Chuyện xúc động nhà bà Tâm

08:51 - Thứ Năm, 19/04/2018 Lượt xem: 6802 In bài viết
ĐBP - Kết thúc Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1968, ít lâu sau, gia đình bà Tâm và ông Thành nhận giấy báo tử của người con thứ hai đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị. Sự mất mát đau thương của đình bà Tâm và ông Thành và bao gia đình khác là vô cùng to lớn. Tuy nhiên ông bà còn hy vọng người con cả sẽ trở về sau những ngày chiến thắng vẻ vang.

 

Sáng hôm ấy, trời lất phất mưa phùn, bà Tâm đang chăm bón cho vườn cải trước cửa nhà thì cô giáo Hồng dẫn một tốp học sinh chừng hơn 10 cháu, trên tay các cháu là xẻng, dao, chổi… Thấy bà Tâm đang lúi húi trong vườn rau, cô giáo Hồng gọi:

- Bà ơi bà! Chúng cháu chào bà. Mưa gió thế này mà bà cũng ra làm vườn à?

- Ôi! Chào cô giáo, bà chào các cháu!

Cô Hồng:

- Dạ, năm nào cũng vậy, đến ngày thương binh liệt sĩ là cháu lại dẫn các em học sinh đi thăm hỏi và làm vệ sinh giúp các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh và những người có công với dân, với nước đấy bà ạ!

Bà Tâm:

- Ôi! Thật là quý hóa quá! Cô giáo và các cháu đến đây là tôi vui lắm rồi. Nhà có đàn trẻ nhỏ đến, nó ríu rít như đàn chim ấy, những ngày này các cháu đến thăm gia đình tôi là tình nghĩa lắm rồi, vui vẻ lắm rồi, còn bắt các cháu làm làm gì nữa.

- Bà ơi! Cao tuổi như bà thế này mà ngày nào cháu cũng thấy bà đi làm vườn, rau của bà lúc nào cũng thấy xanh tốt. Bà cứ để chúng cháu làm cỏ, bắt sâu với bà cho vui thôi mà.

Cô giáo Hồng cùng làm cỏ bắt sâu trong vườn rau ngót với bà Tâm, hai người vừa làm vừa nói chuyện. Cô giáo Hồng luôn kể với bà Tâm về truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa với các gia đình thương binh liệt sĩ, anh chị em thương binh và những người có công với nước với dân... Tạnh mưa, mặt trời vàng hoe nhô lên khỏi đỉnh núi phía đông, vườn rau nhà bà Tâm phơi màu xanh lam trong nắng sớm. Cô giáo Hồng gọi các em học sinh.

- Các em quét dọn trên nhà xong chưa? Bà ơi bà! Bà nghỉ tay đi để đấy chúng cháu làm cho, một lúc là xong ngay thôi mà.

- Ôi! Các cháu của bà ngoan quá. Thôi vào đây cùng làm với bà và với cô Hồng cho vui nào.

Bà Tâm cùng cô giáo và các cháu làm cỏ, bắt sâu cho rau. Bà dạy các cháu bắt sâu bay, sâu cánh cam nhỏ li ti.

Cô Hồng:

- Bà ơi bà! Theo cháu thì bà nên nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe tuổi già chứ. Bà cứ làm mãi thế này, không may bà ốm thì khổ đấy.

Bà Tâm:

- Ông nhà tôi và các cháu nó cũng bảo thế đấy, nhưng một buổi không đi làm là thấy nó buồn bực ngứa ngáy chân tay thế nào ấy, ăn cũng chả thấy ngon nữa cô ạ.

- Vâng, thế thì lúc nào nhiều việc bà cứ bảo cháu để cháu huy động các em học sinh đến giúp đỡ bà là xong ngay thôi mà. Quan tâm chăm sóc giúp đỡ gia đình liệt sĩ thương binh là nghĩa vụ của toàn dân, bà đừng ngại nhá.

- Vâng! Cô giáo và các cháu quan tâm đến gia đình tôi quá! Cô Hồng này, thằng Lâm nhà tôi thế mà thiêng lắm nhá. Nó hy sinh mấy chục năm rồi, thế mà vẫn về nhà luôn đấy. Ngay hôm kia thôi, nó về ăn cơm với tôi và ông ấy. Nó béo đen trùng trục, nhưng lại không có tay. Tôi phải gắp thịt, gắp rau vào bát cho nó. Nhìn con ăn ngon lành mà tôi sung sướng quá, mở mắt ra mới biết rằng chiêm bao cô ạ!.

