“Dân làng vẫn nhớ, bản mường vẫn thương”

08:55 - Thứ Năm, 04/04/2019 Lượt xem: 8062 In bài viết

ĐBP - “… Người cùng nghĩa quân vượt đèo núi cao lên miền Tây Bắc, đắp lũy dựng thành, rồi tuyển tướng chiêu binh. Cùng với tướng Ngải, tướng Khanh giải phóng Mường Thanh giữ yên bờ cõi”. Lời bài hát Về Thành Bản Phủ (sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn) với nhạc điệu mang âm hưởng truyền thống vang lên trong không gian trang nghiêm, phảng phất khói hương trước khi tế lễ khiến những người có mặt tại Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất năm 2019 thêm bồi hồi tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo vải cùng nghĩa quân năm xưa trên mảnh đất miền biên viễn này.

 

Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất thu hút nhiều người dân đến tham dự.

Lớp lớp người Ðiện Biên lớn lên đều ghi nhớ câu chuyện lịch sử về tướng quân Hoàng Công Chất - người con quê hương Thái Bình cùng nghĩa quân áo vải và 2 vị thủ lĩnh người bản địa là tướng Ngải, tướng Khanh đã anh dũng phất cờ khởi nghĩa, đánh tan giặc Phẻ, bảo vệ nguyên vẹn bờ cõi, sự bình yên cho các bản làng xứ sở Mường Trời vào thế kỷ 17. Năm 1769, tướng quân Hoàng Công Chất mất, người dân trong vùng vẫn khắc sâu công ơn của ông. Ðồng bào các dân tộc lập đền thờ và cứ đến ngày giỗ của ông - 24/2 âm lịch hàng năm lại tổ chức dâng hương, tri ân. Từ đó Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất (hay còn gọi là Lễ hội Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên) dần hình thành và được duy trì cho đến ngày nay.

Lễ hội năm nay bắt đầu từ sáng ngày 24/2 âm lịch với nghi thức truyền thống rước kiệu từ trung tâm xã về đến Ðền, do người dân địa phương trực tiếp tham gia thực hiện. Từ sớm, các ngả đường dẫn về Ðền Hoàng Công Chất đã đông đúc, chật cứng người, xe. Ai cũng mong muốn hòa mình vào không khí Lễ hội từ những giây phút đầu tiên và chính tay mình thắp hương tri ân công lao của các vị tướng lĩnh, đồng thời khấn cầu cho bản thân, gia đình gặp những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Năm nào bà Vi Thị Nguyệt, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) cũng cùng người thân đến dự hội Ðền Hoàng Công Chất. Bà cho biết: Ðây là hoạt động văn hóa - tâm linh trên địa bàn mà tôi và gia đình mong đợi nhất trong năm bởi sự linh thiêng, giá trị lịch sử và ý nghĩa nhân văn. Ðồng thời cũng là dịp để dạy các con, cháu tri ân, biết ơn những người anh hùng có công với quê hương, đất nước.

Tướng quân Hoàng Công Chất không chỉ dẹp yên, giữ vững mảnh đất Mường Thanh mà còn được coi như là người gắn kết miền ngược - miền xuôi, người con Thái Bình đầu tiên cùng đồng bào bản địa vùng cao dựng xây cuộc sống trên mảnh đất vùng biên này. Và đến ngày nay, với đặc thù nhiều dân tộc cùng sinh sống, Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất còn thể hiện và vun đắp tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn huyện Ðiện Biên nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Người đến tham gia Lễ hội không phân biệt dân tộc, văn hóa. Xen lẫn trong màu cờ hội là đa sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Tày, Nùng… Ðặc biệt trong đội lễ tế của xã Noong Hẹt luôn có sự tham gia của 2 dân tộc: Kinh và Thái. Màu vàng áo dài, áo hội truyền thống của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng hòa cùng sắc đen áo choàng thổ cẩm đặc trưng trong các nghi lễ của đồng bào dân tộc Thái, góp phần làm lễ hội thêm trang trọng mà độc đáo. Em Lò Thị Mai, đội 2, xã Noong Hẹt là một trong những người trẻ nhất, mới tham gia đội lễ tế, chia sẻ: Em sinh ra và lớn lên tại đây, từ nhỏ đã được nghe các câu chuyện về Tướng quân Hoàng Công Chất và thường xuyên đến thăm viếng Ðền. Năm nay khi biết đội tế lễ Ðền cần thêm người, em đã chủ động xin vào đội và được giao cầm lọng che đi bên kiệu chính. Lần đầu tiên tham gia em còn bỡ ngỡ và đã được các cô, bác trong đội nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ. Mặc dù chỉ là một vị trí nhỏ thôi nhưng em thấy rất vui vì đây là việc làm ý nghĩa, góp sức tri ân các vị anh hùng.

Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất được tổ chức thường niên, nhưng năm nay đặc biệt hơn bởi kỷ niệm 250 năm ngày mất của Tướng quân Hoàng Công Chất. Ðồng thời hướng đến kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 70 năm thành lập Ðảng bộ tỉnh, 110 năm thành lập tỉnh. “Chương trình lễ hội có sự đổi mới từ các màn diễn xướng, tiết mục văn nghệ đặc sắc, ý nghĩa, đến phần hội lồng ghép tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và dân tộc huyện Ðiện Biên theo hướng trang nghiêm. Ngoài tri ân các vị tướng lĩnh còn giới thiệu văn hóa, nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn, để thu hút người dân và du khách. Các hoạt động có sự thay đổi nhưng vẫn đảm bảo tính trang nghiêm và giữ nguyên nét văn hóa truyền thống được ghi nhận trong hồ sơ vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” - ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top