Thêm điều kiện gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Lào

09:00 - Thứ Năm, 05/04/2018 Lượt xem: 9015 In bài viết
ĐBP - Người Lào tuy không phải dân tộc có nguồn gốc bản địa tại huyện Ðiện Biên nhưng đã sinh sống nhiều thế hệ tại mảnh đất này, trở thành một trong những cộng đồng dân tộc tiêu biểu, giàu truyền thống, góp phần làm đa dạng sắc màu văn hóa địa phương.

 

Người dân tộc Lào bản Na Sang 1 chơi trò chơi dân gian trong ngày vui của bản.

Tại huyện Ðiện Biên, phần lớn người Lào sinh sống ở 15 bản thuộc các xã: Pa Thơm, Núa Ngam, Phu Luông, Mường Lói, Mường Nhà. Trong đó có 6 bản người Lào sống tập trung, còn lại là xen kẽ với các dân tộc khác. Dù không hoàn toàn hình thành những cộng đồng gắn kết chặt chẽ nhưng những nét đẹp truyền thống của dân tộc vẫn được các gia đình người Lào gìn giữ, lưu truyền. Và chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một người phụ nữ dân tộc Lào, một nhóm dân cư Lào thông qua một số đặc trưng tộc người, cơ bản nhất là trang phục truyền thống cùng hoa văn thổ cẩm trên khăn, váy, áo… Các nghi thức, lễ hội truyền thống của dân tộc Lào còn được bảo tồn khá tốt, như phong tục đám cưới, đám tang, cúng bản cúng mường, đón tết cổ truyền… Chị Vi Thị Dung, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên, đồng thời là người dân tộc Lào trên địa bàn, cho biết: Ðồng bào người Lào trên địa bàn huyện vẫn còn giữ được nhiều phong tục truyền thống. Hầu hết phụ nữ dân tộc Lào vẫn biết và thường xuyên thêu dệt các sản phẩm thủ công, tự làm khăn, váy, áo cho bản thân. Dân ca, dân vũ truyền thống cũng vậy, khi trống chiêng, nhạc cụ dân tộc nổi lên, người Lào lại say trong các điệu múa. Âm nhạc, hát, múa truyền thống như đã ngấm vào máu mỗi người dân tộc Lào từ khi còn bé. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa được bà con rất coi trọng.

Một trong những cộng đồng dân tộc Lào tiêu biểu không chỉ của huyện Ðiện Biên mà của toàn tỉnh là bản Na Sang 1, xã Núa Ngam. Các nghi lễ dân gian, lễ hội truyền thống của dân tộc được người dân nơi đây thực hiện rất nghiêm túc và đầy đủ. Na Sang 1 vẫn duy trì nhà thờ dựng tại khu rừng phía trên của bản, là nơi thực hiện những nghi thức tâm linh quan trọng. Bà Lường Thị May, người dân trong bản, nghệ nhân văn hóa dân gian dân tộc Lào, cho biết: Các hoạt động văn hóa truyền thống vẫn được người dân bản Na Sang 1 thực hiện hàng năm. Có thể kể đến là lễ cúng chiều 30 tết rước tổ tiên, thần linh về ăn tết với bản, cầu những điều tốt lành cho bà con trong năm mới; xin nước cầu mưa cầu nắng trong ngày đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; tết té nước (bun huột nặm) tẩy rửa những điều xui xẻo, mong một năm thuận lợi, may mắn… Cùng với các nghi thức là các trò chơi dân gian phần hội độc đáo, sôi nổi, mang đậm bản sắc dân tộc như: ba ba ấp trứng, rắn ăn ếch… phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày của người dân. Vào những ngày vui này, phụ nữ trong bản từ già đến trẻ đều mặc trang phục truyền thống, say sưa điệu múa lăm vông trong tiếng trống chiêng rộn rã.

Tại các bản người Lào khác, việc bảo tồn văn hóa truyền thống cũng được quan tâm thực hiện. Dù sinh ra trong xã hội hiện đại, lớp trẻ ngày nay vẫn yêu văn hóa cổ truyền, chủ động học hỏi các bài ca, điệu múa đặc trưng của dân tộc. Ðể góp phần gìn giữ nét đẹp ấy của đồng bào dân tộc Lào tại địa bàn, ngành Văn hóa huyện Ðiện Biện đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Từ năm 2014, ngành đã thực hiện bảo tồn tết té nước (bun huột nặm) tại bản Na Sang 1 và khôi phục một số nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Lào, như: Khèn bè, tăng bẳng, đàn cổ… Ðồng thời, trong các chương trình, sự kiện văn hóa từ cấp xã đến cấp tỉnh, thường xuyên khai thác các yếu tố dân gian địa phương của người Lào, mời đội văn nghệ các bản dân tộc Lào giao lưu, biểu diễn. Thổ cẩm dân tộc Lào cũng được quan tâm, định hướng phát triển thành sản phẩm văn hóa - du lịch bằng việc thành lập và hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ cho Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang 2 (xã Núa Ngam). Với những động thái này, cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn không chỉ thấy sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước trong bảo tồn, gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình mà còn tự nhận thức được trách nhiệm bản thân, từ đó góp sức nhiều hơn cho trong công tác này.

Ðể nhân lên phong trào, trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện dự định trong thời gian tới có thể thực hiện phục dựng lễ tắm Phật (đón năm mới) tại bản Lói, xã Mường Lói và bảo tồn lễ cưới truyền thống dân tộc Lào trên địa bàn. Ðặc biệt, mới đây, niềm vui đến với cộng đồng dân tộc Lào khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tết té nước (bun huột nặm) của người Lào bản Na Sang 1 là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và ngày 13/4 tới, UBND huyện Ðiện Biên sẽ tưng bừng tổ chức lễ công bố, trao chứng nhận di sản trong ngày chính hội bun huột nặm được tổ chức thường niên tại bản. Với sự ghi nhận này, người Lào càng thêm tự hào và có điều kiện, động lực gìn giữ, phát huy hơn nữa phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc vốn có của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top