Bảo tồn di sản văn hóa các DTTS Ðiện Biên

Chặng đường phía trước còn rất dài

08:39 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 6969 In bài viết

ĐBP - Thực tế nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh những cái hay, cái đẹp, cái mới trong cuộc sống giao lưu và biến đổi, văn hóa vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang đứng trước những nguy cơ mai một ngày càng rõ và ngày càng đáng lo ngại hơn. Khắp các địa phương nói chung và vùng DTTS nói riêng, những nỗ lực bảo tồn, chấn hưng đã và đang được thực hiện...

 

Ðiệu múa mời rượu dân tộc Thái, được tái hiện trên sàn diễn bởi các diễn viên nghiệp dư.Ảnh: T.L

Xác định việc bảo tồn các di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, từ nhiều thập niên qua, các cơ quan chỉ đạo và ngành chức năng các cấp đã ban hành nhiều văn bản khung không chỉ đưa ra các quan điểm, ý kiến về chuyên môn mà trên cơ sở đó, tạo ra nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ấy. Tuy nhiên, vốn đầu tư nhiều đương nhiên là rất tốt song để đạt được mục tiêu bền vững và căn cơ, đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện, biện chứng, sâu sắc, cụ thể về đặc trưng của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trong cơ chế thị trường và đặc trưng của cơ chế thị trường trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Chúng ta đều biết vấn đề đó có tính hai mặt và cả hai mặt đều rất quan trọng, thậm chí, quan trọng ngang nhau...

Trong số các văn bản liên quan, Quyết định số 2723/QÐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” được đặt nhiều kỳ vọng với nguồn kinh phí giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến trên 54 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ, định hướng đồng bào các DTTS xây dựng chuỗi sản phẩm văn hóa gắn với phát triển du lịch; bảo tồn lễ hội, nghề thủ công truyền thống; tổ chức một số sự kiện văn hóa tiêu biểu; mở tour, tuyến kết nối các điểm du lịch cộng đồng vùng DTTS ở các vùng, miền. Dự kiến đến năm 2020, dự án góp phần xây dựng 15 mô hình phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát triển 20 nghề thủ công, 20 lễ hội truyền thống; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới... góp phần nâng cao mức thu nhập của đồng bào DTTS. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án được kỳ vọng là một trong những giải pháp thiết thực để đồng bào các DTTS phát huy vai trò chủ thể về văn hóa tộc người cũng như văn hóa vùng miền.

Ðiện Biên là tỉnh miền núi có 19 dân tộc cùng sinh sống, các DTTS chủ yếu sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Văn hoá các DTTS tỉnh Ðiện Biên là bộ phận cấu thành của văn hóa vùng Tây Bắc thuộc cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hoá các DTTS là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hoá Việt Nam. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số; có chính sách và giải pháp cụ thể xây dựng đội ngũ trí thức trong các DTTS; phát hiện bồi dưỡng tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật DTTS là việc làm ý nghĩa và hết sức cần thiết.

 

Truyền dạy khèn Mông.

Mới đây, trong một hội nghị thường niên do Hội Văn học - Nghệ thuật Ðiện Biên tổ chức, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Tẩn Quý Giao (Biên đạo múa, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), về vốn văn hóa dân gian các DTTS qua các điệu dân ca, dân vũ. Bằng tâm huyết và kiến thức chuyên ngành của mình, ông Tẩn Quý Giao bày tỏ: Việc xây dựng chương trình văn nghệ truyền thống dân gian dân tộc ở các địa phương hiện nay, phải nói là còn nhiều điều cần bàn. Dùng cụm từ “Văn nghệ truyền thống dân gian dân tộc” thì tính bao hàm của nó quá rộng, gồm cả: Văn học, thơ ca, lễ hội, truyện cổ, truyền thuyết... Là một biên đạo múa, tôi chỉ xin đề cập một chuyên đề về biểu diễn ca - múa - nhạc truyền thống dân gian dân tộc, nên thống nhất dùng cụm từ “Nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc” cho sát thực hơn. Hiện nay, nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc đang tồn tại song song dưới hai hình thức. Hình thức thứ nhất là nghệ thuật truyền thống dân tộc phát triển và nâng cao, mang tính sáng tạo. Biên đạo múa hay nhạc sĩ dựa trên các yếu tố cơ bản về chất liệu ngôn ngữ (động tác) cho múa, chất liệu các làn điệu dân ca dân tộc cho âm nhạc hay ca khúc, dựa theo phong cách của mỗi dân tộc phát triển và nâng cao để thể hiện ý đồ sáng tác cho một chủ đề nhất định. Loại hình nghệ thuật này mang tính chuyên nghiệp, hoặc không thì cũng phải là những diễn viên bán chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản mới đủ khả năng để thể hiện.

Hình thức thứ hai là nghệ thuật truyền thống dân gian nguyên bản, tồn tại lâu đời trong đời sống. Có thể nói, đó là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chủ trương của Ðảng đã đề ra là chúng ta phải bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vì chính nó là cội nguồn, là nền tảng cho quá trình phát triển của dân tộc ta. Khách du lịch đến Ðiện Biên ngoài việc tham quan các điểm di tích lịch sử, họ còn có mong muốn được tiếp cận với người dân để tìm hiểu về phong tục, tập quán truyền thống. Thực tế đặt ra cho chúng ta hiện nay chính là ngoài sự thiếu hụt về biểu trưng cho các làng nghề, thì việc xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống cho các đội văn nghệ quần chúng cũng chưa thật sự bài bản. Du khách muốn được tiếp cận với những gì là tinh hoa của cội nguồn, là truyền thống dân gian thì đâu đó đang diễn ra thứ nghệ thuật tạp nham, hỗn độn, mới thì chưa đủ để hình thành cái mới, mà nguyên bản thì cũng đã bị bóp méo chẳng còn nhận ra cái văn hóa gốc ở chỗ nào...

Ðể khép lại bài viết này, chúng tôi xin mượn những lời chia sẻ của ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - qua cuộc trao đổi bằng điện thoại. Theo ông Phạm Việt Dũng, văn hóa là một khái niệm đa nghĩa, vô cùng rộng lớn, vô cùng bao hàm và thậm chí vô cùng phong phú, linh hoạt trên rất nhiều phương diện, dạng thức, bản thể... Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng về kiến trúc nhà cửa, tập quán canh tác, ngôn ngữ, ăn uống, trang phục, cưới hỏi, ma chay, lễ hội, diễn xướng, trò chơi dân gian, cách mời nhau uống rượu, cách trai gái tỏ tình, cách đặt tên cho đứa trẻ mới chào đời... tất cả đều là văn hóa với những hình thái biểu hiện khác nhau và chính điều đó làm nên bản sắc, làm nên sự đa dạng rất cần được đầu tư nghiên cứu, tập hợp, bảo tồn, chỉnh lý và phát huy trong cuộc sống đương đại.

Chặng đường phía trước còn rất dài và công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS nói thì rất dễ nhưng làm lại cực khó. Nếu chỉ một mình ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, dù nỗ lực thế nào cũng không thể thành công vì đây là công việc thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cộng đồng dân cư theo địa giới hành chính, vùng miền, cộng đồng dân cư theo từng dân tộc và nhóm dân tộc, từng dòng họ, từng gia đình và thậm chí từng cá thể con người...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top