Công tác trùng tu, tôn tạo di tích Ðiện Biên Phủ

Trận Trần Ðình trong nỗ lực phục dựng

09:03 - Thứ Năm, 29/03/2018 Lượt xem: 7437 In bài viết
ĐBP - Mới đây, tại trụ sở cơ quan Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên, chúng tôi có buổi làm việc với ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc và ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về công tác trùng tu, tôn tạo các điểm di tích chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Phạm Việt Dũng cho biết tại thời điểm này tỉnh ta đang trình Chính phủ một Ðề án tổng thể, tầm nhìn đến năm 2030, với nhiều kỳ vọng được gửi gắm...

 

Du khách tham quan Cụm tượng trong Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Theo ông Ðoàn Văn Chì, về cơ bản các dự án đã triển khai đều đạt được mục tiêu chính là bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích thông qua đó để giới thiệu, tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ, đồng thời góp một phần quan trọng vào phát triển du lịch, tăng thu ngân sách cho địa phương, tôn vinh chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Nhiều dự án được Ðảng, Chính phủ, ngành chủ quản và đồng bào cả nước đánh giá cao, tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách khi lên thăm và làm việc tại Ðiện Biên Phủ. Hiện nay, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy: Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ gồm 45 điểm thành phần, nằm trải rộng trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, huyện Ðiện Biên, thành phố Ðiện Biên Phủ và được hình thành từ hai hệ thống thuộc 2 bên tham chiến. Hệ thống thứ nhất là các di tích liên quan đến trận địa phòng ngự của quân Pháp (gồm 23 điểm), tiêu biểu là di tích Trung tâm Tập đoàn cứ điểm (Mường Thanh), nơi tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh cao nhất: Hầm chỉ huy của tướng Ðờ Cát; hầm chỉ huy pháo binh của Pi Rốt; các trận địa pháo; xe tăng; sân bay Mường Thanh; cầu Mường Thanh; một số trung tâm đề kháng phía Ðông và phía Tây; các cứ điểm phòng thủ, các điểm hỏa lực, lá chắn bảo vệ vòng ngoài phân khu trung tâm. Các cứ điểm này tập trung trong hai phân khu: Phân khu Bắc (gồm Him Lam, Ðộc Lập, Bản Kéo) và phân khu Nam (Hồng Cúm). Ngoài ra còn rất nhiều cứ điểm thuộc phân khu trung tâm như: 5 cao điểm phía Ðông (A1, C1, C2, D1 và E1).

Hệ thống thứ hai là các di tích gắn với Quân đội nhân dân Việt Nam (gồm 22 điểm), được phân loại như sau: Căn cứ Sở chỉ huy Chiến dịch (thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên hiện nay). Ðây là trung tâm Sở chỉ huy Chiến dịch từ ngày 31/1/1954, là nơi quyết định mọi chủ trương, kế hoạch chiến đấu đến ngày chiến thắng. Tại đây có nơi ở và làm việc của các tướng lĩnh, các cơ quan tham mưu, cố vấn cao cấp nhất của Bộ Chỉ huy Chiến dịch và Ðảng ủy mặt trận, cũng là nơi làm việc, hoạt động của chính quyền địa phương (ủy ban Hành chính kháng chiến). Các địa điểm di tích phục vụ chiến dịch gồm nơi tập kết hậu cần, cứu chữa cho thương bệnh binh, vận chuyển vũ khí đạn dược cho chiến dịch như đèo Pha Ðin, hang Thẩm Púa (Tuần Giáo), đường kéo pháo bằng tay... Các trận địa tấn công của quân ta bao gồm trận địa pháo 105mm, trận địa pháo H6... hệ thống hầm hào chiến đấu, trận địa vây hãm và tiến công...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện không phải tất cả đều thuận lợi mà ngược lại, có những công trình, những hạng mục gặp rất nhiều khó khăn, trục trặc về nhiều mặt cả khách quan lẫn chủ quan... Trước hết, đây là dự án khôi phục bảo tồn, tôn tạo một khu di tích lịch sử quan trọng với đặc điểm là một di tích chiến trường (chủ yếu là hầm hào, công sự, lô cốt). Phạm vi thực địa quá rộng, trong khi đó thời gian, sự kiện lịch sử diễn ra đã khá lâu (từ năm 1954 đến nay), phần lớn di tích đã và đang bị mai một, các nhân chứng không còn nhiều, các tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng dự án lại tản mạn và ngay cả khi có tài liệu trong tay cũng phải đối chiếu, kiểm tra độ tin cậy, chính xác khách quan.

 

Lễ yên vị lư hương trước Tượng đài chiến thắng.

