Để di sản văn hóa “sống” sau vinh danh

09:37 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 8626 In bài viết

ĐBP - Sau rất nhiều nỗ lực bảo tồn, phục dựng một số lễ hội, phong tục tập quán và nghệ thuật trình diễn, cho đến nay, Ðiện Biên đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðây chính là sự ghi nhận và động viên kịp thời đối với chính quyền và người dân khu vực nắm giữ di sản. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào là những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làm sao để di sản có thể “sống” sau vinh danh.

 

Tết Té nước (Bun Huột Nặm) hiện nay đang được cộng đồng dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) duy trì hàng năm.

Nằm trên đỉnh đèo Ma Thì Hồ, bản Cổng Trời, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Mông hoa. Một trong những nét văn hóa đó đã được ghi nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống. Di sản này bao gồm thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu; vẽ sáp ong để tạo hoa văn trên vải… Trong đó, vẽ sáp ong trên vải là đặc trưng độc đáo nhất thể hiện sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của người phụ nữ Mông nhiều thế hệ.

Thế nhưng, gần 1 năm sau ngày được công nhận, tìm về miền di sản ấy, chúng tôi không khỏi trăn trở. Nơi đầu tiên đặt chân đến là gia đình Trưởng bản Hạng A Giống. Lời đề nghị muốn được chứng kiến một gia đình thực hành “vẽ sáp ong trên vải” của chúng tôi dường như khó khăn với anh Giống, bởi nhiều lý do: “Vì không hẹn trước nên hiện nay bà con đều đi nương, đi chăn trâu cả, chẳng ai ở nhà. Với lại không phải nhà nào cũng có, trong bản chỉ vài cụ lớn tuổi là còn giữ các dụng cụ làm thôi”. Cũng theo chia sẻ của Trưởng bản Hạng A Giống thì mẹ anh cũng còn giữ, song hiện bà đang đi vắng nên đành “chịu”. Con cháu trong nhà thì không ai biết vì từ lâu bà không còn làm nữa.

Theo chân anh Giống vào sâu trong bản, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được một gia đình được cho là còn lưu giữ đầy đủ đồ nghề có thể thực hành vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Tuy nhiên, cũng phải chờ vài tiếng để anh trưởng bản nhờ người đi gọi chủ nhà đang đi chăn trâu trên nương về. Trong một góc tối của căn nhà gỗ kiên cố, bà Chớ Thị Tằng, mang ra những dụng cụ, bao gồm: bộ bút vẽ, chảo gang, bàn vẽ, sáp ong… và giới thiệu với chúng tôi đây là bộ đồ nghề được mẹ bà truyền lại. Trước đây, bà Tằng vẫn dùng nó để tạo hoa văn trên các bộ váy bà may cho mọi người trong gia đình. Rồi xã hội ngày một phát triển, vải vóc đều sẵn có nên bà không còn làm nữa, bộ đồ nghề vì thế đành cất gọn trong góc nhà. “Mấy năm trước, bên văn hóa và chính quyền đến tìm hiểu và tuyên truyền với bà con là cái này rất quý. Nó là di sản văn hóa nên chúng tôi phải giữ gìn. Cũng có được làm lễ công nhận, nhưng từ đó đến nay thì tôi chỉ biết cất đó chứ chẳng biết làm gì với nó. Có vài lần khi có đoàn đến yêu cầu thì tôi mang ra cho họ xem thôi” - bà Tằng bộc bạch.

“Không có đất diễn” - đó là thực trạng chung khiến nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông ở Sa Lông chưa phát huy được giá trị sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ðề cập đến vấn đề này, ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cũng thẳng thắn thừa nhận: “Mặc dù đã công nhận di sản cấp quốc gia rồi, nhưng hiện nay cũng chưa phát huy được giá trị. Di sản cũng chưa mang lại nguồn lợi gì cho bà con, do chưa có thị trường. Mặt khác, đây là sản phẩm làm thủ công, quy trình làm hết sức phức tạp và mất thời gian, nên không sản xuất được nhiều. Trong khi đó, cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, nên bà con vẫn ưu tiên cho việc phát triển kinh tế hơn”.

