Ðến với bài thơ hay

Bác Hồ đi chúc Tết

08:58 - Thứ Năm, 10/01/2019 Lượt xem: 7198 In bài viết

Trong căn phòng ổ chuột của chị lao công giữa Thủ đô Hà Nội

Bác đã mở vung nồi xem đón Tết ra sao

Chị lao công thưa với Bác nghẹn ngào

Giấu đi nỗi nhà nghèo không có Tết

Phố gần chợ ngày nào cũng quét

Mà vẫn đầy những rác...?!

 

Sáng mùng một

Chị không ngờ là Bác

Lại đến thăm người quét rác như mình

Mở vung nồi xem Tết Hồ Chí Minh

Giữa Hà Nội nghìn năm, xem có khác...?!

 

Không khác Tết chị lao công quét rác

Bác cả đời cũng có khác gì đâu

Ðể sạch chợ, sạch đường, sạch những con sâu

Có cái Tết cho người nghèo đâu đó

Bác quên Bác, và Người luôn nhắc nhở...

 

Ði chúc Tết bây giờ liệu có ai còn nhớ

Mở vung nồi xem Tết chị lao công ?!

Nguyễn Hưng Hải

 

Lời bình

Bác vẫn nhớ tết người nghèo

Cứ mỗi lần mùa xuân hân hoan sắp về trên khắp mọi miền đất nước, ta không thể quên được hình ảnh Bác Hồ lúc sinh thời đi chúc Tết nhân dân. Tình cảm ấm nồng, trái tim độ lượng “nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Bác luôn là niềm động viên và khích lệ mọi người hướng đến tương lai phía trước, nhất là thời điểm đất trời chuyển sang xuân. Nhiều bài thơ, bài ký của văn nghệ sĩ đã làm sống động hình ảnh của Người qua những cử chỉ, việc làm giản dị mà xúc động đến tất cả chúng ta, từ đó giúp mỗi người biết yêu thương và san sẻ nhiều hơn với nhân dân. Bài thơ Bác Hồ đi chúc Tết của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải là một trong những thi phẩm thể hiện rõ tấm lòng yêu thương nhân dân thiết tha của Bác.

Không chữ nghĩa viền vòng để điểm trang sắc xuân, hương Tết. Ngay từ đầu bài thơ, tác giả đi thẳng vào hành động của Bác lúc đến thăm nhà chị lao công giữa Thủ đô Hà Nội. Một cảnh tượng xúc động, một việc làm của vị Chủ tịch nước khiến ta không khỏi se lòng:

Trong căn phòng ổ chuột của chị lao công giữa Thủ đô Hà Nội

Bác đã mở vung nồi xem đón Tết ra sao

Chị lao công thưa với Bác nghẹn ngào

Giấu đi nỗi nhà nghèo không có Tết

Phố gần chợ ngày nào cũng quét

Mà vẫn đầy những rác...?!

Thương lắm căn phòng ổ chuột của chị lao công, chị phải làm việc vất vả ngày đêm để lo cho phố phường sạch, đẹp lại không có được cái Tết như bao người khác. Hành động “Bác mở vung nồi xem đón Tết ra sao” vừa chân thực, cảm động, đồng thời giúp người đọc hình dung về Bác thật cụ thể, sâu sắc. Với Bác, tất cả phải thiết thực, không né tránh. Người muốn tận mắt chứng kiến cảnh người nghèo đón Tết, không phải chờ báo cáo lại. Hình ảnh chị lao công “thưa với Bác nghẹn ngào/Giấu đi nỗi nhà nghèo không có Tết” thật se lòng và đầy thương cảm. Từ đó, tác giả nâng ý thơ lên thành một niềm cảm khái bằng câu hỏi tu từ - biểu cảm đầy chất vấn: “Phố gần chợ ngày nào cũng quét/Mà vẫn đầy những rác...?!”. Quả vậy, cuộc sống đầy những bộn bề, bất cập mà người lãnh đạo đất nước như Bác không thể không trăn trở, nghĩ suy. Nếu không hiểu dân, tận tường chứng kiến cảnh nghèo khó kia làm sao thấu được nỗi lòng muôn dân cho hết được.

Người nữ lao công không ngờ Bác đến thăm mình, nhưng chính nhờ Bác đến đúng lúc Tết đến, xuân về, Người càng thêm thấu hiểu tình cảnh của nhân dân, của người lao động nghèo khó, vất vả đến nhường nào. Còn với Bác, suốt cả cuộc đời mình, Bác có khác gì cuộc sống của nhân dân bình dị. Chính nhận thức được những bất cập ấy, từ cái Tết thiếu thốn của chị lao công, để muốn có cái Tết cho người nghèo cần phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, sự tham nhũng vơ vét của bọn quan tham hại dân hại nước như những con sâu ăn tàn phá hại:

Không khác Tết chị lao công quét rác

Bác cả đời cũng có khác gì đâu

Ðể sạch chợ, sạch đường, sạch những con sâu

Có cái Tết cho người nghèo đâu đó

Bác quên Bác, và Người luôn nhắc nhở...

Ý thơ được đẩy cao hơn bằng một gọng điệu quyết liệt, mạnh mẽ. Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải mượn câu chuyện đi chúc Tết của Bác để biểu đạt tình cảm và ý chí của Hồ Chí Minh đối với nạn tham nhũng và biết lo cho người dân nghèo. Chuyện đã cũ xưa, đã là dĩ vãng một thời khi đất nước còn chia cắt hai miền Nam - Bắc, nhưng đó cũng là bài học nhắc nhở, cảnh tỉnh với những người cán bộ đất nước ngày nay:

Ði chúc Tết bây giờ liệu có ai còn nhớ

Mở vung nồi xem Tết chị lao công?!

Bác Hồ đi chúc Tết là một bài thơ giản dị, mộc mạc như một câu chuyện được kể lại dưới dạng ghi chép bằng thơ của tác giả Nguyễn Hưng Hải. Nhưng càng đọc, ta càng thấm thía, lắng sâu lời dạy của Bác Hồ mỗi dịp Tết đến xuân về.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top