Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm

Cần sự chung tay của cộng đồng

09:01 - Thứ Năm, 22/11/2018 Lượt xem: 5782 In bài viết

ĐBP - Ngày nay, phần lớn các sản phẩm thổ cẩm được tạo ra từ những người phụ nữ trung tuổi hoặc người già tại các bản vùng cao. Những tấm vải thổ cẩm màu sắc sặc sỡ, hoa văn đẹp thể hiện bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người phụ nữ; tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc... Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm ở Ðiện Biên đang dần đứng trước nguy cơ mai một vì các hợp tác xã (HTX) dịch vụ thổ cẩm không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

 

Phụ nữ dân tộc Lào dệt thổ cẩm những lúc nông nhàn.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, nghề dệt ở một số địa phương được chú trọng và ngày càng có thêm các HTX. Với mong muốn phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, đã có những dự án, những HTX dệt thổ cẩm được thành lập. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động cũng như những đóng góp của HTX thổ cẩm cho nền kinh tế địa phương vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể như các HTX: Him Lam II, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ); Tà Là Cáo (huyện Tủa Chùa); bản Mển (huyện Ðiện Biên). Với mục tiêu coi dệt thổ cẩm truyền thống là một trong những ngành nghề mũi nhọn để phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, nhưng sau một thời gian hoạt động không hiệu quả do không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm; giá thành sản phẩm cao hơn so với sản phẩm công nghiệp... các HTX đã ngừng hoạt động. Ðến nay, chỉ còn một vài hộ gia đình tự sản xuất nhỏ lẻ phục vụ mục đích sử dụng trong gia đình và bán cho khách du lịch và thực tế số hộ này cũng đang ít dần đi.

Chị Vì Thị Phong, Chủ nhiệm HTX thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) cho biết: HTX thành lập từ năm 2014. Ban đầu có 30 xã viên với 1 máy khâu, 1 máy vắt sổ, 15 khung dệt. Sản phẩm làm ra chủ yếu là khăn piêu, khăn quàng cổ, túi Thái và đệm ngồi… Nhưng đi vào hoạt động được một thời gian, đến nay số xã viên còn lại vài người còn duy trì nghề và chủ yếu làm để phục vụ gia đình, vì sản phẩm làm ra mất nhiều thời gian, nguyên liệu nhập 100% nên giá thành cao hơn những sản phẩm cùng loại sản xuất công nghiệp nên rất khó bán. Cụ thể như khăn piêu loại bình thường hàng dệt tay có giá khoảng 350.000 đồng/chiếc, trong khi hàng sản xuất công nghiệp cùng loại giá bán dao động từ 200.000 -  250.000 đồng/chiếc…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có HTX Dệt thổ cẩm Lào ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) vẫn duy trì hoạt động nhưng chủ yếu mang tính thời vụ. Năm 2004, Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã xây dựng Dự án Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang 2, HTX được thành lập với 30 xã viên, 10 máy khâu, 2 máy vắt sổ… Nghề dệt thổ cẩm truyền thống bước đầu đạt được những kết quả như: Ðưa ra thị trường 16 loại sản phẩm (khăn piêu, váy, áo, khăn đội đầu, chân váy, sợi bông, sợi tơ tằm địa phương…) tạo nguồn thu nhập cho xã viên từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, năm 2010 dự án của JICA kết thúc, vì chưa chủ động trong sản xuất và kinh doanh, thị trường tiêu thụ hẹp; sản xuất thủ công theo thời vụ; nguyên liệu nhập, giá thành cao... nên HTX gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất.

Ông Lò Văn Thoong, Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Lào Na Sang cho biết: HTX tuy được thành lập nhưng trên thực tế, hoạt động mới chỉ dừng ở việc giới thiệu sản phẩm vào những dịp hội chợ thương mại; còn sản xuất là mạnh gia đình nào thì hộ đó làm và chủ yếu sản xuất theo thời vụ. Hiện nay, chỉ có 5 - 7 xã viên sản xuất thường xuyên, tập trung vào những người trung tuổi. Ðể tìm đầu ra cho sản phẩm, ngoài việc giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng hội chợ thương mại; tôi phải trực tiếp đi chào hàng ở khu vực có nhiều khách du lịch (Sa Pa, Hà Nội). Tìm được đơn hàng, tôi cung cấp nguyên liệu cho chị em xã viên dệt, sau đó trả công theo sản phẩm hoặc bán nguyên liệu sau đó mua lại sản phẩm của họ… Về chất lượng sản phẩm của HTX qua các hội chợ thương mại được khách hàng đánh giá khá cao về chất lượng cũng như mẫu mã...

Chị Lường Thị Bun, bản Na Sang 2 chia sẻ: Vì sức khỏe yếu, không làm nương được nên tôi gắn bó với nghề dệt. Ngoài phục vụ gia đình còn dệt bán kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm dệt thủ công, cẩn thận, nhiều hoa văn, họa tiết và thường dệt hàng cao cấp nên làm chăm chỉ cũng chỉ được từ 2 - 3 chiếc váy (loại 1,5m) và 4 cái khăn/tháng là nhiều. Do sợi dệt đắt, công dệt nhiều nên tính ra thu nhập rất thấp (chỉ đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng). Vì yêu nghề, nên tôi kiên trì theo nghề dệt thổ cẩm của dân tộc.

Khôi phục nghề dệt thổ cẩm dân tộc nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc thiếu đầu ra như hiện nay, dẫn đến số người làm nghề dệt thổ cẩm ngày một giảm là dấu hiệu của sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống. Thiết nghĩ, để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên không chỉ là sự nỗ lực của các nghệ nhân mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ việc xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và có những giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm để người thợ có thể sống được bằng nghề. Có như vậy mới bảo tồn và phát triển được nghề dệt thổ cẩm truyền thống một cách bền vững.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top