Tả Sìn Thàng mùa may áo mới

08:59 - Thứ Năm, 22/11/2018 Lượt xem: 8794 In bài viết

ĐBP - Về thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) mùa này, đâu đâu cũng rộn tiếng máy may. Chị em ở đây đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng trên bộ trang phục truyền thống cho cả nhà mặc đi chơi tết. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 10, tháng 11, Tả Sìn Thàng lại rộn ràng vào mùa may áo mới.

 

Thiếu nữ dân tộc Xạ Phang phơi trang phục truyền thống. Ảnh: Hải Yến

Không giống như miền xuôi, những ngày giáp tết họ thường đến những cửa hàng, hiệu may để sắm cho mình bộ trang phục ưng ý đi chơi tết, các thiếu nữ dân tộc Xạ Phang trên cao nguyên đá Tả Sìn Thàng phải tự tay làm ra những bộ trang phục truyền thống cho cả gia đình. Ðó cũng là một phong tục truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc này. Sau mỗi vụ mùa, khi gió heo may tràn về cũng là lúc thiếu nữ Xạ Phang tụm năm, tụm ba bên hiên nhà để thêu thùa, may vá. Những đôi mắt tinh anh, đôi chân nhịp nhàng đạp máy và đôi tay thoăn thoắt nhịp thêu đã trở thành quen thuộc.

Nhiều ngày nay, gia đình chị Thàng Thiều Hoa luôn rộn ràng tiếng máy may. Ðây là công đoạn cuối cùng để hoàn tất một bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Xạ Phang. Ðể hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống như thế, chị phải mất tới gần 1 năm, phần lớn là dành cho việc thêu các họa tiết hoa văn trên tay và vạt áo, quần. Chăm chú, tỉ mẩn từng đường may trên thân áo cho con gái, đôi lúc chị Hoa vẫn không quên đưa mắt về phía chúng tôi tâm sự. Chị cho biết, mình không được ai bảo, hay chỉ dạy việc may vá, thêu thùa và chị cũng không dạy con. Cũng giống như dòng máu chảy trong cơ thể, mỗi thiếu nữ Xạ Phang cứ lên 10 là theo mẹ, theo bà xem thêu, rồi cứ thế hình thành thói quen. Không có bất cứ khuôn mẫu nào ở đây cả, chính vì thế, các đường nét hoa văn phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người.

Với đồng bào Xạ Phang, ngoài chuộng các màu sắc sặc sỡ, thì họ rất coi trọng chi tiết. Nhìn tổng thể bộ trang phục tưởng đơn giản, song những chi tiết hoa văn trên vạt áo, tay áo… hết sức độc đáo, tinh xảo và thể hiện rõ sự sáng tạo, khéo léo của người phụ nữ làm ra nó. Bộ trang phục nam thường đơn giản hơn, với quần đen và áo may bằng mảnh vải đơn sắc. Ðiểm nhấn của chiếc áo nam chính là hàng cúc áo với nhiều cúc xếp giày, khuy áo được làm hoàn toàn bằng tay.

Ðộc đáo hơn là trang phục của phụ nữ người Xạ Phang, với những màu sắc rất rực rỡ. Người Xạ Phang yêu thích những gam màu nổi bật, do vậy chiếc áo của họ nhìn rất bắt mắt... Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ Xạ Phang đã không còn tự xe lanh, dệt vải; phần thân áo được may bằng vải đơn sắc do chị em mua sẵn ở chợ về. Vải may áo có thể có hoa văn in chìm, chứ không in hoa văn to hay họa tiết màu đậm. Song phần cổ áo và tay áo vẫn bắt buộc phải được thêu tay hoàn toàn, đó chính là nét riêng biệt của chiếc áo phụ nữ Xạ Phang. Chiếc áo có nổi bật, có tinh tế hay không là nhờ vào tài nghệ phối màu chỉ, thêu các hoa văn, cùng những đường nét thêu tay tinh tế của mỗi phụ nữ làm ra nó.

