năng lượng thiêng liêng này muốn thiêng liêng hơn phải mượn tính tôn giáo mà nhiều người gọi là cái HUYỀN bên cái THỰC, mà cái huyền là chủ yếu. Giữa cái thực và cái huyền thường đan quyện vào nhau, không tách rời. Mặc dù vậy, trong tư duy nguyên thủy thì cái huyền chi phối cái thực, cái hữu hình (khí cụ) thường bị cái vô hình chi phối. Do đó, cái huyền được tạo thêm cái linh thiêng (cái chất tôn giáo). Thờ cúng sinh, thực, khí chính là thờ cái THIÊNG này, cái chất tôn giáo ẩn trong những cái thực, những khí cụ mang tính biểu tượng của những năng lượng thiêng sinh thành.

Trên cơ sở quan niệm như thế, thờ cúng Hùng Vương chính là thờ cúng năng lượng thiêng, không chỉ tạo ra nòi giống Việt Nam mà còn tạo ra sự sinh sôi, nảy nở những gì nuôi sống cư dân thời Hùng Vương như vật nuôi, cây trồng… sao cho “phong đăng hòa cốc”, “người an”, “vật thịnh”. Sự cầu mong đó, những cái thực của sự cầu mong đó phải được thiêng hóa (tôn giáo hóa) cho dù đó là thứ tôn giáo nguyên thủy (tôn giáo của xã hội chưa có giai cấp), tôn giáo đa thần.

Tuy thời Hùng Vương đã có vua (có tới 18 đời vua), nghĩa là đã có tôn giáo độc thần, nhưng với nền tảng văn minh nông nghiệp như ở nước ta, các hình thái tôn giáo đa thần vẫn là phổ biến. Cơ sở của loại hình tôn giáo đa thần thực ra là sùng tín, thờ cúng nhiều loại thần linh, chủ yếu là các loại nhiên thần, thiên thần. Những loại thần linh đó còn được gọi là tín ngưỡng dân gian, là các lực lượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, gió, bão hay các thần sông, thần núi, thần cây cối… Các lực lượng đó thường là vật vô tri vô giác, nhưng đã được nhân hóa thành các vị anh hùng văn hóa, có thân phận, lí lịch hẳn hoi, có cái tốt, cái xấu rõ ràng để gần gũi với con người hơn, giúp đỡ con người và vật nuôi, cây trồng sinh sôi, nảy nở theo mong ước của con người.

Vì vậy, khi nói là thờ cúng Vua Hùng, thực ra là nói đến sự sinh sôi, nảy nở, thờ cúng các lực lượng SINH, THỰC, KHÍ. Bởi vì, nguồn gốc sinh ra các Vua Hùng cũng nằm trong phạm trù năng lượng thiêng của sinh, thực, khí. Cả 3 thành tố tạo nên năng lượng thiêng đó cũng là các loại nhiên thần. Mẹ Âu Cơ đại diện cho thế giới dương, trên cạn, thậm chí là ở trên trời (tượng trưng cho một loài chim biết bay trong không trung). Cha Lạc Long Quân biểu tượng cho thế giới nước, ở bên dưới, còn gọi là thế giới âm, âm dương hòa hợp, kết hợp thành một năng lượng thiêng sinh sôi, nảy nở. Truyền thuyết là như vậy, khi có âm dương kết hợp tất sẽ có sinh sôi, nảy nở và phát triển đông đúc. Số lượng hàng trăm trứng trong bọc thai thực ra cũng là con số biểu tượng cho số nhiều, sinh nở ra con đàn, cháu đống, cho sự sinh sôi, phát triển. Đó chính là nguyên lí của sinh, thực, khí, năng lượng của tín ngưỡng phồn thực, mà ta thường gọi là tín ngưỡng cầu mùa.

P.V (Theo Báo Phú Thọ)
Bình luận
Back To Top