Đồng bào Mường Thanh Sơn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

14:52 - Thứ Ba, 13/03/2018 Lượt xem: 5710 In bài viết
Ở vùng Đất Tổ Phú Thọ đến nay vẫn còn dày đặc các di sản văn hóa với hàng nghìn di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và nhiều lễ hội truyền thống, trò diễn, dân ca nghi lễ, diễn xướng dân gian. Mỗi nơi thờ tự đều liên quan tới các hoạt động thời vua Hùng và không gian văn hóa thời đại Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ thời đại các vua Hùng với niềm tin cả dân tộc có cùng chung giống nòi, con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn cội, đồng thời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự gắn kết cả cộng đồng. Đối với đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống trong kho tàng miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam trên quê hương đất Tổ Vua Hùng.

 

Diễn xướng cồng chiêng của đồng bào Mường tại lễ hội đình Thạch Khoán.

Chiếm hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, đồng bào Mường Thanh Sơn đã và đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được biểu hiện dưới các hình thức đa dạng, điển hình là việc Vua Hùng được thờ cúng chung với nhiều nhân vật như: Tản Viên Sơn Thánh (con rể Vua Hùng); các vị Công chúa: Tiên Dung, Ngọc Hoa, Mỵ Nương (con gái Vua Hùng); các vị tướng thời Vua Hùng…

Đến ngôi Đình Cả, xóm Chiềng, xã Tất Thắng, được gặp gỡ cụ Đinh Minh Hương, nghệ nhân lâu đời trên mảnh đất này, ông cho biết: Xã Tất Thắng chủ yếu có đồng bào Mường sinh sống. Chúng tôi luôn tôn trọng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đình Cả thờ Tản Viên Sơn Thánh - con rể Vua Hùng Vương thứ 18 và các vị anh hùng dân tộc Mường có công khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm. Đồng bào Mường nơi đây đều tự hào khi quê hương mình có ngôi Đình ông cha để lại, là nơi tâm linh để hàng năm vào ngày lễ bà con được đến thắp hương tri ân công lao anh hùng có công với nước.

Năm 2010 bằng nguồn kinh phí Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân, Đình Cả được khôi phục lại ở vị trí cũ. Đây là niềm vui chung của bà con nhân dân xã Tất Thắng khi ngôi Đình được phục dựng, trùng tu, tôn tạo với diện mạo mới, trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của địa phương. Đình được xây dựng với nét kiến trúc truyền thống nên dù kết cấu bê tông vẫn mang lại cảm giác thanh tịnh, bình yên. Nó không chỉ là nơi thể hiện niềm thành kính, tri ân công đức với Thánh Tản Viên Sơn mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng.

Hiện nay, Đình không còn giữ nhiều hiện vật cũ nhưng chứng tích còn lại thể hiện việc tích cực giữ gìn di sản của chính quyền cũng như nhân dân trong xã. Từ việc tổ chức ngày hội làng, các chương trình diễn xướng dân gian đã giúp đời sống tinh thần của bà con đồng bào Mường được nâng lên, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống và loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Có thể thấy, để bảo tồn di sản vùng cao cần sự quan tâm, đầu tư kinh phí của chính quyền nhưng trên hết vẫn là tinh thần và ý thức của bà con nhân dân.

Ông Đinh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tất Thắng cho biết: Ngoài việc tổ chức tốt lễ hội, xã còn huy động đóng góp của nhân dân, con em trong và ngoài địa phương góp công sức trùng tu, tôn tạo để ngôi đình thực sự là trung tâm văn hóa tâm linh của người Mường nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung.

Tồn tại theo không gian văn hóa ấy, Đình Thạch Khoán là ngôi đình cổ duy nhất của người Mường trên đất Phú Thọ. Ngoài thờ đức thánh Tản Viên Sơn; các anh hùng có công khai sơn lập địa, đánh giặc gìn giữ quê hương trong buổi đầu dựng nước, được các triều vua sắc phong, sử sách lưu danh, Đình còn thờ các Mỵ Nương (Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, Thuỷ Tiên công chúa) con gái Vua Hùng. Nơi đây còn bảo tồn được hệ thống các bức hoành phi cổ. Đình cũng là nơi để con cháu xa gần nhớ ngày Giỗ Tổ tìm về với quê hương, nguồn cội, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Mường và nhân dân trong vùng.

Nhìn chung, gắn bó với tục thờ cúng tổ tiên của người Mường trong đó người có công khai sơn lập quốc, Thánh Tản Viên Sơn là nhân vật được đồng bào tôn thờ bao đời nay. 10/10 di tích đã xếp hạng ở Thanh Sơn đều thờ đức Thánh Tản. Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đòi hỏi vừa huy động sự tham gia tối đa của cả cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, vừa phải nâng cao năng lực quản lý của các cấp trong việc bảo vệ di sản để việc bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với đồng bào Mường vừa thiêng liêng, cụ thể, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước. Thực tế cho thấy, đồng bào Mường Thanh Sơn bảo tồn khá tốt các loại hình di sản văn hóa gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để tiếp tục duy trì, phát huy và khai thác tốt các giá trị của di tích lịch sử văn hóa trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn nói chung, đồng bào dân tộc Mường nói riêng tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn, tôn tạo di tích, đặc biệt là đầu tư khu di tích gắn với phát triển du lịch thông qua việc tổ chức lễ hội; phối hợp chặt chẽ với địa phương để xây dựng ý thức bảo vệ trong quần chúng. Phát huy sức mạnh của các cấp, ngành, toàn dân tham gia tôn tạo, phát triển di tích gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa; phát triển du lịch, thu hút mọi nguồn đầu tư cho phát triển du lịch văn hóa của huyện, góp phần làm cho di tích trở thành cầu nối quan trọng của du lịch cội nguồn. Và với đồng bào Mường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa quê hương mình cũng là một cách để không gian văn hóa Hùng Vương được duy trì bền vững.

Theo Báo Phú Thọ
Bình luận
Back To Top