Ông Phạm Việt Dũng cho biết: Tháng 4/1962, quần thể di tích Ðiện Biên Phủ được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận, tuy nhiên, đó mới là công nhận “đặc cách” chứ chưa có hồ sơ di tích. Do vậy, đến nay việc bảo tồn, tôn tạo một cách toàn diện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Tình hình chung là thủ tục, trình tự để phê duyệt và thực hiện đầu tư dự án lại rất phức tạp; ngoài việc tuân theo Luật Xây dựng và Luật Ðấu thầu, còn phải tuân theo Luật Di sản Văn hoá và Quy chế Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Hơn nữa, phải có đủ hai lần thoả thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đó là thỏa thuận dự án và thoả thuận bản vẽ thiết kế, thi công. Ðơn cử như 2 công trình quan trọng là Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Ðiện Biên Phủ và Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đều là các công trình văn hóa liên quan đến chiến dịch và mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, nên phải có thời gian nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng, công tác tư vấn lập dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị tư vấn có chức năng lập dự án, thiết kế bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử chiến tranh quân sự rất ít lại thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong khâu lập dự án, thiết kế, phần lớn kéo dài thời gian so với hợp đồng.

Ðây là lần đầu tiên tỉnh ta thực hiện một dự án có tính đặc thù lớn như vậy, cho nên chưa có nhiều kinh nghiệm được tích lũy. Tỉnh lại ở xa Trung ương nên việc quan hệ, phối hợp để xin ý kiến hướng dẫn, giúp đỡ của các bộ, ngành chức năng; việc theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện đối với các đơn vị tư vấn, còn nhiều hạn chế và đó cũng là những thiệt thòi cho tỉnh trong khâu chỉ đạo, điều hành, thiệt thòi cho ngành chức năng trong khâu triển khai thực hiện. Mặt khác, thời gian để thực hiện giai đoạn I của dự án là quá ngắn, trong khi đó để chuẩn bị thực hiện một dự án tu bổ, phục hồi di tích lịch sử hay xây dựng công trình tượng đài chiến thắng, phải tốn rất nhiều thời gian, khác xa với việc xây dựng một công trình dân dụng thuần túy. Khâu giải phóng mặt bằng tuy đạt được kết quả khá quan trọng, đã giải toả được những điểm rất bức xúc khó khăn từ nhiều năm, nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định trong việc tổ chức, phối hợp đồng bộ thực hiện giữa các ngành, các cấp, các đơn vị và nhất là ý thức tự giác, tinh thần hợp tác của một số gia đình sống gần các điểm di tích.

Nói về những khó khăn khách quan, Giám đốc Phạm Việt Dũng chia sẻ: Tỉnh ta nằm trong vùng đất khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, sự biến đổi khí hậu theo hướng cực đoan, khu vực lòng chảo Mường Thanh luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ngập úng hàng năm về mùa mưa... vì vậy di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ luôn đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại và xuống cấp cho dù công tác bảo dưỡng vẫn được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, những tác động từ quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế như việc tỉnh có chủ trương tiếp tục đầu tư, mở rộng nâng cấp thành phố Ðiện Biên Phủ lên đô thị loại II và hiện đang triển khai quy hoạch phát triển thành phố Ðiện Biên Phủ về phía Ðông, đều là những yếu tố tác động đối với công tác bảo vệ, tôn tạo, phục dựng di tích. Mặt khác, ý thức về trách nhiệm bảo vệ di tích của một bộ phận người dân địa phương nơi có các điểm di tích chưa cao; do yếu tố lịch sử để lại nhiều điểm di tích trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ hiện tại có nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ của di tích, là nguyên nhân nhiều điểm di tích vẫn tiếp tục bị người dân lấn chiếm, san lấp, rất khó khăn cho công tác khoang vùng, cắm mốc, giải tỏa và xác lập quyền sử dụng đất sau này.

Mặc dù di tích trận đánh Ðiện Biên Phủ (mật danh là Trần Ðình) rất nổi tiếng, được thế giới biết đến và quan tâm song do quy mô tổng thể di tích chiến trường xưa bị thu hẹp, phân tán, chia cắt; các yếu tố gốc hiện còn lưu giữ được không đầy đủ vì vậy chưa phản ánh được đầy đủ quy mô, cục diện chiến trường, chưa gây được gây ấn tượng đặc biệt về chiến trận xưa; các hiện vật trưng bày còn nghèo nàn; việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, xây dựng hạ tầng khu di tích tuy đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ, chưa tương xứng... vì vậy chưa mang lại sự hài lòng đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top