Thư viện cơ sở chưa hiệu quả

09:01 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 8092 In bài viết

ĐBP - Lượng bạn đọc ít và không thường xuyên, hình thức hoạt động đơn điệu; cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, chủ yếu là “ở nhờ, ở tạm”… là thực trạng của hệ thống thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay. Mặc dù đây là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho người dân song hiện nay hệ thống thư viện tuyến huyện bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thực sự phát huy chức năng.

 

Lượng bạn đọc hàng tháng tại Thư viện huyện Ðiện Biên Ðông còn rất khiêm tốn.

Ðầu tháng 5, chúng tôi đến huyện Ðiện Biên Ðông, phải hỏi nhiều người tôi mới tìm được Thư viện huyện. Thư viện huyện Ðiện Biên Ðông hiện chưa có trụ sở riêng mà “ở nhờ” Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Lối vào thư viện vắng lặng. Mặc dù đang trong giờ mở cửa song không thấy người nào đến đọc sách. Toàn bộ sách, tài liệu gồm hơn 1.000 đầu sách về các lĩnh vực: Chính trị, pháp luật, kỹ thuật... nằm im lìm trên giá.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Mặc dù mở cửa thường xuyên vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6, song nhiều năm qua, lượng bạn đọc đến thư viện rất ít. Trong khi đó, hàng năm ngoài việc bổ sung từ nguồn sách của chương trình mục tiêu quốc gia, huyện chưa có nguồn kinh phí cấp thường xuyên để mua sách, báo, tạp chí. Năm nay, nguồn sách chương trình mục tiêu cho các thư viện huyện không được cấp nên Thư viện huyện Ðiện Biên Ðông chỉ có sách cũ. Người làm công tác thư viện phải được đào tạo bài bản mới đáp ứng được nhiệm vụ công việc. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cán bộ thư viện huyện vẫn là kiêm nhiệm.

Hiện nay, hệ thống thư viện tỉnh gồm có 1 thư viện cấp tỉnh và 10 thư viện cấp huyện. Kho sách luân chuyển của Thư viện tỉnh hiện có trên 12.700 cuốn các loại. Hệ thống tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh gồm có 4 tủ sách: xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông); Na Ư, Mường Lói (huyện Ðiện Biên), Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo); 96 tủ sách nằm trong điểm Bưu điện văn hoá xã ; 86 tủ sách pháp luật ; 17 tủ sách các đồn biên phòng; 222 tủ sách, thư viện trường học. Tuy hệ thống tủ sách cơ sở trong tỉnh đã từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân song lượng sách báo của các tủ sách này chưa nhiều, số sách bổ sung hàng năm còn hạn chế. Thực trạng trên dẫn tới lượng bạn đọc đến với thư viện ít và không thường xuyên, chưa tạo được phong trào đọc sách trong nhân dân. Từ đầu năm đến nay, chỉ có hơn 380 người được cấp thẻ đọc, hơn 10.000 lượt người đến thư viện tuyến huyện. Con số này nếu chia đều cho 10 huyện, thị xã là rất khiêm tốn.

Lý giải về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Sở dĩ hệ thống thư viện nông thôn không phát huy được hiệu quả hoạt động do kinh phí đầu tư hàng năm quá ít. Thậm chí có thư viện không được bố trí ngân sách bổ sung, nguồn tài liệu duy nhất trông chờ hoàn toàn vào sách chương trình mục tiêu và sách luân chuyển của thư viện tỉnh. Hầu hết cán bộ thư viện cấp huyện kiêm nhiệm việc khác nên đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công tác chuyên môn. Số cán bộ cho mỗi thư viện huyện, thị còn quá ít (chủ yếu chỉ có 1 người) nên nhiều hoạt động của thư viện, đặc biệt là hoạt động xây dựng mạng lưới tủ sách cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị cho thư viện tuyến huyện hầu hết còn nghèo nàn. Toàn tỉnh chỉ có duy nhất thư viện huyện Tuần Giáo được đầu tư xây dựng trụ sở bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu, còn lại là đi thuê hoặc ở tạm. Trong thời đại bùng nổ thông tin, các ấn phẩm thông tin, sản phẩm văn hóa phát triển từng ngày với nội dung phong phú, số lượng không ngừng gia tăng thì hệ thống thư viện cấp huyện hầu như không hề có sự thay đổi đáng kể nào, tạo sự tụt hậu lớn so với thời đại.

Bởi vậy, việc thu hút bạn đọc, giúp người dân tiếp thu và vận dụng tri thức trong sách, báo một cách thiết thực tại các thư viện nông thôn còn là mục tiêu rất xa.


Bài, ảnh: Ðỗ Quyên
Bình luận
Back To Top