Chữ tâm

08:38 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 8570 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta thường hay nói nhiều về cụm từ “có tâm, có tầm” dùng để chỉ những người vừa có tri thức, hiểu biết, lại vừa có đạo đức, có tấm lòng. Vậy “tâm” là gì? Trong mỗi con người “cái tâm” nằm ở đâu? Làm thế nào để có thể nhận biết nó, “điều khiển” hay “làm chủ” được nó?

Vào một số gia đình ta thường thấy treo ở nơi trang trọng trong phòng khách chữ tâm được viết bằng chữ Hán, mực tàu trên giấy hồng lồng vào khung vàng rất đẹp. Chữ tâm là chữ tượng hình (chữ Hán) mang hình quả tim của con người. Người thờ chữ tâm là muốn giữ tấm lòng mình hướng vào điều thiện. Họ luôn tâm niệm một điều: Không để đồng tiền làm hoen ố danh dự và lương tâm. Tránh xa những điều tà đạo, gian manh, lừa lọc, xảo trá, luôn giữ cho lòng mình thanh thản, trong sáng, không làm điều xấu xa độc ác, sống phải độ lượng khoan dung vị tha.

Ngày nay, trên báo chí hay các phương tiện thông tin đại chúng người ta hay sử dụng cụm từ “có tâm, có tầm” để chỉ năng lực của một người vừa có chuyên môn, hiểu biết vừa có tấm lòng. Nói theo truyền thống là vừa có “tài” vừa có “đức”. Như vậy, tâm ở đây là đạo đức, là tấm lòng, là tâm thiện. Xã hội đã nhìn nhận người có tài mà thiếu đức (không có tâm) thì không thể đảm đương, không thể thành công và cũng không bền trong vai trò lãnh đạo, nếu không nói là mang họa cho xã hội và cho chính bản thân mình. Quay lại cuộc sống đời thường với những con người bình thường như chúng ta, cái ý nghĩa gần gũi nhất mà ta được hiểu thì “tâm” chính là “tấm lòng”, vì bất cứ việc gì xuất phát từ “tấm lòng” và thực hiện với tất cả “tấm lòng” đều mang lại kết quả tốt đẹp, không chỉ cho riêng mình, cho xã hội. Ngược lại, những việc làm không thực sự xuất phát từ cái “tâm” trong sáng, tâm thiện, mà lại từ cái “tâm” ác, tâm tham thì hậu quả sẽ thật khó lường.

Ngày ngày trên đài, báo, ti vi... đưa tin, hình về những tấm lòng vàng. Có khi những người đó, có người cũng chẳng khá giả gì, nhưng họ lại sẵn sàng chia cơm, sẻ áo giúp đỡ những người nghèo khổ cùng cực. Những người biết trân trọng chữ tâm đối với họ: dù nghèo khó đến mấy, cuộc đời có xô đẩy họ đến đâu đi chăng nữa, họ luôn giữ cái tâm trong sạch: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Họ luôn dạy dỗ và hướng cho con cháu sống nên làm việc thiện, tránh xa tà tâm, không làm điều bạc ác, phi đạo đức, để khỏi phải hổ thẹn với lương tâm.

Hà Bích
Bình luận
Back To Top