Ðến với bài thơ hay

Một lần trên cỏ

10:02 - Thứ Năm, 17/01/2019 Lượt xem: 6416 In bài viết

Cỏ xanh chiều nay đợi ai

Mà nhung lụa suốt chiều dài con đê?

Ta lang bạt nhớ câu thề

Về nằm trên cỏ bỗng nghe hát thầm...

 

Ô hay, cái gót chân trần

Của giai nhân cũng bổng trầm lời ca

Ta nằm mong được dẫm qua

Một lần đau bởi gót hoa cũng đành!

                                 Ðặng Bá Tiến

Lời bình

Một lần đau bởi gót hoa cũng đành

ĐBP - Một bài thơ có khả năng đánh động vào tâm hồn người đọc, dù là vô thức, nhưng bao giờ cũng thường khai mở một quy trình vận động cho dòng chảy không ngừng của cái đẹp. Cái đẹp ấy vô cùng đa dạng, tùy ở mỗi nhà thơ mà sự ám ảnh kia bật thốt ra ở các dạng thức khác nhau, cộng hưởng cùng với trải nghiệm của người đọc, song hành qua thời gian mới mong chạm được vào nỗi niềm khao khát mà tạo hóa âm thầm ban tặng cho mỗi người tùy vào hướng vọng thiên lương của cuộc tìm kiếm. “Một lần trên cỏ” của nhà thơ Ðặng Bá Tiến là hành trình khám phá vẻ đẹp nhân văn ngời sáng của tình yêu, của niềm khát khao mãnh liệt mà thi nhân bắt gặp giữa cuộc đời.

Nhìn tổng thể, bài thơ nhỏ nhắn như “cái gót chân trần” trên cỏ của hình bóng giai nhân khẽ khàng đang đến bên ta tình tự. Thể thơ lục bát truyền thống nhưng đã có ít nhiều sáng tạo của thi nhân nên phần nào cũng dễ làm mê dụ lòng người yêu thơ. Chậm đọc từng câu, từng khổ để rồi vỡ òa trong một cảm giác thú vị, mê đắm. Câu thơ đầu tiên của bài thơ lục bát nhỏ nhắn này có đến 4 thanh bằng (B) liên tiếp, chỉ có chữ “cỏ” mở đầu đóng vai trò như một nhân vật trữ tình phụ họa và chữ “đợi” như một điểm nhấn cho trạng thái hẹn hò là thuộc thanh trắc (T), nhờ thế tạo nên âm hưởng êm đềm, đồng thời mở ra không gian thanh bình, yên ả của một buổi chiều quê thanh tân, mơ mộng. Theo đó, hai dòng thơ đầu cũng rất duyên dáng nhờ vào câu hỏi tu từ khá độc đáo kết hợp với cách dùng từ “nhung lụa” gợi được cái hồn của cỏ, cái tình của tác giả ký thác một nỗi niềm riêng:

Cỏ xanh chiều nay đợi ai

Mà nhung lụa suốt chiều dài con đê?

Ở đây có sự kết hợp khá thú vị, có phải vì đợi chờ mà cỏ trở nên “nhung lụa” hay không? Tất cả cứ khép mở nhẹ nhàng, đan xen với tâm trạng xuyến xao trong nỗi đợi chờ bâng khuâng của nhân vật trữ tình càng khơi gợi biết bao nỗi niềm suy tưởng. Có điều nỗi bâng khuâng ở đây không phải của anh mà là của “ta”. Ðại từ nhân xưng “ta” có hơi xa lạ, giữ khoảng cách với giai nhân, song lại rất thành thật, bởi đã trải qua một thời gian “lang bạt” khá dài chứ không phải là nỗi đợi chờ tình nhân của một cuộc hẹn hò như trong Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính: “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/Tôi đợi người yêu đến tự tình/Sau lũy tre làng tôi nhận thấy/Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Có lẽ do khoảng cách của thời gian, dù lòng yêu thương chưa hề phai nhạt, nhưng cũng khiến cho tác giả sử dụng cách xưng hô trở nên ít nhiều xa cách, xa cách nhưng lại da diết lòng, da diết nhớ thương và ám ảnh về hình bóng người tình một thuở:

Ta lang bạt nhớ câu thề

Về nằm trên cỏ bỗng nghe hát thầm.