Vườn rau của bà Tâm đã được làm cỏ, bắt sâu xanh mơn mởn, bà Tâm mời cô giáo Hồng và các cháu vào nhà nghỉ tay. Bà rót nước chè tươi mời khách và mở tủ lấy gói bánh chia cho các cháu. Ông Tùng trưởng phố từ trên phường về, để xe đạp ngoài cổng rồi vào nhà trong tiếng chào hỏi náo nhiệt.

- Vâng, chào bà, chào các cô cháu, chắc các cháu đến làm giúp các gia đình thương binh liệt sĩ phải không? Các cháu ngoan lắm, những việc làm uống nước nhớ nguồn của các cháu không chỉ là đền ơn đáp nghĩa mà còn là nét đẹp văn hóa của phố nữa đấy. Phố ta là phố văn hóa cấp thành phố đấy các cháu nhá! Nhưng bà ơi, ông nhà ta đi đâu vắng?

Bà Tâm:

- Ông nhà tôi đi thăm người bạn nhà ở phố bên. Nghe đâu bác ấy bị tai biến chả biết có qua khỏi không? Ông nhà tôi đi được một lúc thì cô Hồng dẫn các cháu học sinh đến quét dọn, làm cỏ, bắt sâu cho rau giúp tôi. Quý hóa quá, gia đình tôi cảm ơn cô giáo và các cháu nhiều lắm.

Ba gian nhà của bà Tâm ấm áp hẳn lên trong không khí của những ngày toàn dân làm nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tình sâu nghĩa nặng. Ông trưởng phố khen ngợi các cháu rồi đặt cái chén xuống bàn, nói:

- Ðấy, sông có khúc người có lúc bà nhỉ. Thôi thế là ông bà yên tâm và dân phố chúng tôi cũng chia vui với ông bà đấy. Nhân sắp đến ngày thương binh liệt sĩ, theo chương trình sáng nay sẽ có đoàn đại biểu chính quyền, mặt trận Tổ quốc thành phố đến thăm hỏi và tặng quà cho gia đình ta là gia đình liệt sĩ tiêu biểu của thành phố. Nào chúng ta cùng giúp bà chuẩn bị để đón tiếp nhé. Ðề nghị cô giáo Hồng cho các cháu ở lại cùng dự nhá.

Trong lúc mọi người thu xếp bàn ghế, các cháu rửa ấm chén thì đã nghe tiếng xe rì rì đỗ ngoài cổng. Ðoàn người trong xe bước xuống, dẫn đầu là bà chủ tịch hội đồng nhân dân thành phố. Bà Tâm, ông trưởng phố, cô Hồng và một số cháu ra đón. Vào nhà, bà chủ tịch hội đồng nhân dân đặt quà lên bàn thờ thắp thương liệt sĩ, trước sự chứng kiến của mọi người. Bà Tâm cảm động mời mọi người.

- Nào xin mời bà và các cháu, các chú ngồi vào bàn uống nước. Nào các cháu giúp bà rót nước mời khách đi.

Những chén nước chè tươi nghi ngút bốc hơi, quyện vào khói hương trên bàn thờ liệt sĩ thật ấm áp tình người sống có mặt và người quá cố. Một truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, tình sâu nghĩa nặng, ăn quả nhớ người trồng cây. Bà chủ tịch hội đồng nhân dân phát biểu như người tâm sự:

- Thưa ông bà, thưa mọi người có mặt tại đây, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, ngày toàn dân đền ơn đáp nghĩa như lời dạy của Hồ Chủ tịch, tôi thay mặt đảng bộ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc thành phố đến thắp hương cho liệt sĩ và trao tặng quà của thành phố cho gia đình ta là gia đình liệt sĩ tiêu biểu của thành phố. Kính chúc ông bà sống khỏe sống vui, phát huy truyền thống như lời dạy của Bác Hồ: “Gia đình liệt sĩ thương binh phải là những gia đình tiêu biểu, anh chị em thương binh tàn nhưng không phế”.

Bà Tâm rưng rưng nước mắt đón nhận quà và cảm ơn tấm lòng uống nước nhớ nguồn, trong tiếng vỗ tay tưởng như không dứt…

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phương
Bình luận
Back To Top