Dấu ấn chiếu bóng vùng cao

09:38 - Thứ Năm, 05/12/2019 Lượt xem: 11082 In bài viết

ĐBP - Nói về những khó khăn, vất vả đối với những người làm công tác chiếu bóng lưu động thì khó có lời nào diễn tả hết. Thế nhưng, bằng trách nhiệm và niềm đam mê, những năm qua đội ngũ chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh đã nỗ lực vượt lên khó khăn, gánh trên vai trọng trách truyền tải thông tin, mang văn hóa nghệ thuật đến nhân dân các dân tộc vùng sâu vùng xa. Những thước phim, hình ảnh được trình chiếu không đơn thuần chỉ là “món ăn tinh thần” của người dân vùng cao mà còn là kênh tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Một buổi chiếu phim tại Trường PTDTBT THCS xã Pú Hồng, huyện Ðiện Biên Ðông. Ảnh: Văn Tâm

Thời đại công nghệ, ti vi, internet, điện thoại thông minh bùng nổ, vì vậy ở nhiều khu vực, địa bàn, nghề chiếu bóng lưu động không còn sôi động. Còn với người dân các bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh thì mỗi lần nghe tin có đội chiếu bóng về bà con lại háo hức, vui như ngày hội. Hiện nay, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh có 8 đội chiếu bóng lưu động, mỗi đội 3 thành viên được giao phụ trách 8 huyện trên địa bàn tỉnh (trừ TP. Ðiện Biên Phủ và TX. Mường Lay). Xác định những thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là những nơi chưa có điện lưới quốc gia là “vùng lõm” về văn hóa, thông tin, những năm qua các đội chiếu bóng lưu động đã tăng cường số buổi, tần suất chiếu bóng tại những địa bàn này.

Một ngày cuối tháng 11/2019, bản Chống Sư, xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông) rộn ràng hơn bởi sự xuất hiện của đội chiếu bóng lưu động. Nhà sinh hoạt cộng đồng của bản được chọn là địa điểm tổ chức buổi chiếu phim. Hình ảnh cả làng háo hức đi xem chiếu bóng đối với miền xuôi đã thành hồi ức nhưng ở vùng cao thì vẫn nguyên không khí rộn ràng. Khác với những ngày thường, hôm nay dân bản làm nương về sớm để còn chuẩn bị xem chiếu phim buổi tối. Theo kế hoạch 7 giờ tối mới bắt đầu công chiếu, nhưng từ 6 giờ chiều đã rất nhiều trẻ em và người già có mặt ở địa điểm chiếu phim. Anh Sùng Chống Nếnh, Trưởng bản Chống Sư, xã  Phì Như chia sẻ: Ðội chiếu bóng về phục vụ người dân là chúng tôi vui lắm, chiếu nhiều phim hay về Bác Hồ, phim về đấu tranh cách mạng, phim phổ biến kiến thức khoa học. Thực tế đã có nhiều người biết tiếp thu kiến thức, áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt một cách hiệu quả.

Ðể có một buổi tối vui vẻ, ý nghĩa cho người dân vùng cao là những khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của những người làm công tác chiếu bóng lưu động. Trong khi đó, ngoài tiền lương được trả theo quy định thì không có thêm bất kỳ phụ cấp hay chế độ bồi dưỡng nào. Gắn bó với nghề nhiều năm nay, anh Hà Mạnh Hùng, phụ trách Ðội chiếu bóng lưu động số 5 đã đặt chân đến tất cả các bản trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông. Anh cũng không nhớ hết được đã bao nhiêu lần đi chiếu bóng ở vùng cao, vùng sâu, chỉ biết rằng anh biết nhiều thế hệ trưởng bản, bí thư chi bộ. Còn dân bản thì thuộc tên, quý mến và đón tiếp các anh như người thân trong gia đình ở xa mới về.

Anh Hà Mạnh Hùng cho biết: Năm 2019, Ðội chiếu bóng lưu động số 5 đã chiếu phục vụ người dân 175 buổi, thu hút hơn 22.500 lượt người đến xem. Ðể chuẩn bị một buổi chiếu phim, các thành viên trong đội phải lên kế hoạch trước đó cả tuần, từ khâu chọn phim chiếu cho phù hợp với người xem đến việc chuẩn bị máy móc, thiết bị và máy nổ. Trong đó, khó khăn nhất là công tác vận chuyển máy móc thiết bị vào bản. Hiện nay vẫn còn nhiều điểm bản phải đi bộ, chia nhau mang vác máy móc băng rừng, lội suối để đến các điểm chiếu. Ðiểm chiếu phim nào gần thì mất vài tiếng đi bộ, còn thôn bản nào xa thì mất cả buổi, thậm chí đi từ sáng sớm đến tối mịt mới đến nơi. Kết thúc buổi chiếu phim, thu dọn xong đồ nghề cũng ngót nghét 12 giờ đêm. Nơi ngủ có khi là nhà dân nhưng cũng có khi ngủ tại nhà văn hóa. Mùa hè thì nóng nực, còn mùa đông lạnh thấu xương. Song mỗi khi chứng kiến niềm vui của người dân đã cổ vũ, động viên anh em trong đội quên đi bao mệt nhọc. Những cái ôm, bắt tay thắm thiết của người dân sau mỗi buổi chiếu bóng là phần thưởng, nguồn động viên lớn nhất để anh em trong đội gắn bó hơn với công việc.

Các thành viên Ðội chiếu bóng số 6 (huyện Mường Chà) vận chuyển máy móc, thiết bị để chuẩn bị cho buổi chiếu phim.

Anh Mai Xuân Chinh, phụ trách phòng Nghiệp vụ - Ðiện ảnh (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh) cho biết: Năm 2019, trung bình 8 đội chiếu bóng tổ chức khoảng 1.400 buổi chiếu phục vụ người dân vùng cao, biên giới. Nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, thuyết minh bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền trước mỗi buổi chiếu đều được lựa chọn phù hợp với truyền thống, tập quán các dân tộc. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; nhân rộng các mô hình, điển hình; hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình; nâng cao tinh thần đoàn kết quân dân... Quá trình thực hiện chiếu phim phục vụ người dân, các đội chiếu bóng gặp rất nhiều khó khăn. Thật lòng mà nói, nếu không yêu nghề sẽ không làm được nghề này! Nhưng sự hi sinh ấy đã mang lại hiệu quả, ý nghĩa quan trọng. Ðó là góp phần nâng cao trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật cho dân dân các dân tộc thiểu số. Và tình cảm quý mến của bà con đã tiếp thêm động lực cho những người làm nghề chiếu bóng tiếp tục lên đường.

Dành phần lớn cuộc đời cho nghề chiếu bóng lưu động, anh Hùng cũng như bao đồng nghiệp khác đều hiểu rằng, đó không chỉ là công việc được giao mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với người dân vùng cao vùng sâu, biên giới đời sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Vì vậy, nhiều khi chân mỏi nhưng cán bộ chiếu phim lưu động với sự say nghề và yêu người vẫn luôn kiên trì trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top