Nằm trên cỏ là cái khoảnh khắc thanh bình nhất, mộng mơ nhất. Có gì thanh thản và hạnh phúc hơn phút giây nằm trên cỏ để lắng lòng nghe một điều gì đó thầm thì, để nghe tiếng vọng thiên nhiên giao hòa trong trời đất. Có lẽ chỉ có cỏ là không gian xanh thơ mộng nhất, nơi sẻ chia nhiều nhất cho bao khát vọng thầm kín của tình yêu lứa đôi. Câu thơ “Ta lang bạt nhớ câu thề” được tác giả viết liên tiếp, không sử dụng một dấu câu nào để ngưng nghỉ, tôi cho đây là một dụng ý nghệ thuật. Câu thơ nhờ thế vừa mở rộng chiều dài quá khứ của thời gian, vừa gợi mở một khả năng liên tưởng về sự trớ trêu, đứt đoạn của một mối tình đẹp đẽ. “Nhớ câu thề” nghĩa là lời thề ấy đã diễn ra trong quá khứ và vẫn còn đóng đinh trong hiện tại nơi tâm hồn của kẻ “lang bạt” kia. Khao khát đợi chờ, khao khát ngóng trông, nhân vật trữ tình xưng “ta” lắng lòng nghe “cái gót chân trần” của giai nhân lên tiếng:

Ô hay, cái gót chân trần

Của giai nhân cũng bổng trầm lời ca

Vần điệu bắt nối vần điệu, nhưng có điều đặc biệt là cái lời ca bổng trầm trên cỏ kia lại bắt nguồn từ gót chân trần thanh khiết của giai nhân. Hình ảnh thơ vì thế rất tân kỳ, lạ lẫm. Trước giai nhân, tất cả đều trở thành tín đồ ngoan đạo, nhà thơ Ðặng Bá Tiến cũng không là ngoại lệ, cứ thế mong chờ được một lần người đẹp dẫm qua bởi gót chân trần mê dụ:

Ta nằm mong được dẫm qua

Một lần đau bởi gót hoa cũng đành!

Có lẽ hai câu thơ cuối bài mới thật sự vỡ òa nỗi niềm sâu thẳm nhất của tác giả, đồng thời đẩy ý tứ của bài thơ lên thành một ám ảnh nhẹ nhàng mà sâu lắng. Cái “gót chân trần” kiêu sa kia ở câu thơ thứ 5 giờ đã thành “gót hoa” khi dẫm qua cõi hồn người nằm cỏ đợi. Biến hóa thật tài tình, nghe cứ tang thương mà hóa ra nên thơ rất mực.

Tôi thích bài thơ “Một lần trên cỏ” của nhà thơ Ðặng Bá Tiến trước hết nhờ vào cấu tứ trữ tình vừa thanh nhẹ, vừa mê đắm, tô điểm một chút bâng khuâng cho nỗi niềm của bất kỳ ai trong khoảnh khắc đợi chờ, hoài niệm về một cuộc tình đã qua. Vẻ đẹp nhân văn bừng ngộ trong nỗi thảng thốt nghẹn lời khi được “Một lần đau bởi gót hoa cũng đành” sẽ mãi còn lưu luyến trong tâm hồn của những ai đang yêu và sẽ yêu giữa cuộc đời này. Ðiều đó cũng lý giải vì sao sau khi đọc một thi phẩm hay, bao giờ cũng thế, niềm khát khao về cái đẹp sẽ kết đọng trong tâm trí mỗi người, khơi dậy niềm tin yêu, dịu dàng dẫn dụ mỗi chúng ta bước vào một vùng cỏ hoa bất tận.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top