Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Cần những người truyền nối trẻ tuổi

08:45 - Thứ Sáu, 22/11/2019 Lượt xem: 8884 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhiều hoạt động bảo tồn, phục dựng, khai thác văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh được thực hiện, góp phần gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Song việc truyền nối, duy trì thực hành những nét đẹp này cho thế hệ mai sau vẫn là vấn đề khó đạt như mong muốn.

Lễ phục dựng trình diễn Hội Hạn khuống tại bản văn hóa Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Hoàng Hà

Mới đây tại bản văn hóa Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ diễn ra chương trình báo cáo khôi phục, bảo tồn Hội Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái. Trong sự mong chờ, nhiệt tình tham gia và cổ vũ của bà con dân tộc Thái tại địa bàn và những người yêu văn hóa Thái, Hội Hạn khuống diễn ra thành công, một lần nữa góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh nét đẹp truyền thống dân tộc Thái, để lại nhiều dư âm cho những người tham dự. Tuy nhiên cũng qua chương trình này, việc bồi dưỡng, thu hút, khuyến khích lớp thanh niên tham gia bảo tồn, gìn giữ, truyền nối các nghi thức, phong tục cổ truyền một lần nữa được nhắc lại và cần được chính cộng đồng dân tộc Thái quan tâm, coi trọng hơn nữa. Bởi lẽ xưa kia, Hội Hạn khuống là sân chơi dành riêng cho nam thanh nữ tú chưa lập gia đình với mong muốn tìm người thương, kết duyên vợ chồng. Nhưng khi khôi phục, không người trẻ tuổi nào đủ khả năng đảm nhiệm các vị trí chính của lễ hội. 2 nam, nữ hát đối đáp chính đều đã trên 50 tuổi, lên chức ông, bà. Những người biểu diễn phụ cũng đều đã lập gia đình, người trẻ nhất trên 30 tuổi.

Theo tiếng Thái, hạn khuống có nghĩa là cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. Ở hạn khuống, nam nữ thanh niên hát giao duyên với nhau. Các chàng trai phải hát khắp đối đáp để được các cô gái đồng ý cho lên sàn hạn khuống. Rồi họ tìm hiểu nhau, tâm sự, tỏ tình cũng bằng những lời hát. Ngày nay, Hội Hạn khuống đã mai một, các làn điệu khắp, dân ca dân tộc Thái cũng không phổ biến đối với thế hệ thanh niên. Vì vậy, để phục dựng lại chỉ có thể nhờ đến thế hệ “U40”, “U50”. Ông Lường Văn Chựa, Trưởng bản Him Lam 2, chia sẻ: Những người thuộc thế hệ chúng tôi, khi trẻ vẫn được tham gia, ngân nga hát ít nhiều nên có thể dễ dàng tập luyện, dàn dựng lại. Còn người trẻ trong bản chỉ biết hát các bài hát mới, hiện đại chứ hát theo nhịp điệu, lời cổ thì chưa ai hát được. Thực tế từ những năm 90 trở về đây, bản đã 3 lần được tham gia khôi phục, biểu diễn lễ hội truyền thống có nhiều làn điệu khắp, hát đối đáp nhưng vẫn không có người mới, người trẻ đảm nhiệm được và thực sự quan tâm, muốn học, thực hành.

Còn tại các lớp truyền dạy chữ Thái cổ, nhạc cụ, hát dân ca, nghề truyền thống dân tộc mà chúng tôi từng có dịp đến dự, số người trẻ tuổi tham gia là rất ít, chỉ dừng ở con số vài ba người, thậm chí là không có. Học viên chủ yếu ở độ tuổi 40 trở lên, có những người đã 70 - 80 tuổi vẫn tích cực học hỏi với mong muốn gìn giữ bản sắc dân tộc và có thể truyền dạy nét đẹp truyền thống cùng tình yêu dân tộc cho con cháu. Ông Lò Văn Cư, nghệ nhân dạy chữ Thái cổ, thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái Ðiện Biên, chia sẻ: “Chữ Thái cổ rất khó học, nhiều nét tỉ mỉ, phức tạp, nếu không thực sự tập trung, tâm huyết, dành thời gian nghiên cứu, học hỏi thì không thể tiếp thu và đọc thông, viết thạo. Cũng đã từng có nhiều người trẻ tìm hiểu, đăng ký và tỏ ý thích học chữ cổ nhưng không mấy người kiên trì theo được”. Ông Cư cũng tâm sự thêm rằng kho tàng ca dao, tục ngữ, tác phẩm văn học, âm nhạc và cả phong tục, tập quán của dân tộc Thái rất phong phú và được lưu truyền, ghi chép trong nhiều cuốn sách cổ. Nếu không gìn giữ được chữ viết thì các tư liệu này sẽ lãng phí, thế hệ sau không thể đọc, hiểu được ông cha mình truyền thụ điều gì. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 người truyền dạy được chữ Thái cổ đều đã cao tuổi. “Chúng tôi muốn tìm người truyền nối để thay mình phổ biến chữ viết của dân tộc nhưng vẫn chưa tìm được người nào thật sự tâm huyết” - ông Cư trăn trở.

Không riêng gì dân tộc Thái mà việc truyền nối nét đẹp văn hóa cho thế hệ trẻ đang là vấn đề chung các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều gặp phải. Thế hệ trẻ có những đam mê, sở thích riêng và bận rộn với công việc, cuộc sống hiện đại nên khó đòi hỏi họ say mê, dành nhiều thời gian cho vốn văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên nếu người trẻ chỉ đứng mãi ở vị trí thưởng thức văn hóa, hời hợt thực hành mà không tìm hiểu, học hỏi, kế tục thì theo thời gian, khi lớp người cao tuổi mất đi, những nét đẹp truyền thống của dân tộc cũng sẽ dần mai một. Và rồi chỉ còn lại những ngậm ngùi, nuối tiếc.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top