Các địa phương bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử

09:10 - Thứ Năm, 21/11/2019 Lượt xem: 9344 In bài viết

Ðan xen với các loại hình du lịch

Di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được ví là “Bảo tàng cách mạng” của cả nước. Tuyên Quang là một trong những tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó có tới trên 440 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến ghi dấu những nơi Trung ương Ðảng và Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ở, làm việc trong thời kỳ cách mạng của nước ta gắn với những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc, chứa đựng các giá trị về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Di tích lán Nà Nưa, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang).

Xác định giá trị của hệ thống các di tích lịch sử trên địa bàn, nhiều năm qua tỉnh Tuyên Quang thực hiện các dự án đầu tư, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến. Ðồng thời tổ chức sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tọa đàm, hội thảo khoa học, lập hồ sơ khoa học di tích, trình cấp có thẩm quyền xếp hạng; phục hồi, tôn tạo; quản lý, bảo vệ di tích gắn với khai thác, phát huy giá trị di tích. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến quốc gia đã được phục hồi, bảo tồn, tôn tạo như: Lán họp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Ðảng, lán Ðồng minh, lán Ðiện đài, lán Cảnh vệ, tại Nà Lừa; đình Tân Trào (nơi diễn ra Quốc dân Ðại hội Tân Trào); di tích Hang Thia (nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Ðồng, thời kỳ kháng chiến); khu di tích Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; khu di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương; khu di tích Ðại hội II của Ðảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; lán làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Thực hiện mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch lịch sử đã được tỉnh Tuyên Quang kết hợp theo hướng đan xen, độc đáo với các loại hình du lịch khác. Một trong những ưu tiên đầu tư cho giai đoạn 2018 - 2030 của tỉnh là các dự án bảo tồn, tạo động lực phát triển du lịch gắn với bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo thuận lợi cho việc khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử của địa phương. Ðó được xem là điều kiện để du lịch Tuyên Quang tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng, bền vững; hướng đến mục tiêu thu hút trên 2,2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020

Liên kết gắn với tuyên truyền, quảng bá

Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng, Thái Nguyên còn thu hút đông đảo du khách tới tham quan các điểm du lịch lịch sử, về nguồn. Ðặc biệt là Khu Di tích lịch sử An toàn khu (Ðịnh Hóa) được Chính phủ đánh giá là “Quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX”.

Từ Km31, quốc lộ 3 theo đường đèo núi quanh co, len lỏi qua những đồi chè xanh là đến vùng An toàn khu Ðịnh Hóa - nơi là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, các cơ quan của Trung ương Ðảng và Chính phủ làm việc từ năm 1947 - 1954. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó nên du lịch lịch sử về nguồn “Về thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” An toàn khu Ðịnh Hóa liên kết với các khu, điểm du lịch vùng Việt Bắc và trên địa bàn tỉnh được xác định là 1 trong 3 sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 1 Khu di tích quốc gia đặc biệt, 49 di tích quốc gia, 205 di tích cấp tỉnh được lập hồ sơ khoa học xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa, tỉnh đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Hiện nay Thái Nguyên đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận triển khai thực hiện công tác đầu tư, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng An toàn khu Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) - Tân Trào (Tuyên Quang) và An toàn khu Chợ Ðồn (tỉnh Bắc Kạn) gắn với phát triển du lịch trải nghiệm về nguồn “Thủ đô gió ngàn chiến khu Việt Bắc”, xây dựng tour du lịch về nguồn phục vụ du khách trong nước và quốc tế.  

Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích

Ninh Bình tự hào có di tích Cố đô Hoa Lư và danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Ðộng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Với bề dày thời gian hơn 1.000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử có giá trị. Trong số các di tích nổi bật là hai ngôi đền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng và vua Lê Ðại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII.

Nhận thức di sản văn hóa là tài sản vô giá đối với địa phương, vì thế công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo để phát huy các giá trị của di tích được các cấp ngành tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã triển khai thực hiện “Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo và mở rộng phạm vi một số di tích có liên quan đến Nhà nước Ðại Cồ Việt” đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp 14 di tích và hạng mục di tích có giá trị cao về lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.

Trong đó, tu bổ và tôn tạo 6 di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư là: Khu lăng mộ vua Ðinh Tiên Hoàng; khu lăng mộ vua Lê Ðại Hành; Bia Cửa Ðông; đình Yên Thành; đình Yên Trạch và Phủ Ðông Vương. Tu bổ tôn tạo 6 di tích cấp quốc gia và công trình phụ trợ khác gồm: Khu tưởng niệm và lăng mộ Thái tế Ðịnh Quốc Công Nguyễn Bặc, đình Mỹ Hạ, đình Ngô Khê Hạ, đền Thung Lau, đền Tam Thánh - chùa Yên Lữ, đền thờ Tướng quân Ðinh Ðiền và chùa Tháp. Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp Ðình Trai; xây dựng Khu nhà làm việc của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư.

Ðể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của Di tích, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá Cố đô Hoa Lư đã làm tốt việc giữ gìn, bảo quản các tài liệu, hiện vật. Trung tâm đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích thông qua đội ngũ thuyết minh viên và sự phối hợp với các cơ quan báo chí để ngày càng có đông đảo các tầng lớp nhân dân biết đến giá trị cao quý của di tích, nhân rộng, quảng bá hiệu quả các giá trị to lớn của di tích, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

An Biên (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top