Tuần Giáo - Nhiều hang động “ngủ quên”

10:21 - Thứ Sáu, 14/12/2018 Lượt xem: 9746 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo của UBND huyện Tuần Giáo, hiện nay trên địa bàn có 4 hang động được xếp hạng, gồm: 2 di tích cấp quốc gia là hang Thẳm Khương (xã Chiềng Ðông) và hang động Há Chớ (xã Pú Nhung); di tích cấp tỉnh hang động Mùn Chung và di tích nằm trong cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ là hang Thẳm Púa (xã Chiềng Ðông). Không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, khảo cổ, các hang động này đều được đánh giá là những danh lam thắng cảnh đẹp, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Thế nhưng qua nhiều năm từ khi được công nhận, các hang động này dường như vẫn đang “ngủ quên” chưa phát huy được hiệu quả…

Cách quốc lộ 279 chưa đầy 500m, hang Thẳm Khương, xã Chiềng Ðông là di tích khảo cổ được xếp hạng cấp quốc gia. Trong hồ sơ quản lý di tích ghi rõ: Hang Thẳm Khương thuộc cao nguyên đá vôi Tây Bắc có chiều dài 25m, nơi rộng nhất 6m; chiều rộng của mái đá dài 16m. Ðây là nơi chứa nhiều tầng văn hóa với các hiện vật được phát hiện như: bếp nguyên thủy, mộ táng cùng nhiều di vật đá, xương răng động vật... Qua nghiên cứu, phân tích từ những phát hiện trên cho thấy hang Thẳm Khương là nơi cư trú của người nguyên thủy vào hậu kỳ đá cũ kéo dài tới sơ kỳ đá mới. Cách đó chừng 3km là hang Thẳm Púa - địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên Chiến dịch Ðiện Biên Phủ do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh. Không chỉ vậy, hang Thẳm Púa còn có vẻ đẹp tự nhiên với lòng hang rộng, nhiều phiến đá to, phẳng như mặt bàn phủ đầy rêu, những vách đá, trần đá, măng đá, nhũ đá... nguyên sơ. Với ý nghĩa như vậy, nhưng thời gian qua, 2 hang động này chưa được đầu tư xứng tầm để phát huy hết giá trị. Cùng cán bộ văn hóa xã Chiềng Ðông xuống “mục sở thị” 2 hang động này mới thấy công tác bảo tồn đang gặp không ít khó khăn. Ðường lên cửa hang cây, cỏ mọc um tùm chắn lối chứng tỏ lâu không có người qua lại. Trước cửa hang chỉ có duy nhất 1 tấm bia báo di tích là do con người tạo nên. Khi vào trong hang, trên vách hang chằng chịt chữ viết, vẽ của du khách, vô cùng phản cảm. Chị Lò Thị Phích, cán bộ văn hóa xã Chiềng Ðông, chia sẻ: Hàng năm vào ngày lễ, tết, xã đều tổ chức cán bộ, đoàn thanh niên lên phát dọn đường vào di tích. Ðồng thời, tập trung tuyên truyền để người dân giữ gìn nguyên trạng di tích. Tuy nhiên, lực lượng mỏng lại không có người phụ trách chính nên khó kiểm soát việc người dân tự ý vào viết, vẽ lên thành hang… Cùng với 2 di tích trên, hang động Há Chớ, xã Pú Nhung cũng lâm vào tình trạng tương tự khi không còn đường lên mà phải đi nhờ vào nương của dân; phần ngay dưới cửa hang người dân cũng đã tận dụng để trồng cây sa nhân khiến đường lên đã khó nay càng thêm khó.

Ông Vũ Ðức Lâm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo, cho biết:  Sau khi các hang động được công nhận, huyện tổ chức lễ công bố và đặt bia di tích, biển chỉ dẫn; đồng thời, thành lập ban quản lý tại xã để tổ chức bảo vệ. Công tác tuyên truyền cho người dân về bảo tồn di tích được quan tâm. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ của cấp xã, công tác trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích đến nay còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần cũng do lượng khách đến với các điểm di tích này quá ít, trung bình chỉ vài chục người/năm. Cũng bởi các điểm này đều nằm xa trung tâm, không thuận tiện đi lại. Ví dụ như muốn tới hang Thẳm Púa, ngoài hơn 3km đường rải cấp phối, du khách còn phải đi bè qua sông sau đó đi qua vài trăm mét ruộng lúa, vườn cây của người dân. Các hang Mùn Chung, Há Chớ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hơn nữa, tại các điểm này chưa có hướng dẫn viên, người dẫn đường nên dù có biển chỉ dẫn nhưng du khách cũng khó lòng tìm tới được. Ðối với các hang này, huyện Tuần Giáo đều định hướng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, muốn làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề kinh phí. Như hang Thẳm Khương ngay gần quốc lộ nhưng muốn du khách đến tham quan, trải nghiệm cũng cần phải đầu tư làm bậc thang lên xuống, hệ thống điện, đèn chiếu sáng… Còn chỉ cố gắng bảo tồn, gìn giữ nguyên hiện trạng như bây giờ khó có thể đánh thức tiềm năng du lịch của các điểm di tích này.

Ngay trên Cổng thông tin điện tử huyện Tuần Giáo trong mục Dành cho du khách cũng nêu rõ danh mục cùng những bài viết chi tiết về nét đặc sắc của 4 hang động trên địa bàn. Ðiều đó cho thấy huyện Tuần Giáo thực sự quan tâm đến việc phát triển du lịch thông qua các di tích này. Tuy nhiên, muốn đánh thức được vẻ đẹp tiềm tàng đó còn cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ngành, từ Trung ương tới địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các hang động còn đang “ngủ quên”.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top