Còn theo ông Chang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, thì việc phát huy giá trị di sản hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các nghệ nhân đều đã cao tuổi, điều kiện sức khỏe không đảm bảo, trong khi đó thế hệ nối truyền thì chưa gây dựng được. Về phía huyện, nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa còn nhiều hạn chế. Ðể khắc phục tình trạng này, huyện cũng lên phương án là sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ triển khai thực hiện một số hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các nghệ nhân tham gia cùng với cấp ủy chính quyền trong việc giữ gìn, truyền dạy cho các thế hệ trẻ và phát triển các giá trị di sản.

Ngoài ra, để từng bước giải quyết khó khăn này, hiện nay huyện Mường Chà đang tiến hành khảo sát, đánh giá và lên kế hoạch để đầu tư xây dựng điểm dừng chân tại trên đỉnh đèo Ma Thì Hồ. Dự kiến, đây sẽ là nơi để bà con địa phương tập trung buôn bán; đồng thời kết hợp giao lưu, giới thiệu sản phẩm, cũng như trình diễn, quảng bá di sản rộng rãi đến khách du lịch khi qua khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều này thì ngoài kinh phí cũng cần sự tính toán kỹ lưỡng từ các đơn vị liên quan để sự đầu tư đảm bảo phát huy hiệu quả.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, địa phương và các ngành liên quan đã dành rất nhiều sự quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Về phía chủ trương, nó thể hiện trong việc UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan; trong đó phải kể đến là Quyết định số 1430 phê duyệt Ðề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo Ðề án này, ước tính tỉnh sẽ chi hơn 100 tỷ đồng để tập trung khôi phục, duy trì các di sản văn hóa phi vật thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Thực hiện chỉ đạo này, về phía ngành văn hóa, ông Ðào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Ðể nghiên cứu về một di sản văn hóa đòi hỏi rất nhiều thời gian và tìm kiếm nhiều tư liệu, trên cơ sở đó hình thành được cái gốc cũng như quá trình phát triển qua từng thời kỳ của từng dân tộc. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay nhiều đồng bào dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định văn hóa là cái gốc của dân tộc, bảo tồn và phát triển văn hóa là góp phần phát triển xã hội nên hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, cố gắng đến năm 2020 phải điều tra cơ bản và hình thành được toàn bộ bộ lịch sử về nguồn gốc của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

Cùng với việc 6 di sản được công nhận cấp quốc gia thì đến nay Ðiện Biên đã kiểm kê được 18 dân tộc có di sản tiêu biểu cần được bảo tồn sớm và tiếp tục đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc phối hợp với Viện Âm nhạc triển khai xây dựng, lập hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái tỉnh Ðiện Biên trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, trước những thách thức của quá trình hội nhập, phát triển và đời sống xã hội hiện nay, thì những di sản sau công nhận cũng cần sự quan tâm song hành. Với những di sản, như: nghệ thuật Xòe Thái; Lễ hội đền Hoàng Công Chất; Tết Nào Pê Chầu; Tết Té nước (Bun Huột Nặm)… vì vốn đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nên chỉ cần khuyến khích để bản thân cộng đồng dân cư tự duy trì và phát triển. Song, với loại hình di sản đứng trước nguy cơ có thể mai một vì kén người truyền dạy thì vấn đề được đặt ra là nếu không thể giúp nó phát triển mạnh thì cũng cần có giải pháp để gìn giữ nguyên vẹn. Và, xa hơn nữa là làm sao cho người dân có thể khai thác những giá trị di sản đó để phục vụ đời sống, thì mới gìn giữ và phát huy di sản đó lâu dài và bền vững. 

Hà Linh
Bình luận
Back To Top