Cây “tọa đăng” và Tết...

10:03 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 6881 In bài viết

ĐBP - Ngày nhỏ ở quê, trong số “gia bảo” ít ỏi và nghèo nàn của mẹ con tôi có một cây đèn dầu to. Mẹ gọi nó là đèn “tọa đăng”. To lắm. Thân đèn không phải thủy tinh mà bằng thiếc (hay kẽm gì đó). Họng đèn cũng bằng thiếc, to gần ngang miệng chén nước, luồn sẵn chiếc tim bản rộng bề ngang cỡ tấc tây nếu không bị cuốn vòng. Họng to nên vặn cố định luôn vào bầu đèn chứ ít khi được mở rời. Cổng rót dầu được thiết kế riêng bên hông bầu đèn; rót xong có nắp đậy lại. Duy nhất cái bóng đèn (thông phong) chụp bên trên họng đèn là bằng thủy tinh;  hình dạng đại để cũng như của các loại đèn dầu tầm trung. Khác cái nó to hơn nhiều; to đến mức tay thằng bé con tôi nắm lại, đưa lọt thỏm vào bên trong, ngọ nguậy vẫn còn dư chỗ! Cái bầu đèn “khủng” nuốt dầu rất khiếp: mẹ mua lít dầu hỏa dành châm đèn hột vịt hàng tháng trời chưa hết; vậy nhưng cây “tọa đăng” mỗi lần mở miệng châm là xem như “đi” trọn lít dầu!

Gọi “tọa đăng” (đèn ngồi) chắc là do đèn to nặng quá; thắp lên rồi lại tỏa hơi nóng rực, bê đi rất khó khăn và nguy hiểm. Vậy nên đèn đã thắp chỗ nào là để “ngồi” chết luôn chỗ đó; bất đắc dĩ muốn dời phải thổi tắt, chờ bóng đèn nguội mới dám bê đi. Bất tiện vậy nhưng ánh sáng đèn thì khỏi chê: tỏa sáng rực hệt cái bóng điện tròn 100w xua tan hết bóng đêm dày đặc xung quanh. Giờ thì mức sáng đó thường thôi; vậy nhưng ngày quê chưa có điện, ánh sáng của cây đèn “tọa đăng” trong tâm thức lũ trẻ thơ chắc chắn là “sự kiện”.

“Bảo vật” ấy ngày thường được mẹ trùm bao nilon cất kĩ trong tủ thờ. Bóng đèn tháo cất riêng, lót giấy buộc thun cẩn thận tránh bị vỡ. Ðể chống rỉ, mẹ sai anh Tư mua, quét ngoài thân đèn một lớp sơn màu trắng. Dịp duy nhất trong năm để cây “tọa đăng” xuất hiện, oai vệ ngự trên bàn lớn giữa nhà là… Tết. Năm nào cũng vậy; ba mươi Tết, khỏi cần mẹ nhắc anh Tư luôn nhớ việc khệ nệ bê cây “tọa đăng” ra lau chùi, kiểm tra tim bấc, lắp bóng, rót dầu. Vừa làm anh vừa lo canh, nạt mấy đứa em cũng xúm bu quanh, không cho chúng táy máy sờ vào “hiện vật”. Nạt thì nạt, lũ nhỏ đứa nào cũng đứng quanh cương quyết “bám trụ”, không chịu rời đi. Còn hỏi; một năm mới một lần được thấy “tọa đăng”, thấy đèn là thấy Tết bảo sao không mê? Kiểm tra, đốt thử xong xuôi, anh Tư trịnh trọng hai tay bê cây đèn bự chảng đặt lên giữa bàn, phủi phủi tay nhìn ngửa nhìn nghiêng vẻ rất mãn nguyện…

Tối ba mươi, thời khắc cây “tọa đăng” được mẹ thắp sáng thật sự là “thời khắc lịch sử”. Căn nhà hàng đêm vẫn lù mù âm u dưới ánh leo lét của lũ đèn hột vịt hốt nhiên - như có phép mầu - bừng lên sáng hực! Ánh sáng len soi vào mọi ngóc ngách, chảy tràn ra sân, hắt ngược lên mặt lư đồng, đèn thau vừa được đánh bóng, lấp loáng nhân lên thành ngàn vạn ngọn đèn nhỏ tí đang thi nhau cháy sáng lung linh. Hơi nóng từ đèn tỏa ra đủ làm ấm sực cả gian nhà trong khi ngoài trời vẫn còn đang căm căm cái lạnh cuối năm. Mẹ thắp mấy nén hương trang trọng cắm lên ban thờ, xong lùi lại dặn lũ con chơi xa đèn kẻo bỏng. Khỏi cần dặn; “ông đèn” nóng rực, sáng trưng kia dường như đang toát ra cái uy nghi khiến đứa nào dòm cũng… sợ! Thích; nhưng chỉ dám đứng xa xa mà ngắm. Ngắm chán thì hò nhau trải chiếu, bày cờ cá ngựa hay bộ bầu cua tí hon cùng quây quần dưới ánh sáng “tọa đăng” mà say mê sát phạt. Mau mau tranh thủ chơi kẻo ngày vui ngắn chẳng tày gang; xong ba bữa Tết là “ánh sáng thiên đường” kia lại bị mẹ thu, cất vào bụng tủ mà chờ tới… Tết sang năm. Lũ nhỏ sẽ còn phải ngẩn ngơ, tiếc nuối rất lâu trước khi quen lại cùng ánh sáng của những cây đèn hột vịt lù mù…

Y Nguyên
Bình luận
Back To Top