Tết Hồ Sự Chà nơi phên giậu Tổ quốc

09:02 - Thứ Năm, 27/12/2018 Lượt xem: 8646 In bài viết

ĐBP - Sống tập trung ở các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu… (huyện Mường Nhé), điều kiện vật chất của người Hà Nhì còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần thì rất phong phú với nhiều lễ hội, mang đậm nét bản sắc dân tộc Hà Nhì. Tết cổ truyền Hồ Sự Chà là một trong những hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân nơi đây...

 

Người Hà Nhì, xã Sín Thầu giã bánh dầy trong ngày tết cổ truyền. Ảnh: Sầm Phúc

Tết cổ truyền Hồ Sự Chà được tổ chức vào thời điểm mùa màng đã thu hoạch xong, khép lại một năm lao động sản xuất. Ðây là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp bên gia đình, báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, vui chơi, thăm hỏi người thân, bạn bè. Ông Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu cho biết: Theo phong tục truyền thống, tết của người Hà Nhì được tổ chức vào ngày thìn (con rồng) đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Trước đây, người Hà Nhì ăn tết từ 5 - 7 ngày, nay chỉ diễn ra gọn trong 3 ngày. Tết đến, mỗi gia đình chuẩn bị lễ vật để mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, chúc nhau những ngày đầu xuân may mắn. Ngày đầu tiên, khi sương sớm vẫn còn vương trên tán lá, các gia đình bắt lợn mổ thịt vừa làm lý vừa để mời khách. Trong ngày tết, dù giàu hay nghèo thì mỗi gia đình bắt buộc phải có thịt lợn để dâng cúng tổ tiên, nếu không có phải nhờ anh em họ hàng giúp...

Ngày tết người Hà Nhì thường xem bói gan, mật lợn. Gan lành lặn, màu sắc tươi, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, gia đình vui vẻ thuận hòa. Lợn mổ xong, gia chủ sẽ chọn mỗi thứ một ít (thịt, gan, phèo...) nấu thành cháo để bày trong mâm cúng cùng với củ gừng, bát rượu, bát chè, nước trắng... dâng mời tổ tiên về ăn tết. Xong nghi lễ này chủ nhà sẽ mời cả gia đình quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, cầu mong sự che chở, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Sau khi dâng lễ cúng mời tổ tiên về ăn tết, gia chủ tiếp tục cúng ở bếp lửa, chuồng gà, chuồng lợn những thứ gắn liền với cuộc sống thường ngày của người Hà Nhì, với lời cầu mong thóc lúa đầy nhà, đàn gà, đàn lợn sinh sôi nảy nở, phát triển tốt. Tiếp theo chủ nhà sẽ lấy ở trên mâm cúng mỗi thứ một ít cho vào bát, mang ra ngoài để khấn mời những hồn ma thất lạc, không nhà không cửa về ăn tết tại đây không được quấy nhiễu gia chủ...

Khi rượu đã cạn, mặt đã hồng là lúc dân bản xúng xính trong bộ váy áo truyền thống tập trung về một điểm tham gia các hoạt động vui chơi, hòa mình trong những điệu múa, câu hát giao duyên... chào đón năm mới. Những câu hát, điệu múa tập thể mang tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân trong bản và khát vọng về một cuộc sống vui tươi, đầm ấm. Người Hà Nhì sống cởi mở, dễ gần và rất coi trọng tình cảm. Vì vậy vào những ngày tết, khách mời của gia đình ngoài những người thân và anh em trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết, trong đó có cả người Kinh, người Mông, người Thái...

Bước sang ngày thứ 2, bản được đánh thức bởi tiếng vang từ những nhịp cối giã bánh dầy. Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo: Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất. Ðặc biệt là các loại bánh truyền thống (bánh trôi, bánh dầy)… được các gia đình làm nhiều, không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn làm quà biếu khách. Những chiếc bánh sau khi được giã nhuyễn, gia chủ sẽ nặn thật to, tròn để nấu chín, rắc thêm một ít vừng rang đặt lên mâm cúng mời tổ tiên trước, sau đó người trong gia đình mới thưởng thức. Ngày này, ngoài giã bánh dầy, nhà nhà vẫn tổ chức vui tết đầm ấm, những câu hát, điệu múa truyền thống người Hà Nhì.

Ngày thứ 3, cũng là ngày cuối cùng của tết, người Hà Nhì vẫn trong không khí rộn ràng ngày xuân, những câu hát, điệu múa không dứt, nhà nhà đón khách về chơi. Chỉ đến khi màn đêm buông xuống, những cánh rừng chìm trong bóng tối mới là lúc chia tay...

Tết của người Hà Nhì ngày nay còn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chúc mừng; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và gìn giữ những phong tục đặc sắc, như: Các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao... Sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới đã làm cho ngày tết của người Hà Nhì nơi địa đầu Tổ quốc thêm phong phú, đa dạng mà vẫn giữ được nét văn hóa cổ kính, được truyền lại từ ngàn đời nay.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top