Sớm khảo sát, bổ sung di tích thành phần Chiến trường Ðiện Biên Phủ

09:09 - Thứ Năm, 21/11/2019 Lượt xem: 8304 In bài viết

ĐBP - Ðể làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quân dân ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu. Mỗi điểm di tích trong quần thể Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đều có giá trị, ý nghĩa to lớn, cần được cắm mốc, bảo vệ, trùng tu tôn tạo để các thế hệ sau hiểu được lịch sử hào hùng của dân tộc. Vì vậy, công tác nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các di tích thành phần bổ sung vào danh mục Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ thực sự cần thiết.

Du khách tham quan di tích đồi A1.

Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được Bộ VH,TT&DL, xếp hạng là Di tích quốc gia từ ngày 28/4/1962 (gồm có 22 điểm di tích thành phần). Ðến năm 2009, với tầm vóc và giá trị đặc biệt tiêu biểu, Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều năm liền, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã cùng Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nghiên cứu, điền dã, khảo sát thực tế, mời các nhân chứng lịch sử tiến hành xác minh thực địa, lập hồ sơ bổ sung 23 điểm có liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; đồng thời đề nghị Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh sách các di tích thành phần của di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Kết quả ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định bổ sung 23 điểm di tích thành phần vào khu Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, nâng danh mục di tích lên 45 điểm thành phần.

Trong các di tích thành phần được bổ sung năm 2015 có những điểm đến nổi tiếng, được trùng tu, tôn tạo, đưa vào phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, như: Ðồi D, đồi E, đường kéo pháo của bộ đội ta trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trận địa pháo H6, trận địa pháo 806... Cũng có những điểm nằm sâu trong rừng, cách xa trung tâm, khu dân cư, chưa có đường vào, như: Hang Huổi He (xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên), nơi từng đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðể quản lý bảo vệ tốt các điểm di tích thành phần, đơn vị quản lý đã thực hiện cắm biển tên, thành lập các tổ, đội, thực hiện phân công trông coi, bảo vệ trực tiếp từng điểm và cụm điểm di tích, gắn trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể với từng di tích được phân công quản lý, bảo vệ. Thường xuyên theo dõi kiểm tra hoạt động của các tổ, đội quản lý di tích, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các cá nhân trong việc thực thi nhiệm vụ.

Mặc dù số điểm di tích thành phần đã tăng lên nhưng vẫn còn nhiều điểm di tích liên quan, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chưa được kiểm đếm, ghi tên vào danh mục. Vì vậy  mới đây, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2384/UBND-KGVX ngày 15/8/2019, đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát và tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Theo đó giao Sở VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: “Trên cơ sở nhất trí của UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch. Hiện Sở đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch và thống nhất kinh phí với Sở Tài chính trước khi tổ chức thực hiện”.

Việc nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần vào thời điểm hiện tại sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi trải qua thời gian hơn 65 năm, các cựu chiến binh, các nhân chứng lịch sử, những người am hiểu về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ngày càng ít, tuổi cao, trí nhớ giảm, sức khỏe yếu nên khó khai thác, tìm hiểu thông tin. Hơn nữa, cũng do trải qua thời gian dài, nhiều di tích hiện nay nằm trong khu dân cư, đất sản xuất của nhân dân... Nhiều địa điểm, dấu tích đã thay đổi, biến dạng khó nhận diện, thậm chí bị hủy hoại do những hoạt động vô tình của con người và tác động của thiên nhiên. Ngoài ra, có không ít di tích nằm sâu trong rừng, rải rác cách xa nhau, đường sá đi lại khó khăn. Vì vậy càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiến hành nhanh chóng việc khai thác, tìm hiểu thông tin về các địa điểm liên quan đến Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Ông Ðào Duy Trình, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Di sản văn hóa - phòng chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch của Sở VH,TT&DL cho biết: Theo kế hoạch, dự kiến khảo sát và nghiên cứu, tìm kiếm các di tích thành phần tại địa bàn huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ. Trong đó, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai trước một số di tích còn nhiều dữ kiện lịch sử, như: Sân bay Hồng Cúm, thuộc phân khu phía Nam, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên); Sở Chỉ huy của Ðại đoàn 316 tại phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ)...

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn với các nước thuộc địa, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Ngày nay, chiến thắng vẻ vang ấy cùng hệ thống di tích chiến trường xưa vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử, hơn nữa còn là điểm nhấn thu hút du khách đến với tỉnh Ðiện Biên. Vì vậy việc tìm kiếm, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích thành phần vô cùng quan trọng, cần sớm được triển khai thực hiện. Ðó không chỉ là trách nhiệm của ngành VH,TT&DL mà của mỗi người dân trên mảnh đất Ðiện Biên anh hùng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top