Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số: Khó, nhưng đừng “bó tay”

15:59 - Thứ Hai, 26/11/2018 Lượt xem: 5232 In bài viết

Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản là vấn đề nhức nhối ở nước ta lâu nay. Đặc biệt trong môi trường số, công việc này ngày càng phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp và “ảo” hơn. Đây là vấn đề khó, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta “bó tay”.

 

Phim “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp đã bị khán giả vi phạm bản quyền, phát trực tiếp trên mạng xã hội.

Lúng túng xử lý vi phạm

Tổng hợp mới đây của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông chỉ ra rằng, vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số đang phổ biến và ngày càng phức tạp. Hiện có khoảng 400 website tiếng Việt, 200 website nhạc tên miền “.vn”, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp, rồi mạng xã hội Facebook, Youtube cho phép người dùng tự do truyền tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí. Điều đáng nói là nhiều người dùng không thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền. Cuối năm 2017, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công khai danh sách 83 website có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu hết các website này vẫn hoạt động bình thường.

Ở nước ta, tuy đã có hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan khá đầy đủ, nhưng trong môi trường số, việc xử lý các vi phạm này vẫn khá lúng túng. Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng nhận định, việc xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại nước ta được thực hiện thông qua 3 phương thức là xử phạt hành chính, khởi kiện dân sự và truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng ngay phương thức đầu tiên đã gặp khó khăn. Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông) Ngô Huy Toàn cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm bản quyền, có nhiều trường hợp đã bắt nộp phạt và “đóng cửa” website, nhưng sau đó họ lại mở một website khác với cách thức cung cấp thông tin tương tự, chỉ thay đổi tên doanh nghiệp, tên người điều hành, quản lý. 

Nhiều phim Việt Nam như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Em chưa 18”, “Cô Ba Sài Gòn”… bị khán giả livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội ngay khi phim vừa ra rạp, gây thiệt hại cho nhà sản xuất hàng trăm triệu đồng. Thời gian qua, việc xử lý vi phạm bản quyền bằng khởi kiện dân sự hiện khá ít. Mới đây nổi lên là trường hợp ca sĩ Noo Phước Thịnh bị nhạc sĩ Mỹ Zack Hemsey kiện ra tòa đòi bồi thường 850 triệu đồng vì phát hành MV (video music) trên mạng sử dụng đoạn nhạc thuộc sở hữu của nhạc sĩ này mà không xin phép. Nước ta cũng chưa thấy có vụ việc truy cứu trách nhiệm hình sự nào đối với hành vi vi phạm quyền tác giả. Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định: “Tâm lý chung của nhiều người là ngại thủ tục phức tạp. Hơn nữa, thời gian từ khi nộp đơn kiện đến khi có bản án sơ thẩm ít nhất 6 tháng. Trong thời gian này không có biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả vi phạm. Mà ở môi trường internet, chỉ một giờ, một phút đã có biết bao nhiêu cú “nhấp” chuột, đem lại lợi ích cho bên đăng tải, đồng thời thiệt hại cho bên nắm giữ bản quyền...”.

Tăng cường biện pháp kỹ thuật và pháp lý

Thực tế hiện nay, các đơn vị nắm giữ bản quyền, chủ sở hữu quyền tác giả đều chọn biện pháp tự bảo vệ mình. Theo ông Nguyễn Thanh Vân, đại diện Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam, nhà đài đã áp dụng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn website vi phạm, đấu tranh trực tiếp với các bên vi phạm, truyền thông tạo hiệu ứng “tẩy chay” sản phẩm vi phạm bản quyền. Ngoài ra, nhà đài còn phối hợp với các đơn vị phát hành, làm việc với đại diện Facebook, Youtube để hạn chế khả năng vi phạm ở các bộ phim sau này.

Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số bằng biện pháp kỹ thuật số cũng khá hiệu quả. Ông Trương Quốc Việt, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty cổ phần Sky Music chia sẻ, đơn vị này đã có phần mềm quét tìm nội dung độc quyền bị phân phối trái phép trên các website. Từ đầu năm 2018 đến nay, Sky Music đã gỡ bỏ thành công 2.074 trong số 2.633 đường dẫn tới nội dung vi phạm.

Về công tác quản lý, có nhiều biện pháp để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan hiệu quả. Ông Ahn Sung Seop, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc cho rằng: "Trong môi trường số, Hàn Quốc áp dụng các biện pháp ngưng 6 tháng đối với tài khoản vi phạm sau 3 lần khuyến cáo. Tương tự, Luật Bản quyền của Anh cho phép tòa án yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ internet chặn website vi phạm bản quyền, các đơn vị cảnh sát triển khai biện pháp làm giảm nguồn thu của các website này… Việt Nam có thể tăng cường các biện pháp kỹ thuật, luật hóa quy định chặn các website vi phạm bản quyền như vậy. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, bổ sung các quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số sát với thực tiễn hơn".

Song, quan trọng nhất là yếu tố con người. Khi có ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan thì không ai đăng tải thông tin chưa có bản quyền và không ai hồn nhiên truy cập các đường dẫn vi phạm, để người khác thu lợi. Rất nhiều trường hợp khi bị xử lý rồi mới hốt hoảng không biết đó là việc làm vi phạm pháp luật. Thậm chí, không ít người trong giới nghệ thuật vô tư sử dụng sáng tác của người khác chưa xin phép, rồi đến khi bị gỡ, bị kiện mới “tá hỏa”. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người về quyền tác giả, quyền liên quan vì thế cũng cần nhiều cách thức mới, thấm thía hơn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top