Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh

Một nhiệm kỳ nhìn lại

09:16 - Thứ Hai, 26/11/2018 Lượt xem: 7640 In bài viết

ĐBP - Trong chặng đường 5 năm, nhiệm kỳ V (2012 - 2017), Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã có những bước phát triển đáng tự hào, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, Hội VHNT tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả ấy là minh chứng về sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ngành, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò tổ chức quản lý đúng đắn của hội, sự nỗ lực  trong lao động sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi hội viên.

Dấu ấn về hoạt động chuyên môn trong nhiệm kỳ V (2012 - 2017) được thể hiện qua tác phẩm VHNT của các tác giả, nhiều cây bút, tay máy, tay cọ… đã có sự bứt phá vươn lên, khẳng định chiều sâu, chất chuyên nghiệp trong tiếp cận đời sống.

 

Các văn nghệ sĩ Ðiện Biên đi thâm nhập thực tế, sáng tác tại xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Anh Tuấn

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Tạp chí Văn nghệ Ðiện Biên vẫn tìm hướng mở bằng chính chất lượng cũng như nâng cánh cho phong trào. 5 năm với gần 60 số, Tạp chí Văn nghệ Ðiện Biên đã làm tròn vai của một tờ tạp chí, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và thiên chức của người chiến sĩ văn hóa đối với xã hội. Trong thời đại 4.0, con người có nhiều sự lựa chọn để giải trí, văn hóa đọc ở thời kỳ thoái trào, một tờ tạp chí văn nghệ địa phương lại càng khó cho sự lựa chọn của độc giả. Tuy nhiên, phát huy thế mạnh của văn chương, nghệ thuật VHNT Ðiện Biên lựa chọn khơi nguồn dòng chảy văn hóa bản địa truyền thống. Lấy VHNT của đồng bào các dân tộc để đi đến với đồng bào, lấy lực lượng văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt để thực hiện. Các chuyên mục của tạp chí dành nhiều nội dung để khai thác phản ánh đời sống, những số phận, giá trị nhân văn, tấm gương tiêu biểu của con người vùng cao. Ngoài ra mỗi số còn dành tới 1/5 dung lượng cho chuyên mục thơ song ngữ và hương sắc bản mường. Trung bình mỗi năm, về thể loại văn xuôi có từ 4 - 5 ký, phóng sự; 6 - 8 truyện ngắn về vùng cao, một nửa bài viết nghiên cứu phê bình với nội dung liên quan đến văn hóa các dân tộc thiểu số Ðiện Biên.

Ðể Tạp chí Văn nghệ Ðiện Biên có sức sống mới, Hội coi trọng nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ, một số cây bút có năng khiếu như: Nguyễn Thị Ngọc Bích (huyện Ðiện Biên), Chu Linh (Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh), Phan Ðức Lộc (Công an huyện Tuần Giáo) và đặc biệt nhóm học sinh các lớp chuyên văn, yêu thích viết văn của Trường THPT Chuyên Lê Quý Ðôn. Cùng việc xây dựng đó, Tạp chí luôn có một lực lượng nền cốt chủ công để ấn phẩm luôn đầy đặn, đa dạng, hấp dẫn. Ðó là Nguyễn Ðức Lợi vừa sâu sát đời sống ở bút ký văn học với một số tác phẩm như: Hoa xương rồng trên cao nguyên Sín Chải, Thăm thẳm Mường Thò… vừa đi tận cùng cõi người, không ngại đớn đau, vật vã như ở truyện ngắn Ma núi rắn. Ðó là Du An vừa truyện thiếu nhi trong trẻo tươi tắn (Nhà tình ở trong rừng, Xuống phố), vừa truyện người lớn “nhập cuộc” ám ảnh (Từ lâu không nói, Rắn vào nhà). Hay như Tòng Văn Hân, Tòng Hà, Lò Sơn Tinh, Lan Anh… bằng các bài sưu tầm văn hóa dân gian đã góp phần làm cho thế hệ hôm nay hiểu sâu hơn, cặn kẽ hơn về văn hóa dân gian các dân tộc Ðiện Biên. Về thơ có những cộng tác viên nhiều tâm huyết, như: Ðỗ Trọng Luân, Phạm Hữu Dược, Nguyễn Công Sự, Phạm Ðình Thi, Nguyễn Ðình Hải... Mảng nghệ thuật, nhất là nhiếp ảnh và mỹ thuật (hai thể loại đóng góp thiết thực cho tạp chí) có: Văn Thành Chương, Lê Anh Tuấn, Khải Hoàn, Vũ Hữu Cương, Nghiêm Minh Hải, Trần Hoa, Lê Linh…

Hoạt động xuất bản, quảng bá, giới thiệu tác phẩm không kém phần sôi động tính chất nghề nghiệp của Hội được thể hiện rõ ở hoạt động xuất bản, liên hoan triển lãm nghệ thuật, trại sáng tác, giới thiệu tác phẩm, biểu diễn… Trong nhiệm kỳ qua, nhiều đầu sách của hội viên Nguyễn Ðức Lợi, Du An, Nguyễn Thị Ngọc Bích; Trương Hữu Thiêm, Ðỗ Trọng Luân, Nguyễn Ðình Hải, Ðỗ Vũ Xô, Phạm Ðình Thi, Ðỗ Thế Ðiệp, Nguyễn Thị Lâm Hảo, Lương Thị Ðại, Tòng Văn Hân, Chu Thùy Liên… đã đến tay bạn đọc. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc của tác giả Ðiện Biên tham dự liên hoan khu vực được đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo. Nhiều hội viên đã đoạt những giải thưởng cao trong chuyên ngành của mình như: Phạm Mạnh Cường, Phạm Thanh Sơn, Nguyễn Huy Thông, Lù Văn Sẹn, Tẩn Quý Dao (âm nhạc), Lương Thị Ðại, Tòng Văn Hân, Chu Thùy Liên (văn nghệ dân gian), Lù Thị Hiền, Phạm Thị Thu, Nguyễn Thị Thanh Hương (múa), Lê Tuấn, Văn Thành Chương, Hải Vũ, Khải Hoàn, Xuân Hiện (nhiếp ảnh), Vũ Hữu Cương (mỹ thuật)

5 năm một chặng đường chưa phải là dài, đoàn kết, sáng tạo dưới mái nhà chung là tổ chức hội VHNT, các văn nghệ sĩ Ðiện Biên với những phong cách riêng, tinh thần say mê sáng tạo đã tạo nên một bức tranh  VHNT đa màu, giàu cá tính và đậm bản sắc Ðiện Biên. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua rất đáng tự hào, nhưng vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập hạn chế. Ðơn cử như: chất lượng một số tác phẩm chưa cao; còn ít tác phẩm, công trình chưa tương xứng với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương; trong các lĩnh vực sáng tác, các loại hình phát triển không đều, đội ngũ văn xuôi, lý luận phê bình mỏng; trình độ hội viên chưa đồng đều, đội ngũ cộng tác viên ít. Chất lượng hoạt động của một số hội, chi hội chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của địa phương, còn mang nặng tính hình thức.

Nhiệm kỳ V (2012 - 2017) đã kết thúc, nhiệm kỳ VI (2018 - 2023) mở ra với những phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Tin tưởng với sự quan tâm sâu sắc của Ðảng bộ, chính quyền tỉnh, sự ủng hộ của các cấp, các ngành cùng với quyết tâm của gần 200 hội viên sẽ đưa văn nghệ Ðiện Biên tới đích, vươn tầm ra biển lớn.

Trần Thành (Hội VHNT tỉnh)
Bình luận
Back To Top