Tuần ‘Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam’

15:37 - Thứ Năm, 15/11/2018 Lượt xem: 9686 In bài viết

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018 nhằm tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

 

Hoạt động này diễn ra từ 18 đến 23/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), là hoạt động thiết thực chào mừng 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2018) và kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).

Gần 200 đồng bào của 15 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, Chăm Bà La Môn, Raglai, Xơ Đăng, Ba Na, Chăm Islam, Sán Dìu) của 13 địa phương, các hiệp hội du lịch địa phương, công ty lữ hành; các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động; du khách trong nước, quốc tế… sẽ tham dự sự kiện đặc biệt này.

Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” diễn ra vào ngày 18/11, kết hợp khai mạc sự kiện với nội dung đánh giá một năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là hoạt động điểm nhấn, không chỉ tạo điều kiện để các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau, mà còn tạo sự gắn bó thống nhất trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” cũng giới thiệu đến công chúng sắc màu văn hóa dân tộc vùng miền tại “Ngôi nhà chung” với không gian của 3 cụm làng gắn liền với các sắc màu văn hóa điểm nhấn của 14 cộng đồng đang hoạt động hằng ngày; giao lưu văn nghệ truyền thống dân tộc; giới thiệu nghề truyền thống của các dân tộc có phần tương tác trình diễn của các nghệ nhân và du khách.

Cụ thể, trong ngày 23/11 sẽ trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, tỉnh Thái Nguyên; các hoạt động diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian của dân tộc Sán Dìu.

Từ ngày 18-23/11 cũng diễn ra ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ: Giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Khmer, Chăm; giới thiệu ẩm thực các dân tộc Khmer, Chăm; giới thiệu nghề truyền thống và nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer, dân tộc Chăm cùng vẻ đẹp của người con gái Chăm Islam và nét văn hóa Chăm qua chiếc khăn matơna.

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên: Giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian các dân tộc Ê Đê, Cơ Tu, Tà Ôi, Raglai, Xơ Đăng, Ba Na là chủ thể và giao lưu với các dân tộc; tái hiện lễ Thổi tai của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai dự kiến bắt đầu hoạt động hàng ngày tại Làng; giới thiệu các loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian “Âm vang núi rừng” của các dân tộc Tây Nguyên; ẩm thực các dân tộc, cùng văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương.

Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc: Giao lưu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, ẩm thực các dân tộc Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top