Chị Hoa chia sẻ: “Có làm cổ áo, tay áo đẹp thì chiếc áo truyền thống mới đẹp, làm phần này mất nhiều thời gian nhất. Sau khi phần thân áo được may xong, vào tầm này trở đi, mình bắt đầu gắn phần cổ áo và tay áo đã thêu vào thân áo để hoàn thiện kịp cho cả nhà đi chơi tết”.

Bên một hiên nhà khác gần đó, chị Hoàng Lao Tú cũng cần mẫn với những đường khâu để hoàn thành những đôi giày cho cả nhà. Với gia đình 3 thế hệ như chị, thì nhiệm vụ may vá lại càng đòi hỏi nhiều hơn. Ðôi bàn tay thoăn thoắt trên chiếc giày đủ sắc màu cho cậu con trai, chị tâm sự: “Trước thì có mẹ tôi hỗ trợ, giờ mẹ già mắt kém rồi nên việc may trang phục, giày dép của cả gia đình chỉ còn mình tôi làm. Vì cả năm thêu họa tiết hết rồi, nên giờ may thì nhanh thôi. Nhưng cũng phải mất đến cả tháng, vì nhà tôi đông người, mà mỗi người phải có ít nhất 3 đôi, dùng cho cả năm sau”.

Quả thật, tận mắt chứng kiến từng đôi giày và nghe cách họ làm ra nó mới thấy, đây chẳng khác nào một “công trình nghệ thuật đặc biệt”. Ðế giày, được tạo nên từ những chiếc vỏ bóc ra từ thân măng, phơi khô, rồi đem cắt theo kích cỡ từng người. Ðể tạo độ bền và vững chắc cho chiếc đế, họ thường kết thành nhiều lớp dày bằng chất keo tạo ra từ củ bon giã nhuyễn. Thân giày đủ sắc màu, tạo nên từ nhiều lớp chỉ thêu hoa văn uốn lượn tinh xảo. Có một điều đặc biệt ở đây là những hoa văn này không được vẽ tạo hình trước khi thêu như thông thường, phụ nữ Xạ Phang thường thêu theo trí tưởng tượng. Trong quá trình thêu, họ nhớ lại những hình ảnh ghi nhận từ cuộc sống hàng ngày, rồi cứ thế sáng tạo theo từng đường kim mũi chỉ. Chính vì thế mà những nét hoa văn trên trang phục truyền thống của họ bao giờ cũng mang nét đặc trưng rất riêng.

Cũng giống như người Kinh, đồng bào Xạ Phang ở đây ăn tết theo lịch âm. Mặc dù còn vài tháng nữa mới đến tết, song không khí chuẩn bị ở Tả Sìn Thàng đã nhộn nhịp khắp bản trên, ngõ dưới. Trưởng bản Lò Triển Sấn phấn khởi chia sẻ: “Giờ cây ngô, cây đỗ đều đã thu hoạch hết; thóc lúa cũng chất đầy bồ nên nhà nào, nhà nấy có nhiều thời gian để dành cho gia đình. Mặc dù ở Tủa Chùa, người Xạ Phang chúng tôi là dân tộc ít người. Riêng bản này có 60 hộ, hơn 200 khẩu và đều là dân tộc Xạ Phang. Song chúng tôi ở đây sống hòa đồng với các dân tộc khác, như: Mông, Thái… và gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng của mình, có nhiều thứ là truyền thống thì không bao giờ bỏ được, đó là lễ cưới, tết… Vào dịp này, bộ trang phục là cách dễ dàng nhất để những người ở xa đến nhận biết chúng tôi. Và tất cả đều do phụ nữ trong nhà tự làm”.

Rời Tả Sìn Thàng khi trời đã về chiều. Vượt qua con dốc đầu tiên, phóng tầm mắt về phía thung lũng, Tả Sìn Thàng hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Thấp thoáng trong ánh chiều là sắc màu rực rỡ của những bộ trang phục truyền thống được chị em Xạ Phang phơi ngoài hiên. Trong cái se lạnh của những chiều đầu đông nơi cao nguyên đá, vẫn nghe đâu đó vọng tiếng nói ấm áp, tiếng máy may nhịp nhàng từ những ngôi nhà bên triền núi…

Hà Linh
Bình luận
Back To Top