Khơi nguồn hạt giống dân gian

09:33 - Thứ Ba, 10/04/2018 Lượt xem: 5891 In bài viết
Có một chủ đề rất đỗi thân quen là diễn xướng ở Nam bộ, nhưng không phải ai cũng tỏ tường. Đó chính là lý do khiến một ê kíp gồm rất nhiều người trẻ tâm huyết quyết định làm nhịp cầu nối để những hạt giống ấy được ươm mầm và phát triển. 

Nối mạch văn hóa

“Cái gì đến lúc đi thì phải đi, đến lúc mất thì phải mất. Vấn đề là mình muốn có sự liên tục trong mạch phát triển văn hóa, chứ thật ra mình không phải là người bảo thủ, cũng không muốn “ăn mày dĩ vãng”. Bây giờ, nếu những cái mới đi nhanh quá, bỏ lại những loại hình văn hóa có giá trị tinh thần với ông bà ngày xưa, thì ai sẽ chịu thiệt thòi? Là người trẻ…”, chia sẻ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, diễn giả của diễn xướng Nam Bộ, chia sẻ. Đó cũng là tâm niệm của các thành viên nhóm Cultural Community Discourse (CCD) - Đối thoại Văn hóa cộng đồng, khi quyết định thực hiện chương trình này. Đây là chuỗi chương trình nhằm giới thiệu các hình thức diễn xướng dân gian đã và đang tồn tại ở Đồng Nai - Gia Định xưa và miền đất TPHCM - Nam bộ ngày nay trong suốt chiều dài 400 năm lịch sử, mở màn với kỳ 1 mang tên “Khảy nhịp tang tình”.  

 

Không gian buổi gặp gỡ đầu tiên diễn ra tại TPHCM trong đêm chủ nhật (8-4) đã tái hiện một phần hình ảnh của vùng đất Nam bộ với phiên chợ quê giản dị gồm những loại bánh, trái cây đặc sản, đồ thủ công làm từ mây tre... Ở một góc thanh bình khác, hình ảnh chiếc chõng tre, những phần trình diễn đàn tranh, đàn tỳ bà ngoài trời, đã tạo cho người tham dự một trải nghiệm thú vị, xuôi dòng về phương Nam. Những tà áo dài với khăn rằn quàng cổ cũng điểm tô thêm nét xưa, vẻ mộc mạc của những con người vùng đất mới.  

Không đao to búa lớn, bởi mục đích chính của chương trình chỉ là “tìm lại những hạt giống văn hóa dân gian và khơi nó lên” nên diễn xướng Nam bộ chọn lối đi giản dị và gần gũi. Trong khoảng 2 tiếng đồng hồ của sự kiện, hình thức thể hiện được dẫn dắt thông qua thước phim tài liệu Gia Định - Sài Gòn: Điệu hát, Câu hò ngày ấy, với phần diễn giải, minh họa của diễn giả, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Sự chắt lọc những kiến thức ngồn ngộn về các hình thức diễn xướng Nam bộ, từ trữ tình dân gian, tự sự dân gian cho đến diễn xướng tổng hợp, khiến không khí buổi giao lưu trở nên thân mật, cởi mở. Mạch ngầm văn hóa trong suốt chiều dài 400 năm lịch sử vùng đất Nam bộ đã chảy một cách bình lặng, tạo thêm những mạch nguồn mới đến những khán giả mới, những thông điệp ý nghĩa lan tỏa. 

Tinh thần trẻ

Trong sự kiện mở màn của loạt chương trình, chất trẻ, tinh thần trẻ có lẽ là điểm nổi bật. Những người trẻ đến với chương trình bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có những clip chia sẻ về những câu hò, điệu lý, lời hát ru... mà nhiều người ban đầu còn e ngại mình hát sai, hát dở. Trong số hàng trăm khán giả đến với sự kiện, ngoài một bộ phận khán giả lớn tuổi, người trẻ chiếm phần đông. 

Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mang trong mình cả sự tò mò, háo hức và niềm đam mê khám phá văn hóa phương Nam. Họ cũng là người góp phần tạo nên không khí cởi mở khi nhiệt tình tham gia vào những phần giao lưu, thay nhau hát ru, hò, hát lý, hát đối đáp, thi nói thơ Vân Tiên… Những ca từ bình dị mà thân thương, quen thuộc như: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chày thức đủ vừa năm”, cho đến “Rằng a í a ta dìa, lòng thương nhớ thương”, rồi lại “Sông quê nước chảy đôi bờ, để em chín dại mười khờ thương anh”… đã khơi lên những cảm xúc mộc mạc, gần gũi.   

“Tôi thấy chương trình rất ý nghĩa. Vì nó làm mình nhớ lại những ký ức thời thơ ấu, cũng được nghe những điệu hò, điệu lý như vậy. Chú diễn giả nói chuyện rất duyên dáng và kể về sự hình thành, phát triển các thể loại nhạc đối đáp xưa của Nam bộ khá hấp dẫn. Đến chương trình này mới biết nhiều bạn trẻ vẫn cố gắng tìm hiểu về cội nguồn và văn hóa truyền thống”, bạn Hồ Thanh Bình (ở quận 3, TPHCM) chia sẻ cảm xúc sau khi tham gia chương trình.  

Như chia sẻ của Thanh Bình, chất xúc tác khiến người trẻ hào hứng với chương trình nằm ở người diễn giả. “Không phải chúng ta tôn sùng văn hóa xưa nhưng chúng ta cần giới thiệu những nét văn hóa mà ông bà ta đã từng yêu thích và giải thích một cách dễ hiểu nhất nét đặc trưng của những trào lưu văn hóa này. Để từ đó, các bạn trẻ biết được văn hóa Việt có gì, có như thế nào, nét chấm phá ra sao. Chúng ta chỉ là bày thêm nhiều món ăn văn hóa có hương vị khác nhau và để quyền lựa chọn lại cho các bạn đương thời”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tâm sự.   

Ngoài vốn tri thức đồ sộ khi là tác giả của hơn 70 công trình nghiên cứu, đầu sách, nhất là các sách về văn hóa, mỹ thuật và tâm linh, tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ, ở nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng còn có sự hài hước. Lối kể chuyện, diễn giải và cả minh họa bằng lời hát của ông khiến khán giả không ít lần bật cười thích thú. Lục Phạm Quỳnh Nhi, cô gái vừa bước qua tuổi 20, đảm nhận phần dẫn dắt câu chuyện, cho thấy ngoài niềm đam mê còn có sự duyên dáng, hiểu biết và ham học hỏi.  

Diễn xướng Nam bộ số đầu tiên vẫn còn những điều tiếc nuối. Bởi với khối lượng đồ sộ, chương trình chắc chắn mới chỉ chạm vào bề nổi của tầng di sản văn hóa trù phú ở miền đất phương Nam. Đây có lẽ cũng là thử thách cho những người thực hiện. Hy vọng chương trình sẽ dần hoàn thiện, đi sâu vào từng loại hình diễn xướng, bởi theo kế hoạch, sẽ có 10 số trong chương trình này. Bên cạnh đó, nếu tái hiện được những màn trình diễn nguyên bản của một số loại hình diễn xướng, đồng thời tăng tính tương tác với khán giả..., tính thuyết phục của chương trình sẽ càng cao hơn.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top